Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - MÔI TRƯỜNG

Trung Quốc : Đập Tam Hiệp ngày càng gây ra nạn đất trượt và động đất

Hãng tin AFP hôm nay cho biết là các chuyên gia và người dân trong vùng báo động là đập Tam Hiệp, được xây dựng nhằm sản xuất nguồn năng lượng sạch và chống lũ lụt, trên thực tế đã gây ra nhiều vụ đất lở và tình trạng khan hiếm nước ở miền Trung của Trung Quốc.

Cảnh khô hạn chưa từng thấy tại vùng Hồ Bắc. Ảnh chụp ngày 29/05/2011.
Cảnh khô hạn chưa từng thấy tại vùng Hồ Bắc. Ảnh chụp ngày 29/05/2011. Reuters
Quảng cáo

Vào tháng 10 năm ngoái, một vụ đất lở đã xảy ra ở một thành phố thượng nguồn con đập, khiến hàng chục nhà bị đẩy vào vực thẳm. Theo lời một dân làng, các vụ đất trượt và động đất đã xảy ra ngày càng nhiều kể từ năm 2003, thời điểm mà hồ chứa khổng lồ của đập Tam Hiệp bắt đầu được trữ đầy nước.

Theo một báo cáo của các nhà khoa học Trung Quốc vào năm ngoái, con số các vụ động đất, đa số với cường độ thấp hơn 3, đã tăng gấp 30 lần kể từ năm 2003 và các khu đất dốc đã bị mất ổn định. Vào năm ngoái, chính phủ Bắc Kinh cũng đã thừa nhận là có nhiều vấn đề cần phải được giải quyết cấp tốc, trong việc tái định cư người dân trong vùng, việc bảo vệ môi trường và việc ngăn ngừa các thảm họa sinh thái.

Công trình xây dựng đập Tam Hiệp đã bắt đầu được tiến hành từ năm 1994, bất chấp những cảnh báo của nhiều chuyên gia Trung Quốc và ngoại quốc. Nhưng nay, theo bà Patricia Adams, thuộc tổ chức phi chính phủ Probe International, trụ sở tại Canada, các vấn đề do con đập này gây ra đã lên đến tầm mức mà chính quyền Bắc Kinh không thể lờ đi.

Mặt khác, tuy đã giúp làm giảm bớt tình trạng lụt lội do sông Dương Tử gây ra vào mùa hè năm ngoái, đập Tam Hiệp đã góp phần làm trầm trọng thêm nạn hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên qua ở miền Trung của Trung Quốc, vì một số hồ ở hạ nguồn đã cạn nước. Cho nên, các vùng ở hạ nguồn đang dự trù xây những đập riêng.

Theo bà Patricia Adams, những rối loạn của hệ thủy văn của sông Dương Tử sẽ gây tác hại cho hàng triệu người sống về ngư nghiệp, nông nghiệp và thương mại. Ngoài ra, chất lượng nước đã sa sút cho lưu lượng của con sông giảm mạnh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.