Vào nội dung chính
CAM BỐT

Hôn nhân cưỡng chế : Tội ác bị lãng quên của Khmer Đỏ

Phiên tòa xét xử 4 cựu lãnh đạo Khmer Đỏ đã được mở ra ngày hôm qua 27/6, tại Cam Bốt. Dự báo cho biết phiên xét xử có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm. Nếu như việc xét xử họ đã được người dân chờ đợi từ lâu, mong muốn tội ác sẽ được trừng trị, thì ẩn sau trang sử đen tối đó, nhiều vấn đề vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nhật báo Cộng sản L’Humanité và nhật báo Libération sẽ giới thiệu với độc giả những mặt trái, những vấn đề mà công chúng chưa được biết đến.

Người dân Cam Bốt xếp hàng theo dõi  phiên tòa chất vấn các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ ngày 28/6/11, của Tòa án quốc tế đặc biệt xét xử Khmer Đỏ ở ngoại ô Phnom Penh,
Người dân Cam Bốt xếp hàng theo dõi phiên tòa chất vấn các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ ngày 28/6/11, của Tòa án quốc tế đặc biệt xét xử Khmer Đỏ ở ngoại ô Phnom Penh, Reuters
Quảng cáo

L’Humanité trích lời nhận định của quan chức Hoa Kỳ, chuyên trách về tội ác chiến tranh, phiên xử này cho thấy sự phô bày thái độ vô sỉ và đạo đức giả. Theo ông này, ngoài việc xét xử các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ về tội « diệt chủng », cần phải làm rõ trách nhiệm nặng nề của Mỹ, Trung Quốc và một số nước châu Âu trong giai đoạn đen tối này. Theo L’Humanité, sau khi chính quyền Pôn Pốt bị quân đội Việt Nam đánh đuổi ra khỏi thủ đô dưới sự yểm trợ của lực lượng kháng chiến Cam Bốt, Mỹ cùng với một số nước châu Âu, mà Anh là nước dẫn đầu, đã liên kết với Trung Quốc tiếp tục ủng hộ Khmer Đỏ để chống lại Việt Nam. Thậm chí, trong giai đoạn này, Pôn Pốt còn giữ một ghế đại diện Cam Bốt tại Liên Hiệp Quốc. Cho đến khi Pôn Pốt chết vào năm 1998 và người kế nhiệm Tà Mốc bị bắt năm 1999 thì người ta mới tin rằng chiến tranh đã thật sự kết thúc.

Trong khi đó, ngoài việc xử Khmer Đỏ về tội diệt chủng, nhật báo Libération có bài phóng sự liên quan đến một tội danh khác mà ít ai biết đến. Qua bài viết « Hôn nhân cưỡng chế : Tội ác bị lãng quên của Khmer Đỏ », tác giả cho biết trong giai đoạn từ năm 1975 đến 1979, có khoảng hơn 200.000 cuộc hôn nhân được chế độ Pôn Pốt tổ chức. Một đề tài ít được để ý tới, nhưng ngày càng có nhiều lời lên án.

Theo Arnaud Dubus, đặc phái viên của Libération tại Phnom Penh, thì tội danh này chỉ được thêm vào danh sách các tội ác vào tháng 4/2009. Một đề tài kiêng kỵ không được nhắc đến vì một sự mặc cảm « xấu hổ » đã gây ức chế các nạn nhân trong thời gian dài. Cô Pen Sok Chan, một nhân chứng, cho biết cô bị ép lấy một người mà cô không hề quen biết năm 16 tuổi. Phải khó khăn lắm trong đêm đầu tiên để thuyết phục chồng cô không xâm hại tình dục. Nhưng ngay sau đó, cô bị bắt đi học cải tạo mất ba ngày vì « không có tinh thần cách mạng » Đơn giản là vì Pôn Pốt đã cho cài các điệp viên « trẻ con » dưới căn chòi của họ để giám sát. Cô cho biết, chống lại lệnh hôn nhân, thậm chí chống lại quan hệ tình dục, thường dẫn đến việc bị hành hình dưới thời Pôn Pốt.

Theo tác giả, Khmer Đỏ đề ra chính sách hôn nhân cưỡng chế nhằm triệt tiêu điều mà họ cho là « tình cảm cá nhân » và nhằm thiết lập một chế độ kiểm soát xã hội hoàn toàn về dân số. Pôn Pốt tuyên bố dân số Cam Bốt cần phải vượt từ 7 triệu dân lên 15 triệu dân trong vòng 20 năm để xây dựng đất nước. Ông ta cũng cho rằng phải tạo ra một thế hệ cộng sản thoát ra khỏi kiểu suy nghĩ « tiểu tư sản » và sản xuất ra những con người « trong sạch ». Theo đó, tất cả nam thanh nữ tú trong độ tuổi từ 14 đến 20 phải kết hôn. Các cuộc hôn nhân được tổ chức theo kiểu tập thể mà không cần sự hiện diện của gia đình hai bên. Con trai và con gái lấy nhau mà không được tìm hiểu và quen biết trước. Theo người Cam Bốt, kiểu hôn nhân này đi ngược lại truyền thống của họ.

