Vào nội dung chính

Làn sóng chống hạt nhân ngày càng mạnh tại Nhật Bản

Thất bại trong lần thực hiện đầu tiên đối với việc xử lý 105.000 tấn nước nhiễm chất phóng xạ càng làm cho người dân Nhật Bản phản ứng mạnh mẽ hơn, chống lại năng lượng hạt nhân. Với bài viết « Quản lý hậu quả kém, tình hình Fukushima làm tăng mạnh làn sóng chống hạt nhân tại Nhật Bản », nhật báo Le Monde phân tích nguyên nhân của sự chống đối này.

Một cuộc biểu tình chống điện nguyên tử tại Tokyo ngày 10/4/11. Bé gái trong ảnh cầm biểu ngữ mang dòng chữ "Không cần nhà máy điện hạt nhân".
Một cuộc biểu tình chống điện nguyên tử tại Tokyo ngày 10/4/11. Bé gái trong ảnh cầm biểu ngữ mang dòng chữ "Không cần nhà máy điện hạt nhân". Reuters
Quảng cáo

« Xưởng vẽ Ghibli không muốn dùng điện hạt nhân để sản xuất phim » là dòng chữ trên băng rôn trước cổng xưởng vẽ của nhà đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật, ông Hayao Miyazaki - người từng đoạt giải Oscar lần thứ 75 cho bộ phim « Cuộc phiêu lưu của Chihiro » và giải Gấu vàng Berlin 2002 cho bộ phim hoạt hình hay nhất. Le Monde cho biết ngày càng có nhiều người lên tiếng phản đối hạt nhân, ngay cả những người nổi tiếng thuộc làng giải trí Nhật Bản.

Qua thăm dò ý kiến, 82% người dân được hỏi mong muốn tháo dỡ ngay lập tức hoặc bỏ dần dần tất cả các lò phản ứng hạt nhân. Không những thế, 11 trên tổng số 47 tỉnh trưởng cũng đồng tình với ý kiến này của người dân. Theo họ, cần phải loại bỏ ngay lập tức tất cả những lò phản ứng ngay khi nó chứa đựng nguy cơ khó khăn cho việc thẩm định. Họ kêu gọi chính phủ và các tập đoàn khai thác điện hãy vì tương lai cho các thế hệ con cháu sau này mà can đảm đưa ra các quyết định lịch sử, từ bỏ hạt nhân và phát triển các nguồn năng lượng thay thế. Ngay chính tại Fukushima, ủy ban phụ trách nghiên cứu về tái xây dựng dự đoán sẽ từ bỏ hạt nhân.

Le Monde giải thích, sở dĩ người dân Nhật Bản có thái độ thù nghịch với hạt nhân vì hai lý do.

Thứ nhất, thất bại của lần xử lý đầu tiên 105.000 tấn nước nhiễm xạ cho thấy chính phủ Nhật Bản và tập đoàn khai thác điện hạt nhân Tepco quản lý hậu quả kém. Le Monde cho biết, lượng cesium chiết tách đã chạm tới giới hạn nhiễm xạ 4 millisievert chỉ trong vòng có 5 giờ, mà theo chuẩn bình thường phải mất một tháng. Không những thế, chi phí cho xử lý nước nhiễm xạ rất tốn kém. Cứ một tấn nước cần xử lý, Tepco phải trả khoảng 210.000 yên (tương đương với 1.840 euros). Bình thường, nước đã được khử nhiễm sẽ được dùng để làm lạnh các lò phản ứng. Điều đáng lo ngại là, trong trường hợp thất bại người ta vẫn chưa có một giải pháp thay thế nào khác. Như vậy, có nguy cơ nước nhiễm xạ lại sẽ được đổ ra biển một lần nữa.

Thông tin nhỏ giọt về tầm mức nghiêm trọng của hậu quả hạt nhân Fukushima cũng là nguyên nhân tạo ra thái độ thù nghịch chống hạt nhân. Le Monde cho biết, chính quyền địa phương vùng Shizuoka đã tìm mọi cách che giấu sự thật. Thậm chí, họ còn đề nghị nhà các nhà phân phối lớn không nên yết thị trên mạng Internet kết quả xét nghiệm cho biết chè ở vùng này bị nhiễm xạ cao, vượt quá tiêu chuẩn quy định.

Le Monde kết luận, trong bối cảnh này, chính quyền của ông Naoto Kan khó có thể mà thuyết phục người dân để tái khởi động lại các lò phản ứng đang ngưng hoạt động.

Người dân Syria đã mất niềm tin vào Bachar al-Assad

Về thời sự quốc tế, nhiều tờ báo Pháp hôm nay quan tâm đến tình hình tại Syria. Ngay sau khi bài diễn văn dài 70 phút của Tổng thống Syria Bachar Al-Assad trước một giảng đường đại học vừa kết thúc, ngay lập tức người dân tại nước này đã xuống đường biểu tình. Nhật báo Le Figaro và Liberation có bài nhận định về phản ứng của người dân Syria sau bài diễn văn của ông Assad.

« Quá ít », « quá trễ » hay « không hề có sự hối hận » là những lời bình phẩm của phe đối lập, được Libération trích lại qua bài viết « Al-Assad vẫn còn bị điếc trước tiếng ồn của đường phố ». Qua nhận định nhiều nhà đối lập, bài diễn văn của ông Assad đã không làm thỏa mãn được những đòi hỏi của người dân Syria. Những lời đề nghị hiệu chỉnh Hiến Pháp của Tổng thống Syria chẳng qua chỉ là đầu môi chót lưỡi, khi mà ông này chẳng đưa ra được một kế hoạch cụ thể nào và các biện pháp để tổ chức cải tổ.

