Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Bắc Kinh vẫn im lặng về vụ thủy triều đen tại vịnh Bột Hải

Về sự cố tràn dầu trên vịnh Bột Hải, nhật báo Le Monde hôm nay có nhận định về cách xử lý thảm họa qua bài viết « Chính quyền Bắc Kinh vẫn im hơi lặng tiếng về đợt thủy triều đen mới trên vịnh Bột Hải ».

Dầu tràn trên vịnh Bột Hải (DR)
Dầu tràn trên vịnh Bột Hải (DR)
Quảng cáo

Sự việc bắt đầu từ ngày 4 tháng 6 rồi, nhưng mãi đến ngày 21 tháng 6, người dân tại miền duyên hải tỉnh Liêu Ninh mới được biết đến, nhờ một cư dân mạng lên tiếng về sự cố này trên mạng xã hội Weibo, một dạng Twitter kiểu Trung Quốc. Theo Le Monde, vết dầu loang này bắt nguồn từ giàn khoan Bồng Lai 19-3 thuộc vịnh Bột Hải, do tập đoàn dầu khí quốc doanh CNOOC và tập đoàn Mỹ ConocoPhillips cùng hợp tác khai thác.

Điều đáng lưu ý là cả hai tập đoàn này đã cố tình giảm thiểu tác hại của sự cố này. Họ chỉ nói rằng đã báo cáo lên chính quyền Trung Quốc, nhưng người dân thì không nhận được một lời cảnh báo nào về thảm họa này. Không những thủy triều đen đã làm ô nhiễm 4.250 km² mặt biển ở vịnh Bột Hải, một vết dầu loang dài hơn 300m cũng đã tràn đến một thành phố cảng khác của tỉnh Hà Bắc.

Le Monde còn cho biết thêm rằng một sự cố tương tự ở một giàn khoan khác tại vùng đông bắc Trung Quốc, cũng do hai tập đoàn trên khai thác, đã xảy ra từ hồi đầu tháng 6 này. Theo thống kê sơ bộ từ tập đoàn Mỹ thì khoảng 1500 thùng dầu đã bị tràn ra vịnh. Tương tự như vụ trên, cũng không một thông báo chính thức nào, từ chính quyền địa phương đến trung ương. Người dân địa phương phải tự tổ chức các hoạt động tẩy rửa. Thậm chí, vấn đề an toàn thực phẩm cũng không hề được đề cập đến. Các nhà hàng vẫn tiếp tục phục vụ các món ăn được chế biến từ các loại sò đánh bắt ngay tại vùng biển ô nhiễm.

Điều đáng lo ngại là do không có những thông báo chính thức từ chính quyền, người dân địa phương còn cho rằng các vết dầu lẫn trong cát có lẽ đến từ vùng thảm họa hạt nhân Fukushima. Đối với các hiệp hội bảo vệ môi trường, rõ ràng là Trung Quốc vẫn chưa rút kinh nghiệm từ các bài học quá khứ. Le Monde nhắc lại vụ việc ngày 16 tháng 7 năm 2010, do thao tác khử chất lưu huỳnh sai trong một vụ tràn dầu đã gây ra một trận hỏa hoạn tại cảng Đại Liên. Và hơn 1500 tấn dầu thô đã bị trút ra vịnh Bột Hải.

Canada cho dẫn độ kẻ chạy trốn khỏi Trung Quốc

Trong khi đó, « Canada sẽ cho dẫn độ kẻ chạy trốn khỏi Trung Quốc » là tựa đề một bài viết trên nhật báo cánh hữu Le Figaro hôm nay. Theo bài viết, chính quyền Canada cuối cùng đã đồng ý cho dẫn độ một doanh nhân bị kết tội tham nhũng tại Trung Quốc. Cuối cùng thì tòa án Canada đã đồng ý dỡ bỏ những rào cản cho phép dẫn độ « tên tội phạm bị chính quyền Trung Quốc truy lùng gắt gao nhất» từ 12 năm nay.