Kết quả của chính sách này là có khoảng 200.000 đến 300.000 cuộc hôn nhân được tổ chức. Giờ đây, các nạn nhân bắt đầu lên tiếng, và họ không còn muốn xem đó là điều cấm kỵ nữa.

Trung Quốc cản trở châu Âu áp dụng luật phải trả tiền thải khí CO2

Châu Âu muốn áp dụng đạo luật yêu cầu các hãng hàng không nước ngoài khi đến châu Âu phải trả tiền thải khí CO2. Một đạo luật gây nhiều tranh cãi, nổi bật nhất qua thương vụ mua Airbus của Trung Quốc. Le Monde hôm nay có bài viết « Bắc Kinh dùng Airbus làm con tin để ngăn chặn luật châu Âu đề nghị trả tiền thải khí CO2 ».

Không ai ngờ rằng Trung Quốc lại dùng các hợp đồng mua máy bay A380 đế gây áp lực với châu Âu nhằm chống lại một đạo luật về « quyền gây ô nhiễm », dự kiến sẽ được áp dụng vào năm 2012. Theo đạo luật này, tất cả các hãng hàng không nước ngoài đến châu Âu phải trả một khoản tiền do việc thải khí CO2. Le Monde cho biết, hợp đồng mua khoảng mười mấy chiếc Airbus A380 trị giá khoảng 3,8 tỷ đô-la đã bị hoãn lại. Không một lời giải thích chính thức từ phía Trung Quốc, nhưng thông qua nhật báo kinh tế Financial Times và Wall Street, Bắc Kinh cho biết ý định phản đối lại đạo luật này. Mặt khác, nhân cuộc triễn lãm hàng không tại Bourget, hãng Boeing tuyên bố nhận được một đơn đặt hàng 15 chiếc 747-8 từ một khách hàng mà họ giấu tên.

Theo phía Bắc Kinh, đạo luật sẽ làm thiệt hại cho các hãng hàng không của họ 800 tỷ nhân dân tệ vào năm 2012 (tương đương với 87 triệu euros) và sẽ còn tăng lên gấp ba lần cho đến năm 2020. Trước đó, vào đầu tháng 6 này, chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo châu Âu rằng các quan hệ hữu nghị giữa các hãng hàng không Trung Quốc và châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu châu Âu vẫn cứ tiếp tục áp dụng đạo luật này. Một lời tuyên bố mà Trung Quốc cho rằng không phải là sự đe dọa.

Căng thẳng Trung Quốc và châu Âu đã khiến cho Airbus cảm thấy quan ngại. Họ đồng tình với quan điểm của Trung Quốc rằng giải pháp này mang tính cục bộ và cần phải có một giải pháp khác mang tính toàn cầu hơn. Lời chỉ trích này còn nhận được sự tán đồng từ Hiệp hội Quốc tế Vận chuyển Hàng không. Theo họ, đạo luật này không những gây khó khăn cho các hãng hàng không châu Âu mà còn sẽ đem lại phiền toái cho các hoạt động của Airbus. Hiện tại, Ủy ban châu Âu về hành động khí hậu chưa có một dự án thứ hai. Và châu Âu cũng tỏ thái độ cho biết không muốn nhượng bộ. Tuy nhiên, họ sẽ nghiên cứu đưa ra một giải pháp khác, theo đó, luật này cũng sẽ được áp dụng tương tự cho các hãng hàng không nội địa.

Trước mắt, Trung Quốc chưa có phản ứng gì về lời đề nghị trên. Về phần mình, nhân chuyến đi thăm châu Âu của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, châu Âu hy vọng ông sẽ giải quyết được tình hình căng thẳng này.

Na Uy: Xã hội đang tiến dần đến nam nữ bình quyền

Nếu phụ nữ sau khi sinh con được quyền nghỉ hộ sản 4 tháng, thì đàn ông cũng được quyền nghỉ 4 tháng ở nhà để chăm con sau khi đứa trẻ ra đời. Đó là một quy định nằm trong luật của Na Uy. Liên quan đến chủ đề này, Le Monde có một bài viết khá thú vị về việc cha được quyền nghỉ nuôi con, cho biết nước này đang có những bước nhảy vọt về nam-nữ bình quyền.

