Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Một trăm ngày sau thiên tai, toàn cảnh kinh tế Nhật Bản còn u ám

Đăng ngày:

Thiệt hại trực tiếp do trận động đất và sóng thần ngày 11/03/2011 ước tính lên tới gần 17.000 tỷ yen, tức gần 200 tỷ đô la. Trong vài phút thiên tai đã cuốn đi 3,5 % tổng sản phẩm nội địa của Nhật Bản. Tiếp theo sau là hiểm họa phóng xạ do nhà máy Fukushima gây nên. Là một trong 7 nước công nghiệp hàng đầu, guồng máy sản xuất của xứ Phù Tang đã bị chựng lại. Nhật Bản liên tục bị các cơ quan thẩm định về mức độ rủi ro hạ điểm tín nhiệm.

Bên ngoài một phức hợp văn phòng và thương mại ở Tokyo. Tỉ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản tăng lên từ sau vụ động đất và sóng thần ngày 11/3/11.
Bên ngoài một phức hợp văn phòng và thương mại ở Tokyo. Tỉ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản tăng lên từ sau vụ động đất và sóng thần ngày 11/3/11. Reuters
Quảng cáo

Một trăm ngày sau thiên tai, tình trạng khu nhà máy điện nguyên tử Fukushima vẫn hoàn toàn bế tắc. Công cuộc tái thiết mới chỉ ở giai đoạn đầu : việc quét dọn những bãi rác khổng lồ gặp nhiều chậm trễ, nạn nhân còn sống sót vẫn chưa có có được một mái nhà dù là tạm thời. Nhật Bản cần bao nhiêu thời gian để khắc phục hậu quả kinh tế của động đất và sóng thần ? Đâu là những thách thức đang đặt ra cho nền kinh tế đứng thứ ba trên thế giới này ?

Hơn ba tháng sau động đất và sóng thần, tuần trước chính phủ Nhật vừa hoàn tất công việc tổng kết những thiệt hại vật chất trực tiếp do thiên tai gây nên. Theo đó tại vùng Tohoku thuộc miền Bắc Nhật Bản trong khoảnh khắc không biết bao nhiêu những ngôi nhà, cơ sở sản xuất, văn phòng, trung tâm thương mại, các khu công nghiệp đã bị cuốn trôi. Cùng theo đó là 10 400 tỷ yen bỗng chốc tan thành mây khói. Bên cạnh đó thì còn phải kể thêm 7.000 tỷ yen thiệt hại do toàn bộ hệ thống cầu đường, xa lộ, hệ thống phân phối ga, điện, nước, bến cảng và đất canh tác bị hủy hoại.

Trước mắt chính quyền Tokyo đã tháo khoán 50 tỷ đô la, và tuầnt rước là 25 tỷ tiếp theo để khởi công các chương trình tái thiết vùng bị nạn. Hiện tại nội các của Thủ tướng Naoto Kan đang nghiên cứu khả năng áp dụng một loại thuế mới, gọi là thuế tương trợ nạn nhân thiên tai để đem về khoảng 300 tỷ đô la trong vòng 10 năm sắp tới để xây dựng lại nhà ở, hạ tầng cơ sở đã bị ngọn sóng 14 mét cuốn đi.

Toàn bộ hệ thống sản xuất bị chựng lại, kinh tế u ám

Trong tháng 5 /2011, nhập siêu của Nhật Bản tăng lên mức cao nhất so với hai năm trở lại đây. Một trong những nguyên nhân chính là do Tokyo đã phải tăng nhập khẩu năng lượng vào lúc mà chỉ có 19 trên tổng số 54 lò phản ứng hạt nhân trên toàn quốc còn hoạt động để cung cấp điện cho mạng lưới công nghiệp, và bảo đảm mức tiêu thụ cho 127 triệu dân.

Bên cạnh đó thì guồng máy sản xuất của Nhật Bản đã bị chựng lại khiến tổng kim ngạch xuất khẩu giảm tới 10,3% trong cùng thời kỳ. Ngành công nghệ xe hơi, điện tử vừa thiếu phụ tùng, vừa bị cúp điện lại vừa phải khắc phục hậu quả thiên tai, nên nhịp độ sản xuất đã bị chậm lại. Trong báo cáo gần đây Ngân hàng Thế giới lo ngại kim ngạch sản xuất công nghiệp của Nhật Bản trong năm nay sẽ giảm đi tới 3,7% so với tài khóa 2010. Điều này cũng dễ hiểu khi các tập đoàn sản xuất nổi tiếng của Nhật từ Toyota đến Nissan hay Sony đều cho biết là sớm nhất thì cũng phải đợi đến cuối năm mới hy vọng hoạt động trở lại bình thường như trước đợt sóng thần ngày 11/03 và hầu hết các con chim đầu đàn của ngành công nghiệp Nhật Bản đều dự phóng mức lãi cho cả năm sẽ bị « thu hẹp » lại.

Sức mua nội địa cũng đang giảm sụt từ sau thiên tai : khối lượng xe hơi bán ra trên thị trường Nhật Bản đã giảm đi hơn 40% trong ba tháng vừa qua.

Du lịch tuột dốc không phanh

Trong lĩnh vực du lịch : không có gì ngạc nhiên khi biết rằng sau hai vụ thiên tai cộng thêm khủng hoảng hạt nhân ở khu nhà máy Fukushima du khách quốc tế đã lơ là hẳn với Xứ Hoa Anh Đào. Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản JNTO khối lượng du khác nước ngoài vào Nhật trong tháng 5 vừa qua đã giảm đi hơn 50% so với cùng thời kỳ năm ngoái và một tháng trước đó, thì đà tuột dốc này còn nghiêm trọng hơn nữa (- 62%). Trong ba tháng liên tiếp số du khách quốc tế vào Nhật Bản đã tuột dốc không phanh. Theo lời một chuyên gia kinh tế : trong ba tháng vừa qua ngành du lịch Nhật Bản đã thất thu khoảng 1.500 tỷ yen.

Từ thủ đô Tokyo, thông tín viên Đỗ Thông Minh cho biết Nhật Bản chờ đợi là trong năm nay, GDP của quốc gia này sẽ không tăng thêm được một điểm nào so với năm 2010.

11:01

Thông tín viên Đỗ Thông Minh - Nhật Bản

Trước mắt toàn cảnh kinh tế Nhật Bản không mấy sáng sủa. Tuy nhiên theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế có nhiều khả năng là đến sang năm 2012 Nhật Bản sẽ vươn lên khi các chương trình tái thiết bắt đầu thực sự được khởi động. OCDE chờ đợi kinh tế Nhật sẽ tăng trưởng ở mức 2,3% vào năm tới.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.