Bị chính quyền Trung Quốc quy tội cầm đầu một đường dây tiêu thụ hàng buôn lậu trị giá hơn 6 tỷ đô-la và hối lộ các quan chức chính quyền địa phương của thành phố cảng Phúc Kiến lúc bấy giờ, ông Lai Trường Hưng đã cùng gia đình bỏ trốn đến Canada vào năm 1999 và xin tỵ nạn chính trị tại đây. Trong vụ án chống tham nhũng này, khoảng 300 người đã bị bắt và 14 người trong số này đã bị kết án tử hình. Ông Chu Dung Cơ, Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ, từng mạnh mẽ tuyên bố « Lai Trường Hưng đáng phải chết đến 3 lần, thậm chí còn hơn thế nữa, mà vẫn chưa thấy đủ ». Từ lâu đề tài này đã đè nặng lên quan hệ song phương của hai nước. Tuy nhiên, sau chuyến viếng thăm Trung Quốc gần đây của Ngoại trưởng Canada, ông John Baird đã tuyên bố rằng Trung Quốc và Canada không nên mất nhiều thời gian với những tên công chức buôn lậu.

Nhìn ở góc độ nội bộ Trung Quốc, Le Figaro nhận định rằng vụ yêu cầu dẫn độ này có màu sắc chính trị. Trong bối cảnh nhạy cảm chuyển giao quyền lực vào năm 2012, tranh giành quyền lực khốc liệt đang diễn ra giữa các nhóm khác nhau, có nhiều tin đồn cho rằng Lai Trường Hưng đã từng hối lộ cho phu nhân tí thư tỉnh ủy Đảng Phúc Kiến thời bấy giờ. Trên thực tế, ông này chính là Giả Khánh Lâm, nhân vật số 4 trong Ban thường vụ Trung ương Đảng, một đồng minh của ông Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Có lẽ chính ông Giả Khánh Lâm đã che chở cho Lai Trường Hưng. Le Figaro cũng nhắc lại rằng tuy ông Giang Trạch Dân đã lui vào hậu trường từ năm 2002, nhưng quyền lực vẫn còn rất mạnh. Bản thân ông Hồ Cẩm Đào phải cùng với ông Giang Trạch Dân bổ nhiệm những nhân vật chủ chốt trong chính phủ.

Na Uy cú sốc !

Nhìn sang thời sự quốc tế, cả thế giới ngỡ ngàng khi hay tin Na Uy bị tấn công bằng bom ngay tại trung tâm thủ đô, và ít phút sau đó là vụ xả súng trên một hòn đảo du lịch. Nhật báo Liberation hôm nay có đăng một bài xã luận về sự kiện này. Theo Liberation, qua vụ tấn công bằng bom và nổ súng giết người này cho thấy không một quốc gia nào có thể thoát khỏi các vụ khủng bố. Vương quốc Na Uy hòa bình đã biết đến thế nào là 11 tháng 9. Giống như New York, Paris, Madrid hay Luân Đôn.

Đất nước Na Uy vốn được biết đến là một quốc gia rất yêu chuộng hòa bình. Thủ đô Oslo là nơi tổ chức trao giải thưởng Nobel Hòa Bình. Lần đầu tiên trong lịch sử Na Uy, một vụ tấn công khủng bố xảy ra. Mặc dù là một nước trung lập, Na Uy đã bị quân đội phát xít Đức xâm lược trong Thế chiến thứ hai. Nhưng người dân Na Uy đã dũng cảm nổi dậy kháng chiến chống ngoại xâm. Sau Thế chiến, Na Uy đã biết tạo dựng nên một sự khác biệt yên tĩnh tại Châu Âu, từ chối gia nhập Liên hiệp Châu Âu qua hai cuộc trưng cầu dân ý.

