Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - TÔN GIÁO

Công an Trung Quốc liên tục sách nhiễu một hội thánh Tin Lành

Le Monde hôm nay có bài về tình trạng người theo đạo Tin Lành tại Trung Quốc bị ngược đãi, bài viết mang tựa đề “Công an Trung Quốc buộc Hội Thánh Tin lành Thủ vọng phải lang thang vất vưởng”. Từ 15 tuần nay, cuộc đối đầu giữa công an Bắc Kinh với những tín đồ của Hội thánh Thủ vọng diễn ra đều đặn vào hàng sáng Chủ nhật.

Một thánh lễ của hội thánh Tin Lành Thủ Vọng (REUTERS)
Một thánh lễ của hội thánh Tin Lành Thủ Vọng (REUTERS)
Quảng cáo

Tuần nào cũng vậy, vào lúc 8 giờ rưỡi, tại một quảng trường thuộc khu phố đại học, phía bắc của thủ đô Bắc Kinh, khi các thành viên của Hội thánh này tập hợp lại để thực hiện một nghi lễ ngoài trời, các nhân viên an ninh mặc thường phục hay sắc phục lại xuất hiện. Những ai tỏ ý cưỡng lại bị lôi ngay lên xe cảnh sát hay bị kiểm soát chặt. Các khách bộ hành tò mò liền bị xua đuổi bằng cách xét hỏi giấy tờ.

Không chấp nhận đi theo phong trào “Tam tự Ái Quốc”, tổ chức mà chính quyền Trung Quốc đặt ra để kiểm soát đạo Tin Lành, Hội thánh Thủ vọng (Shouwang) không có lối thoát nào khác hơn là phải cầu nguyện ở ngoài trời và đụng độ với nhà cầm quyền.

Cảnh khổ ải của Hội thánh này không phải là mới. Sau khi bị trục xuất khỏi nơi ở lần trước, cộng đồng Tin Lành Thủ vọng đã tổ chức một hoạt động đầu tiên ngoài trời vào cuối năm 2009, và cuối cùng đã tìm thấy một địa điểm mới vào đầu năm 2010, tại một căn phòng lớn trong một khách sạn, cách quảng trường nơi xảy ra các vụ đàn áp ngày Chủ nhật không xa. Thật tình cờ nhưng không khó hiểu khách sạn này thuộc về Nhà nước Trung Quốc. Cộng đồng Thủ vọng một lần nữa bị trục xuất, kể từ tháng Tư.

Theo các đánh giá của nhiều thành viên Hội thánh, số lượng tín đồ đông đảo, mà trong đó có rất nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu, khiến Thủ vọng trở thành đối tượng đàn áp của chính quyền. Chính quyền đã mở rộng đàn áp với việc gây sức ép để nhiều người bị trục xuất khỏi nơi ở, hay mất việc làm.

Áp lực lên các tín hữu của Hội thánh còn được thực hiện qua chính các chức sắc thuộc Hội thánh quốc doanh. Những người bị bắt thường phải nghe các mục sư của Hội thánh của nhà nước đọc một đoạn trong Kinh thánh, nói về nghĩa vụ của các tín đồ đối với nhà cầm quyền, và khẳng định việc chính quyền trừng phạt những ai bất tuân phục là hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, dẫn lời một tín hữu, Le Monde cho biết, điều khác thường là, chính áp lực của chính quyền lại càng củng cố niềm tin của các thành viên Hội thánh, dù chỉ còn có khoảng 30 người còn dám tới địa điểm kể trên vào Chủ nhật. Bản thân người cho biết ý kiến khẳng định không tin tưởng vào Hội thánh của nhà nước, vì các mục sư của tổ chức này chỉ là cái loai tuyên truyền của chính quyền.

Dù vấn đề liên hệ của những người theo Tin Lành với một chính quyền nước ngoài không đặt ra như trong trường hợp người theo đạo Công giáo với Vatican, nhưng đối với các lãnh đạo Trung Quốc, Thiên Chúa giáo nói chung được coi là của phương Tây. Một tín hữu khẳng định như vậy.

Theo con số chính thức, tại Trung Quốc có khoảng 23 triệu người theo đạo Tin Lành, tuy nhiên có đánh giá cho rằng con số này có thể gấp ba lần. Nhiều cộng đồng Tin Lành ngầm được chính quyền nhắm mắt làm ngơ, với điều kiện họ phải hoạt động một cách kín đáo. Nói chung các buổi tập hợp của các cộng đồng như vậy thường được tổ chức tại các tư gia. Hội thánh Thủ vọng cũng có các cuộc nhóm họp như vậy.