Còn báo Le Figaro lại cho rằng, « Assad cam kết cải cách, nhưng người Syria không còn tin vào lời hứa đó nữa ». Ba tháng khủng hoảng, ông Assad chỉ xuất hiện có ba lần. Và lần này, ông cũng không thể nào xoa dịu cơn giận dữ của người dân. Theo bài báo, bài diễn văn của ông chỉ làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng. Đối với người dân nước này, chế độ này không thể nào cải tổ được nữa. Nó phải sụp đổ.

Le Figaro cho biết, bài diễn văn của ông Assad chỉ công nhận sự hiện hữu của những người biểu tình mà các đòi hỏi của họ là hợp pháp. Ông cũng chỉ đề cập đến vấn đề công bằng xã hội và vấn nạn tham nhũng, hứa hẹn sẽ chấm dứt thế độc tôn quyền lực của đảng Baas và cam kết sửa đổi Hiến Pháp. Tuy nhiên, người Syria cho rằng ông đã không nghiêm túc khi không trả lời các đòi hỏi của người dân như rút quân đội ra khỏi các thành phố và tôn trọng quyền được biểu tình ôn hòa. Nhiều nhà ly khai Syria nhận định lời đề nghị « đối thoại quốc gia » chỉ là một lời hứa hão, lừa bịp. Theo họ, đó là độc thoại thì đúng hơn, khi mà mọi việc, quy trình và lịch trình sẽ do chính ông Assad quyết định.

Le Figaro kết luận, Tổng thống Syria Bachar Al-Assad đã đi quá đà và ông không thể quay đầu lại được nữa, theo như lời nhận định của Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé.

Bong bóng vay tín dụng
tại Trung Quốc có nguy cơ bị vỡ

Trong khi cả thế giới đang tỏ ra quan ngại cho khủng hoảng tài chính taị Hy Lạp và nợ công tại Mỹ, thì dường như ít ai quan tâm đến một khía cạnh khác về tình hình tài chính Trung Quốc. Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay đăng một bài nhận định của Michel Juvet tinh hình nợ vay tại Trung Quốc, cho thấy mặt trái của sự phát triển phi mã của nền kinh tế Trung Quốc.

Trong bối cảnh Mỹ và Châu Âu phải đối diện với các đề nợ công, Trung Quốc luôn chứng tỏ như một tấm gương về khả năng làm chủ một cách hoàn hảo sự phát triển của mình : không có vấn đề về tài chính công và "giới trí thức cộng sản" thừa khả năng giải quyết mọi vấn đề.

Tuy nhiên, ít ai để ý đến hiện tượng lượng tiền lưu thông trên thị trường Trung Quốc đã tăng lên gấp đôi trong vòng 4 năm. Như vậy, Trung Quốc đang đứng trước một quả bóng tiền mặt khổng lồ. Một hiện tượng mà trước đây Mỹ và Nhật Bản đã từng nếm trải. Không một cơ quan Tài chính nào để ý đến mặt hạn chế này. Theo tác giả, nếu chỉ căn cứ vào tình hình tài chính công để đánh giá sức khỏe một nền kinh tế, thì Trung Quốc thuộc loại có « sức khỏe tốt ». Nợ công của Trung Quốc chỉ chiếm có 20% của PIB, so với 100% tại Châu Âu. Vấn đề ở đây chính là, việc tạo ra khối lượng tiền mặt khổng lồ phải được ghi nhận đâu đó trong các tài khoản công Trung Quốc.

Mặt khác, tổng số nợ Ngân hàng chiếm đến 150% tổng sản phẩm quốc nội (PIB).Tác giả nhận định rằng Trung Quốc đang chậm trễ trong việc giải quyết quả bóng vay tín dụng.

Do quá phụ thuộc vào sản xuất công nghiệp, mà giá năng lượng và lương nhân công tăng theo vòng xoáy, khả năng sản xuất sẽ bị ảnh hưởng nhiều, trong bối cảnh bong bóng vay tín dụng đang phình to.

Cuối cùng tác giả cho rằng, Trung Quốc nên xiết chặt chính sách tiền tệ của mình và chống lạm phát đang đè nặng lên thu nhập của người dân.

Trên trang nhất các báo Pháp

Trang nhất các báo Pháp hôm nay đề cập đến nhiều đề tài đa dạng.

Nhật báo Le Monde và Liberation cùng quan tâm đến tình hình nợ Hy Lạp. Cả hai tờ báo cùng quan điểm khi e ngại rằng sẽ xảy ra « hiệu ứng domino » trong khối euros. Với hàng tít « Nợ Hy Lạp : 10 ngày để tránh hiệu ứng domino tại Châu Âu », Le Monde cho biết Liên minh Châu Âu đang buộc Hy Lạp phải thông qua kế hoạch khắc khổ mới trước ngày 30 tháng 6 này.

« Khủng hoảng tại Châu Âu : Nếu như Hy Lạp phá sản… » là hàng tựa trên Libération.Bài báo tự hỏi liệu « Bất ổn tài chính tại Hy Lạp có đe dọa đến đồng euro hay không ? » và Libération đã mường tượng kịch bản lây lan có thể xảy ra từ đảo Sýp cho đến Tây Ban Nha.

Trang nhất báo Le Figaro thì quan tâm đến đề tài bầu cử tổng thống Pháp năm 2012. Tờ báo chạy tít « Vụ án DSK làm thay đổi cục diện như thế nào ». Bài viết nhận định bầu chọn ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng Xã Hội đã làm thay đổi bản chất, theo đó Đảng Xã hội đã giang tay về phía các cử tri thuộc cánh trung. Và đại bộ phận dân Pháp dự đoán ông Nicolas Sarkozy sẽ tái đắc cử.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.