Theo Le Monde, kể từ khi một chương trình mang tên « papapermission » được ban hành thành luật năm 1993, số người cha xin nghỉ phép nuôi con đã nhảy vọt từ 3% đến 90%. « Một cuộc cách mạng thật sự ! ». Theo đạo luật này, người cha được quyền nghỉ ở nhà nuôi con ít nhất 3 tháng. Và hiện tượng này đã làm một cuộc đại nhảy vọt khi mà lần đầu tiên một chính khách, Bộ trưởng Bộ Trẻ em, Công bằng và Xã hội Na Uy đã xin nghỉ phép 4 tháng ở nhà chăm sóc cô con gái mới sinh của mình để cho vợ của ông có thể bắt đầu đi làm lại. Theo ông, việc chăm sóc con cái không còn đơn thuần là việc của phụ nữ nữa. Người cha cũng muốn được tham gia vào việc chăm sóc và nuôi dạy con. Đồng quan điểm với ông, Bộ trưởng Tư pháp cũng nhìn nhận, nếu chúng ta muốn phụ nữ cũng được đối xử công bằng nơi công sở, thì trách nhiệm gia đình cũng phải được chia sẻ.

Le Monde cho biết, đối với người Na Uy, thì cha nghỉ phép ở nhà để chăm con đã đi sâu vào trong đời sống của họ. Nó đã trở thành tập tục, thói quen và là quyền được hưởng do được luật pháp quy định. Họ công nhận rằng người cha tham gia vào việc nuôi nấng con chỉ mang lại điều tốt cho con mà thôi.

Thế nhưng, chính phủ Na Uy cũng nhìn nhận rằng hệ thống nghỉ phép nuôi con khá tốn kém. Tuy vậy, với nguồn dự trữ dầu dồi dào, họ không e ngại gì nhiều cho vấn đề nợ công. Thậm chí, chính phủ Na Uy còn đang xem xét để kéo dài thêm dài thời gian nghỉ nuôi con của các bậc cha mẹ.

Tuy nhiên, theo Le Monde, chương trình « papapermission » này cũng chưa đủ để xóa bớt đi khoảng cách bất bình đẳng nam-nữ. Tại Na Uy, khoảng cách lương giữa nam và nữ chênh lệch nhau đến 15%. Dù vậy, người Na Uy cũng cảm thấy an ủi phần nào khi tự cho rằng họ đang sống trong một xã hội « khá » công bằng. Một mô hình mà nhiều nước châu Âu đang bắt đầu tham khảo.

Gian lận thi cử tại Pháp

Liên quan đến tình hình giáo dục, vấn đề gian lận trong thi cử và lỗi trong các đề thi đang là một vấn nạn tại Pháp. Nhật báo Công giáo La Croix hôm nay có bài xã luận nhận định về tình hình tổ chức thi cử qua bài viết « Kỳ thi của sự gian lận ».

« Ác mộng » đối với một vài thí sinh, hay « làm đau đầu » các vị bộ trưởng là những từ mà La Croix mô tả cho mùa thi cử vừa qua tại Pháp. Một loạt các sự cố nghiêm trọng đã xảy khiến người ta phải đặt lại vấn đề cách thức thi cũng như cách ra đề thi. Trong kỳ thi tuyển sinh viên y khoa nội trú, đề thi chứa nhiều lỗi đến nỗi người ta phải quyết định cho tổ chức thi lại. Một sự thiệt thòi mà sinh viên phải hứng chịu sau nhiều tháng miệt mài học tập cho một kỳ thi quan trọng quyết định định hướng tương lai của mình. Kế đến, đề thi toán tú tài, ban Khoa học bị rò rỉ. Và cuối cùng là gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp Cao đẳng chuyên ngành Quản trị.

Theo tác giả, dưới con mắt của những người đã trải qua các kỳ thi tốt nghiệp cách nay rất lâu, thì bằng tú tài bây giờ không còn giá trị gì nữa. Nó như là một chiếc cầu bắc vào cuộc sống sinh viên. Gian lận trong thi cử không phải là mới, nhưng với công nghệ tin học, chỉ cần nhấp một cái, ta đã có thể ở đầu kia của nước Pháp.

Vì vậy, tác giả cho rằng vì tương lai, nước Pháp cần phải thay đổi cách thức thi cử. Nghiêm cấm các loại điện thoại thông minh (smartphone) và các dụng cụ điện tử trong phòng thi, dĩ nhiên là phải cần làm. Nhưng việc ra đề thi cũng cần phải xem xét lại sao cho không làm nản lòng các thí sinh trung thực, thay vì cứ phải đi trừng phạt những kẻ gian lận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.