Để tóm lại tình trạng hiện nay, Le Monde dẫn lời một tín hữu Thủ vọng cho rằng, khó có thể nói trong vòng ba thập niên qua, Trung Quốc đã không có tiến bộ gì trong tự do tôn giáo, tuy nhiên chính sách tôn giáo của Trung Quốc vẫn dựa trên những “lý thuyết cũ kỹ”. Tùy theo góc nhìn, thái độ của chính quyền có thể là đóng nhiều hơn, hay mở nhiều hơn.

Cuộc trắc nghiệm các ngân hàng châu Âu

Dù ngân hàng Châu Âu vượt qua trắc nghiệm về “khả năng kháng cự”, thị trường vẫn chờ đợi kết quả Thượng đỉnh Châu Âu. Về cuộc khủng hoảng tài chính đang đe dọa Châu Âu hiện nay, Phụ trương Kinh tế Le Figaro trên trang nhất đăng hàng tựa “Trắc nghiệm kháng cự : tám ngân hàng bị đánh trượt”, với nhận định, trong bối cảnh khủng hoảng nợ rất căng thẳng hiện nay, thể trạng của các ngân hàng Châu Âu về cơ bản là vững vàng. Vấn đề hiện nay là xem xem, các thị trường sẽ phản ứng ra sao, trong bối cảnh cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu về vấn đề này sẽ diễn ra vào thứ Năm tới.

Cuộc trắc nghiệm về khả năng kháng cự đã được áp dụng đối với 91 ngân hàng Châu Âu, thuộc 21 quốc gia. 8 ngân hàng không vượt qua được trắc nghiệm, và cần phải có thêm 2,5 tỷ euro để củng cố các ngân hàng này, theo đánh giá của Tổ chức Ngân hàng Châu Âu. Ngân hàng Tây Ban Nha là yếu nhất với 5 cơ sở bị đánh trượt. Tuy nhiên, cũng cần bổ sung là có đến 16 ngân hàng chỉ vượt qua trong gang tấc các tiêu chuẩn được đưa ra trong cuộc trắc nghiệm. Bốn ngân hàng Pháp đều vượt qua trắc nghiệm này.

Theo Le Figaro, cần phải đợi mấy ngày nữa mới biết kết quả trắc nghiệm này có thể đạt được mục tiêu là trấn an được các thị trường hay không. Giới chuyên gia sẽ xem xét kỹ lưỡng các dữ kiện do các ngân hàng cung cấp, đặc biệt là khả năng bị những khoản nợ khổng lồ từ các quốc gia đang lâm vào khủng hoảng tác động đến. Tuy nhiên, theo Le Figaro, ngay trước khi các kết quả này được công bố, cuộc trắc nghiệm được coi là vẫn còn thiếu sót, bởi nó không tính đến khả năng Hy Lạp không trả được nợ. Mà, việc Hy Lạp không trả được nợ là điều rất có thể xảy ra, trong con mắt của các nhà đầu tư, khi mà Châu Âu không tìm được đồng thuận. Bởi vậy, cuộc gặp Thượng đỉnh Châu Âu vào tuần tới là cơ hội quan trọng để mang lại niềm tin cho các thị trường.

Hy Lạp cần phải tạm thời ra khỏi đồng euro

Cũng liên quan đến khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp, Le Monde giới thiệu góc nhìn của nhà kinh tế Đức nổi tiếng Hans-Werner Sinn trong bài phỏng vấn mang tựa đề : “Ra khỏi đồng euro sẽ cho phép Hy Lạp bắt đầu lại”. Kinh tế gia Sinn phê phán giới chính trị đã không nhìn nhận thẳng vào thực tế. Chuyên gia Đức so sánh tình trạng Hy Lạp hiện nay với kinh tế Đức sau cuộc đại khủng hoảng 1929. Việc cưỡng ép Hy Lạp giảm giá và giảm lương bổng một cách mạnh mẽ có thể tạo ra tình trạng khủng hoảng xã hội hết sức nghiêm trọng.

Mặc dù việc Hy Lạp ra khỏi đồng euro sẽ gây ra một khủng hoảng đối với các ngân hàng, nhưng lợi ích của quyết định này sẽ có thể thấy được vài tháng sau khi Hy Lạp trở lại với đồng tiền cũ. Kinh tế gia Đức cũng cho rằng, việc giới chính trị tiếp tục can thiệp để cứu vãn Hy Lạp hay các nước gặp khó khăn khác với các chương trình trợ giúp mới là sai lầm, vì họ đánh giá quá cao khả năng của Châu Âu. Việc này có thể che khuất khả năng cạnh tranh kém của Hy Lạp trên thực tế. Ông Fenn cũng không đồng ý với quan điểm cho rằng việc Hy Lạp ra khỏi euro sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền, ngoại trừ trường hợp Bồ Đào Nha, khó có khả năng gượng dậy trong thời gian ngắn. Kinh tế gia Fenn khẳng định ý nghĩa của đồng euro và khu vực đồng euro trong việc tạo ra sự thống nhất của Châu Âu ở mức độ cao hơn.

