Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NHÂN QUYỀN

Amnesty International kêu gọi Trung Quốc chấm dứt sách nhiễu giới luật sư

Trong một bản báo cáo được công bố ngày hôm nay, 30/06/2011, mang tựa đề : « Chống lại luật pháp : Làn sóng trấn áp các luật sư bảo vệ nhân quyền tại Trung Quốc », tổ chức Amnesty International đã tố cáo chính quyền Bắc Kinh tiến hành một cuộc tấn công khốc liệt nhắm vào giới luật sư Trung Quốc, đặc biệt là đối với các luật sư chuyên trách trong lĩnh vực nhân quyền.

Nhà ly khai Hồ Giai, vừa được ra tù ngày 26/6/11, mặc áo thun in hình luật sư mù Trần Quang Thành.
Nhà ly khai Hồ Giai, vừa được ra tù ngày 26/6/11, mặc áo thun in hình luật sư mù Trần Quang Thành. Reuters
Quảng cáo

Theo Amnesty International, chính quyền Trung Quốc muốn bịt miệng các luật sư đứng ra bảo vệ những trường hợp nhậy cảm, bởi vì Bắc Kinh lo ngại tác động của phong trào nổi dậy, đòi công lý xã hội và dân chủ đã và đang diễn ra ở nhiều nước châu Phi và Trung Cận Đông, kể từ đầu năm nay.

Bà Catherine Baber, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức này nhấn mạnh, các luật sư chuyên trách trong việc bảo vệ các quyền con người phải hứng chịu nhiều thủ thuật ngăn cản họ lên tiếng, như việc đình chỉ hoặc rút giấy phép hành nghề, sách nhiễu, bắt mang đi mất tích, thậm chí tra tấn.

Vẫn theo đại diện Amnesty International, trong khuôn khổ chính sách trấn áp giới ly khai, chính phủ Trung Quốc nhắm vào các luật sư đứng ra bảo vệ các hồ sơ như tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, các quyền sở hữu đất đai.

Theo giới quan sát, từ đầu năm 2011, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch trấn áp mạnh mẽ nhất nhắm vào giới ly khai, kể từ sau vụ đàn áp đẫm máu Thiên An Môn, năm 1989, trong bối cảnh trên internet có nhiều lời kêu gọi biểu tình theo gương Cách mạng Hoa Nhài, tại các thành phố lớn của Trung Quốc.

Nhiều luật sư, nhà ly khai, trong đó có cả những nghệ sĩ nổi tiếng như Ngải Vị Vị, đã bị bắt giam hoặc bị quản thúc tại gia sau khi được trả tự do. Từ tháng Hai vừa qua, nhiều luật sư đã bị bắt như Đăng Bưu, Giang Thiên Dũng, Lý Phương Bình… Đây là những luật sư đã tham gia vào các hồ sơ kiện tụng những hành vi lạm dụng quyền lực của các quan chức chính quyền. Điều không bình thường là tất cả những người này đều im lặng sau khi được trả tự do. Trên mạng xã hội Twitter, luật sư Lý Thiên Thiên, được trả tự do hồi cuối tháng Năm sau ba tháng bị giam giữ, cho biết là công an đã tra hỏi và biết nhiều chuyện về đời tư, cuộc sống tình dục của bà và đe dọa sẽ bôi nhọ bà.

Bản báo cáo của Amnesty International cho biết, chính quyền Trung Quốc còn tìm cách không cho nhiều luật sư hành nghề, thông qua quy trình đánh giá trình độ hàng năm. Việc đánh giá được tiến hành bởi các hiệp hội luật sư « được coi là độc lập », với hậu quả là có thể đình chỉ hoặc rút giấy phép hành nghề của những luật sư độc lập, mà chính quyền không ưa.

Amnesty International nói thêm, trong số 204.000 luật sư tại Trung Quốc, chi có vài trăm người dũng cảm, dám chấp nhận xử lý những hồ sơ liên quan đến nhân quyền. Trong những năm qua, Trung Quốc còn ban hành một số quy định cấm luật sư bảo vệ quyền lợi cho một số loại khách hàng nào đó, hoặc phát biểu trên các phương tiện truyền thông. Với những quy định này, chính quyền có thể dễ dàng cáo buộc các luật sư « kích động lật đổ » chế độ.

Theo Amnesty International, những biện pháp này gây khó khăn cho một số người rất cần đến sự trợ giúp của các luật sư, ví dụ như thành viên tổ chức Pháp Luân Công, những người đấu tranh cho quyền độc lập của Tây Tạng hay nạn nhân các vụ cưỡng bức trưng dụng đất đai.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.