Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Các thành phố Trung Quốc nợ nần chồng chất vì chạy đua đô thị hóa

Cả thế giới trong lúc này đâu cũng thấy người ta nói về chuyện nợ nần của các quốc gia. Châu Âu, châu Mỹ đang hoảng loạn về công nợ lan truyền và cả châu Á với những cường quốc mới nổi lên cũng không tránh được căn bệnh của sự phát triển, đó là chi tiêu quá khả năng mình có. Phụ trang Le Figaro đăng các bài dịch từ tờ báo Mỹ New York Times hôm nay 15/7 có bài viết về chủ đề này với tiêu đề « Trung Quốc cũng mắc nợ ».

Một công nhân nhập cư trong lúc giải lao tại một công trường xây dựng ở trung tâm Bắc Kinh.
Một công nhân nhập cư trong lúc giải lao tại một công trường xây dựng ở trung tâm Bắc Kinh. Reuters
Quảng cáo

Người ta vẫn nghĩ Trung Quốc là nước có nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ lên tới 3.000 tỷ đô la thì không lo gì chuyện vay mượn hay vỡ nợ. Nhưng thực tế bùng nổ kinh tế đang diễn ra ở Trung Quốc cho thấy nhiều dấu hiệu nước này cũng khó tránh khỏi vòng nợ nần.

Bài báo đưa độc giả đến với Vũ Hán, thành phố lớn thứ chín của Trung Quốc. Cả thành phố này là một công trường xây dựng đang chìm trong bụi mù. Theo tác giả bài báo thì tại Vũ Hán, hiện có tới 5.700 công trình xây dựng đang được triển khai. Trong đó phải kể đến các dự án đô thị hoá khổng lồ như đường tàu điện ngầm dài hàng trăm kilômét, hai nhà ga sân bay, trung tâm thương mại, văn hoá và vô số những tòa tháp cao ngất với tổng kinh phí lên tới 120 tỷ đô la. Nhưng theo tác giả bài báo thì trường hợp Vũ Hán không phải là cá biệt. Từ nhiều năm nay hàng chục thành phố khác ở Trung Quốc cũng đang lao vào cuộc chạy đua các dự án xây dựng đầy tham vọng. Kết quả là ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các chính quyền địa phương đang đang phải mắc nợ lớn để chi phí cho tham vọng của mình.

Theo các chuyên gia thì cuộc chạy đua này nguy hiểm này là ở chỗ, ngay từ giờ các địa phương Trung Quốc đã ngồi trên một núi nợ mà không biết. Các khoản nợ này có thể làm cản trở tăng trưởng của đất nước trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ tới đây.

Bài báo cho biết theo con số của chính quyền trung ương thì các địa phương của Trung Quốc trong năm vừa qua vay nợ 2.200 tỷ đô la, tức là chiếm 1/3 tổng thu nhập quốc nội. Thực tế theo các chuyên gia thì con số này có thể lên tới 3.000 tỷ. Viễn ảnh các địa phương vỡ nợ vì cơn sốt xây dựng đang hiển hiện. Thay vì đầu tư vào phát triển thì rồi đây chính phủ Trung Quốc sẽ phải rút hầu bao dự trữ để bơm cho các ngân hàng đối phó với nguy cơ phá sản của các địa phương.

Vẫn là chuyện nợ nần nhà nước. Le Figaro đưa ra con số 14.294 tỷ đô la. Đó là số nợ của nước Mỹ, cường quốc số một thế giới. Một con số khổng lồ có thể gây sốc cả thế giới. Người ta phải tự hỏi hậu quả sẽ ra sao với nền kinh tế thế giới nếu nước Mỹ vỡ nợ ?

Xã luận của Le Figaro viết:« Người ta khó mà tưởng tượng nổi nếu như Hoa Kỳ tuyên bố phá sản như bất kỳ nước nghèo nào ». Trong khi đó lúc này Tổng thống Mỹ đang tiếp tục lao vào cuộc đấu với Quốc hội để tăng mức vay nợ cho nước Mỹ, mặt khác lại phải đọ sức với đảng Cộng Hòa để tìm giải pháp thắt chặt chi tiêu. Nếu không thì ngày 2/8 tới có thể nước Mỹ phải tuyên bố không có khả năng thanh toán nợ.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, châu Âu cũng đang đứng ngồi không yên vì chuyện nợ nần. Báo La Croix nhận thấy cả Mỹ và châu Âu đều đang nằm trong « vùng đỏ» trong khi mà lãnh đạo châu Âu lại tỏ ra không đoàn kết với nhau để cùng có chung một tiếng nói, một lịch trình đưa châu Âu thoát khỏi chuyện mắc nợ, có nguy cơ đe dọa cả khu vực sử dụng đồng tiền chung euro.

Bảo vệ khu vực đồng euro cũng là chủ đề trọng tâm của báo Le Monde. Xã luận của tờ báo chạy tựa «Chúng ta đừng quên đồng euro là quân chủ bài ». Le Monde nhấn mạnh đến vai trò của đồng tiền chung châu Âu và đó không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khốn đốn hiện nay của các nước vỡ nợ như Hy Lạp, Bồ Đào Nha hay Ailen.