Đất nước hòa bình này đã sáng tạo ra một nền dân chủ cởi mở và theo tinh thần đóng góp. Bạn có thể tìm thấy địa chỉ nhà các Bộ trưởng trên các danh bạ và các biện pháp về an ninh dường như là không tồn tại. Gần đây, Na Uy hội nhập vào khối Nato, và đã gởi nhiều đội quân đến Afghanistan và Libya. Tuy số quân không nhiều, nhưng cũng đủ tạo ra cớ cho các phe Hồi giáo cực đoan. Giờ đây, sau cú sốc này, theo như lời nhận định của một nhà văn Na Uy Jorn Madslien, thì « Na Uy đã mất đi sự hồn nhiên của mình ».

Tội phạm gốc Rumani gia tăng tại Pháp

Cuối cùng, liên quan đến thời sự nước Pháp, nhật báo Le Figaro có bài nhận định về tình hình an ninh tại nước này qua bài viết « Tội phạm gốc Rumani gia tăng ». Theo bài viết, loại hình tội phạm này bùng nổ tại các thành phố lớn và các hoạt động của chúng cũng đa dạng hơn. Theo báo cáo của cảnh sát, số tội phạm này đã tăng hơn 72% trong quý I năm nay. Le Figaro cho biết, đa phần các tên tội phạm trên đều còn rất trẻ tuổi, từ 14 đến 40, hoạt động trong mọi khu vực từ ăn cắp ví tiền cho đến lừa lòng hảo tâm của người đi đường, thậm chí là cướp tiền mặt của người già khi họ đến rút tiền tại các máy rút tiền tự động.

Gần đây, những tên này chuyển sang giật điện thoại di động, do các khách hàng lơ đễnh để trên bàn khi ngồi uống cà phê ngoài trời cũng như ăn cắp dây đồng, do giá của đồng trên thị trường đang lên. Bản báo cáo cũng đề cập đến các hoạt động băng đảng ngầm. Các đường dây tổi chức đưa lậu người từ Rumani sang với giá 100€/ người để đi trộm cắp hay đi ăn xin. Phần đông, trẻ em (chủ yếu là thiếu nữ) vừa là nạn nhân mà cũng vừa phải làm các công việc này. Nếu không thỏa mãn các yêu cầu của các tên cầm đầu chúng sẽ bị trừng trị. Báo cáo cũng cho biết địa bàn hoạt động của những tên tội phạm gốc Rumani này đều tập trung ở các thành phố lớn, ở những điểm du lịch và tại những cửa hàng lớn.

Khó khăn lớn nhất cho cảnh sát là sau mỗi lần truy bắt, cảnh sát không bao giờ biết được tên thật cũng như tuổi của tội phạm thiếu niên này. Không những thế, do rất am hiểu về luật bảo vệ trẻ em tại Pháp, những tên tội phạm tỏ ra rất hung hăng. Chúng không ngần ngại xô ngã một người già để cướp có vài đồng euro, thậm chí đánh trả lại cảnh sát khi bị bắt giữ. Cuối cùng Le Figaro nhận xét, nếu như năm 2014 này, Rumani sẽ hội nhập hoàn toàn vào liên minh Châu Âu, thì hợp tác tư pháp với Bucarest là không thể nào thiếu được.

Trang nhất các báo Pháp

Trên các trang báo Pháp hôm nay, đề tài nợ Hy Lạp vẫn được nhật báo Le Monde và Le Figaro quan tâm đến nhiều. Theo Le Monde, kế hoạch khổng lồ cứu trợ Hy Lạp cuối cùng cũng đã được thông qua, với sự tham gia của khu vực tài chính tư nhân.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro thì lại nói về « Những tham vọng mới của Sarkozy hòng vực dậy Châu Âu ». Sau khi cứu trợ Hy Lạp, Tổng thống Pháp sẽ cùng với bà thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra những đề nghị mới để tổ chức Châu Âu tốt hơn.

Trang nhất Liberation thì chú ý đến sự kiện Na Uy bị đánh bom qua hàng tít « Oslo : cú sốc ». Còn nhật báo Công giáo La Croix giới thiệu đến độc giả yêu thích khám phá một nền kiến trúc romane qua bài tựa « Arles, kiến trúc tuyệt mỹ Romane ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.