Quốc khánh Pháp : đề nghị của Ứng viên tổng thống đảng Xanh bị chỉ trích

Các báo Pháp hôm nay rất chú ý đến các tranh luận xung quanh tuyên bố của ứng cử viên tổng thống đảng Xanh. Trang nhất Le Figaro chú ý đến một sự kiện tại Pháp ngày hôm qua với hàng tựa “Eva Joly, cây xương rồng của đảng Xã hội”. Tờ báo cho biết, với đề nghị bỏ duyệt binh vào ngày Quốc khánh Pháp 14-7, ứng cử viên tổng thống đảng Xanh đã làm đảng Xã hội lo ngại về khả năng hợp tác với đảng Xanh của bà trong tương lai.

Với một sự đồng thuận hiếm có, các lãnh đạo đảng Xã hội đã “lên án ý tưởng của ứng cử viên đảng Xanh thay lễ duyệt binh bằng một cuộc diễu hành của các công dân”. Theo các thành viên đảng Xã hội, làm như vậy, nguyên thẩm phán chống tham nhũng muốn dành được thiện cảm của bộ phận những người “chống lại sự độc quyền của quân đội”, trong hàng ngũ đảng Xanh.

Cũng về sự kiện này, tờ Libération có hàng tựa trên trang nhất « Eva Joly. Cú đánh không đàng hoàng của (thủ tướng) Fillon”. Phản đối lại thái độ của bà Eva Joly, thủ tướng Pháp François Fillon, đang trong chuyến công du tại Côte d’Ivoire đã đưa ra nhận xét về sự kém hiểu biết của bà Eva Joly đối với các truyền thống Pháp, các giá trị và lịch sử nước Pháp. Ông cho biết, quan điểm của bà Eva Joly làm ông rất buồn, vì cuộc duyệt binh ngày 14/7 trước hết là biểu tượng về một quân đội lực lượng bảo vệ nền Cộng hòa.

Còn theo của nhận định Libération, ứng cử viên môi trường vào chức tổng thống, Eva Joly - người gốc Na Uy - đã phải chịu các bình luận mang tính bài ngoại của thủ tướng, sau khi dám nghi ngờ ý nghĩa của lễ duyệt binh 14/7.

Pháp : Đoàn kết chống lại nỗi cô đơn trong dịp nghỉ hè

Tại Pháp, mỗi khi hè đến, không phải tất cả đều vui vẻ. Đối với nhiều người, hè đồng nghĩa với nỗi cô đơn. Càng ngày càng có nhiều hiệp hội chú ý hơn đến tình trạng này. Năm nay là một năm còn có nhiều sáng kiến hơn, với việc thủ tướng Pháp François Fillon khẳng định sự cô đơn là vấn đề quốc gia lớn, với khẩu hiệu : “Không để xảy ra sự đơn độc tại Pháp, đất nước của tình hữu ái”.

Nỗi cô độc không chỉ ảnh hưởng đến các cư dân là nạn nhân của tình trạng thất nghiệp, của ly dị, của việc mất người thân, của việc gia đình ly tán. Nỗi cô đơn có mặt trong mọi tầng lớp xã hội. Một điều ít được ngờ đến là có rất nhiều người trẻ cũng rơi vào tình trạng này. Theo một điều tra dư luận, có đến 52% người xấp xỉ tuổi 20 ở trong tình trạng đơn độc, gần 60% đối với những người từ 25-34 tuổi, nhiều hơn so với 42% đối với lớp cao niên, ngoài 65 tuổi.

Để bẻ gãy nỗi cô đơn, nhiều hiệp hội đã tổ chức các buổi đón tiếp và trò chuyện. Chỉ riêng hiệp hội Saint-Vincent-de-Paul, do phủ thủ tướng Pháp ủy nhiệm phụ trách điều hành Năm đoàn kết 2011, với sự tham gia của 25 tổ chức, đã có hơn 17.000 người tình nguyện tham gia và các hoạt động, như thăm hỏi tại nhà, tại nơi làm việc, tổ chức các diễn đàn gặp gỡ, các quán café cho những người cô đơn, những điểm phục vụ ăn nhẹ gần nhà, …

Được thành lập từ năm 1833, hiệp hội kể trên đã đến thăm hơn 70.000 người tại nhà trong năm 2009, giúp hơn 1.000 người đi nghỉ hè và 2.000 người khác tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.