Vào nội dung chính
KINH TẾ - MÔI TRƯỜNG

Trung Quốc dọa không mua máy bay Airbus, nếu châu Âu áp đặt kế hoạch khống chế khí thải

Hôm nay, 25/06/2011, hai nhật báo, Financial TimesWall Street Journal, cho biết là Trung Quốc đe dọa không ký một hợp đồng mua 10 máy bay A 380, trị giá 2,7 tỷ euro nhằm phản đối kế hoạch khống chế lượng khí thải CO2 của Liên Hiệp Châu Âu.

Máy bay Airbus 380
Máy bay Airbus 380 REUTERS/Pascal Rossignol
Quảng cáo

Trong kế hoạch khống chế lượng khí thải CO2, châu Âu muốn tính gộp cả lượng khí thải của các hãng hàng không quốc tế.

Theo hai nhật báo tài chính nói trên, trích dẫn nguồn tin thân cận với hồ sơ, thì lẽ ra, Airbus sẽ thông báo việc ký kết hợp đồng nhân triển lãm hàng không không gian Bourget, theo đó, Hong Kong Airlines đặt mua 10 máy bay khổng lồ A 380. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không đồng ý cho thông báo việc ký kết hợp đồng này.

Tờ Wall Street Journal cho biết thêm, việc ký kết mua A 380 của Hong Kong Airlines không bị hủy bỏ, nhưng nhiều đơn đặt hàng khác được dự kiến với Airbus sẽ bị tạm ngưng.

Vừa qua, Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua một quy định tính gộp lượng khí CO2 do máy bay của các hãng hàng không quốc tế thải ra trên bầu trời châu Âu nằm trong tổng lượng khí thải cần giảm, để chống lại hiện tượng hâm nóng trái đất. Văn bản này có hiệu lực từ mồng một tháng Giêng năm 2012.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đã chống lại quy định này của châu Âu.

Giữa tháng Sáu vừa qua, chính Airbus cùng với Hiệp hội các hãng hàng không châu Âu – AEA – đã kiến nghị lên Ủy ban châu Âu, phản đối việc đánh thuế đối với lượng khí thải của máy bay.

Còn trong lĩnh vực hạt nhân, Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong một hoặc hai năm tới.

Theo tờ China Daily, sau thảm họa hạt nhân Fukushima Nhật Bản, Trung Quốc đã ra lệnh tạm ngưng các dự án mới trong lĩnh vực điện nguyên tử. Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội năng lượng hạt nhân Trung Quốc, thì lệnh tạm ngưng này sẽ được bãi bỏ, sớm nhất là trong một năm nữa, đối với một số dự án. Các dự án khác phải đợi đến hai năm.

Trung Quốc hiện đang xây dựng 28 lò phản ứng hạt nhân, chiếm 40% tổng số lò đang được tiến hành trên thế giới. Trong hai năm qua, Trung Quốc đã gia tăng tiến độ xây dựng các lò phản ứng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng rất cao của nền kinh tế.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.