Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NHÂN QUYỀN

Vợ của nhà dân chủ Hồ Giai đã trở về sau vụ mất tích

Ngày hôm nay thứ Ba 21/6, bà Tằng Kim Yến (Zeng Jinyan) – phu nhân của nhà ly khai Hồ Giai (Hu Jia) đã cho AFP biết, bà đã trở về nhà, sau khi bị những người lạ mặt bắt đi hôm chủ nhật (19/6) tại sân bay Bắc Kinh. Ngày hôm qua, bà Tằng Kim Yến đã được vào tù thăm chồng.

Các thành viên Nghị viện Châu Âu giơ cao chữ "Tự do" (được dịch ra tiếng Trung và nhiều thứ tiếng), để tôn vinh ông Hồ Giai, người được trao giải thưởng Sakharov "vì tự do tư tưởng" 2008, Strasbourg, 17/12/2008.
Các thành viên Nghị viện Châu Âu giơ cao chữ "Tự do" (được dịch ra tiếng Trung và nhiều thứ tiếng), để tôn vinh ông Hồ Giai, người được trao giải thưởng Sakharov "vì tự do tư tưởng" 2008, Strasbourg, 17/12/2008. (Photo : Reuters)
Quảng cáo

Ngày hôm qua, trang Twitter của bà Tằng Kim Yến cho biết bà đã bị tám người lạ mặt đưa đi, ngay khi chiếc máy bay từ Thẩm Quyến hạ cánh xuống sân bay Bắc Kinh. Theo tờ Oriental Daily của Hồng Kông, rất có thể vợ của nhà ly khai Hồ Giai đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ. Tuy nhiên, vào lúc đó AFP không khẳng định được, liệu có phải đúng là chính bà Tằng Kim Yến đã viết thông báo về việc bà bị bắt trên trang Twitter của bà hay không. Ngày hôm nay, vợ của nhà ly khai Hồ Giai đã khẳng định chính là tác giả của thông điệp kể trên. 

Về mặt nguyên tắc, ông Hồ Giai sẽ mãn hạn ba năm tù rưỡi vào chủ nhật tới (26/6). Bà Tằng Kim Yến cho biết qua trang mạng, trong cuộc gặp ngày hôm qua, bà đã nói với ông hãy săn sóc bản thân, bởi vì hai người sẽ có cuộc sống lâu dài bên nhau. « Trong những ngày tới, tôi sẽ giặt giũ, làm bếp, mua thuốc thang, gặp các bác sĩ và chăm sóc mẹ chồng tôi. Ngoài ra không có gì khác », bà Tằng Kim Yến khẳng định. Được biết, nhà dân chủ Hồ Giai bị mắc bệnh xơ gan.

Thường được nhắc đến trong số các ứng cử viên sáng giá của giải Nobel Hòa bình, nhà ly khai Hồ Giai – 37 tuổi – là một trong những nhà dân chủ Trung Quốc nổi tiếng nhất. Ông Hồ Giai đã đối đầu với chế độ hiện hành trong việc bảo vệ các bệnh nhân Sida và trong các vấn đề môi trường. Ông cũng là người ủng hộ phong trào dân chủ Thiên An Môn.

Vào tuần trước, cũng qua mạng Twitter, bà Tằng Kim Yến cho biết, sau khi ra tù, các quyền tự do của ông Hồ Giai sẽ bị hạn chế trong vòng một năm, đặc biệt là ông không có quyền trả lời báo chí. Tại Trung Quốc, nhiều nhà đối lập và đấu tranh cho nhân quyền, vừa được trả tự do xong, đã lại tiếp tục bị quản thúc tại gia, đôi khi cùng với cả gia đình. Việc quản thúc các cựu tù nhân như vậy của chính quyền Trung Quốc không dựa trên bất cứ một cơ sở pháp lý nào.

 Tin liên quan :

Vợ của nhà hoạt động nhân quyền Hồ Giai bị câu lưu ở phi trường Bắc Kinh

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.