Thủ tướng Nhật ủng hộ việc Nhật từ bỏ năng lượng hạt nhân

Báo Le Monde cho biết, Thủ tướng Nhật đã đáp ứng được mong đợi của đại đa số người dân khi hôm 13/7, lần đầu tiên ông Naoto Kan nhắc tới ý định đưa Nhật thoát khỏi sự lệ thuộc vào năng lượng hạt nhân. Người dân Fukushima là những người đầu tiên vui mừng với « quyết định » này, vì họ là những nạn nhân mà cuộc sống từ bốn tháng nay trực tiếp bị đe dọa bởi vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Tuy nhiên báo Le Monde cũng nhận thấy phát biểu của Thủ tướng Naoto Kan ủng hộ việc « cắt giảm từng giai đoạn sự lệ thuộc của đất nước vào hạt nhân » và để tiến tới thực hiện « một xã hội không hạt nhân » cũng không trấn an được những lo lắng. Quan điểm mạnh mẽ đối với hạt nhân của ông Naoto Kan còn gây không ít ngờ vực, nhất là trong giới bảo thủ. Họ chỉ trích Thủ tướng Nhật sử dụng vấn đề hạt nhân để xoa dịu dân chúng, cứu vãn uy tín của chính phủ.

Dù gì thì theo Le Monde, thông báo của Thủ tướng Nhật có vẻ không mấy bất ngờ. Từ khi xảy ra tai nạn hạt nhân ở Nhật, ông đã nhiều lần tỏ dấu hiệu cho thấy muốn giảm bớt tỷ trọng hạt nhân tại Nhật. Ngoài chuyện cho đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Hamaoka, ông Naoto Kan cũng đã nhắc đến việc xem xét lại chính sách năng lượng của nước này. Ông cũng là người bảo vệ dự luật thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo sẽ được trình Quốc hội vào ngày 21/7 tới đây.

Đối với ông Naoto Kan, cam kết đưa nước Nhật thoát khỏi hạt nhân cũng là đưa nước Nhật vào một kỷ nguyên mới được so sánh như kỷ nguyên của Minh Trị thứ nhất, hay kỷ nguyên nữa là sau chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Xì-căng-đan tập đoàn Murdoch và giới chính trị

Một chuyện thời sự khác được báo chí quan tâm nhiều trong mấy ngày qua đó là xì-căng-đan của tập đoàn truyền thông Murdoch, qua vụ đóng cửa tờ báo New Of The World vì phát giác nghe trộm điện thoại. Báo Libération chạy tựa lớn trên trang nhất: "Tập đoàn Murdoch, xì-căng-đan trong báo giới lá cải ». Theo Libération thì các vụ nghe trộm điện thoại và những phương pháp lấy tin theo kiểu lưu manh của các tờ báo lá cải thuộc tập đoàn truyền thông News Corp không chỉ đe dọa chính sự tồn tại của tập đoàn mà còn gây ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Anh, bởi vì người ta lại tiếp tục phát hiện thêm những mối quan hệ của đế chế truyền thông Murdoch với giới chính trị và cảnh sát của Anh quốc.

Xã luận của Libération viết : « Vụ xì-căng-đan nghe trộm điện thoại ở tập đoàn của Rupert Murdoch mỗi ngày lại xuất hiện thêm ra những phát lộ mới về xã hội, báo chí và về nền chính trị ở nước Anh. Trong vòng ba mươi năm qua, độc giả đã bỏ tiền ra mua những câu chuyện tò mò, soi mói đời tư của giới giàu có hay chính trị gia được đăng trên hàng triệu ấn bản báo chí của tập đoàn News Corp. Đến nay người ta biết những bí mật đó lại có được là nhờ cách làm theo kiểu phường trộm cắp ».

Theo Libération thì Murchdoc trở thành một nhân vật thế lực bậc nhất nước Anh là bởi các nhà chính trị ở đất nước này phần vì sợ hãi, phần vì quyền lợi đã để mặc cho ông ta muốn làm gì thì làm. Tờ báo cũng không ngần ngại chỉ đích danh hai chính trị gia, đó là cựu Thủ tướng Tony Blair và Thủ tướng đương nhiệm David Cameron.

Vở xiếc "Làng tôi" trình diễn tại Pháp

Phần cuối của mục điểm báo hôm nay xin được giới thiệu bài viết trên trang văn hóacủa báo Libération về đoàn xiếc Việt Nam đang lưu diễn tại Paris với vở diễn có chủ đề «Làng tôi ». Làng tôi là một vở diễn bằng nghệ thuật xiếc do ba nghệ sĩ xiếc gồm Lê Tuấn, Nhất Lý và Nguyễn Lân dàn dựng theo phong cách biểu diễn xiếc mới. Vở diễn « Làng tôi » đã ra mắt công chúng Paris năm 2009, nhưng lần trở lại với công chúng Pháp, «Làng tôi » vẫn tiếp tục để lại những ấn tượng mạnh. Bằng nghệ thuật xiếc hiện đại, kết hợp với các đạo cụ diễn chủ đạo là tre, trên nền nhạc cổ truyền các nghệ sĩ Việt Nam đã giới thiệu được với công chúng Pháp một bức tranh liên hoàn về đời sống hàng ngày của nông thôn Việt Nam. Tác giả bài viết cảm nhận thấy vở xiếc « Làng tôi » trước hết mang giá trị thẩm mỹ không chê vào đâu được.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.