Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - CHÍNH TRỊ

Lãnh tụ đối lập Miến Điện dự lễ kỷ niệm cuộc nổi dậy năm 1988

Bà Aung San Suu Kyi vào hôm nay, 08/08/2011, đã đến một tu viện ở Rangoon để dự lễ kỷ niệm phong trào nổi dậy đòi dân chủ diễn ra cách nay đúng 23 năm, và đã bị quân đội dìm trong biển máu. Buổi lễ tập hợp khoảng 400 người tham dự.

Ngày 8/8/2011, lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi tham dự nghi thức tôn giáo tưởng niệm biến cố "8888", tức cuộc nổi dậy tại Rangoon của sinh viên Miến Điện ngày 8/8/1988.
Ngày 8/8/2011, lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi tham dự nghi thức tôn giáo tưởng niệm biến cố "8888", tức cuộc nổi dậy tại Rangoon của sinh viên Miến Điện ngày 8/8/1988. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Theo ghi nhận của một nhà báo AFP có mặt tại chỗ, lãnh tụ đối lập Miến Điện đã tham gia một phút mặc niệm các nạn nhân, và tặng áo cho các tu sĩ. Trong cuốn sổ vàng lưu niệm của tu viện, bà Aung San Suu Kyi ghi rõ : “Tôi mong muốn mọi người nghĩ đến những gì đã xẩy ra và không quên đi ’’.

Ngày mùng 8 tháng 8 năm 1988, là một ngày đánh dấu lịch sử Miến Điện và đã biến bà Aung San Suu Kyi, một người phụ nữ vẻ hiền lành, thành gương mặt tiểu biểu cho phong trào đấu tranh dân chủ, một nữ anh hùng dân tộc, đối đầu với chế độ quân phiệt.

Vào hôm ấy, đi theo phong trào của sinh viên, hàng trăm ngàn người đã xuống đường đòi cải cách dân chủ. Chính quyền Rangoon đã bị rúng động trước sự phản đối rầm rộ trong sáu tuần lễ, trước khi ra tay đàn áp đẫm máu : 3.000 người chết.

Bà Aung San Suu Kyi khi ấy sống ở Luân Đôn, trở về Miến Điện thăm người mẹ đau nặng vào tháng 4 năm 1988, đã tham gia vào phong trào đòi dân chủ này. Ngay lập tức, bà đã đóng một vai trò không nhỏ, vận động dân chúng với những bài diễn văn tại ngôi chùa lớn Shwedagon ở Rangoon, và được đông đảo người dân hâm mộ. Chính quyền quân phiệt đã quản thúc bà vào năm 1989. Và đấy là bước đầu của hơn 20 năm bà đương đầu với chính quyền quân sự.

Năm 1990, đảng Liên Đoàn Quốc gia vì Dân chủ mà bà thành lập đã chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội, nhưng quân đội đã không bao giờ công nhận kết quả này. 

Theo ông Win Htein, người tháp tùng bà Aung San Suu Kyi vào hôm nay, và là một người đã từng tham gia cuộc nổi dậy năm 1988, nhiều sinh viên tham gia phong trào vào thời đó, hiện vẫn còn bị cầm tù.

 Trước khi tham gia một lễ kỷ niệm mà chính quyền trước đây khó chấp nhận, lãnh đạo đối lập, qua người phát ngôn của mình, đã cho biết là bà sẽ đi hoạt động ngoài Rangoon. Bà sẽ đi đến vùng Bago cách Rangoon 100 cây số, khai trương một thư viện và gặp gỡ với thanh niên. Theo ông Nyan Win, người phát ngôn của Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ Miến Điện (tổ chức đã bị chính quyền ra lệnh giải tán) chuyến đi này mang tính chất ‘'chính trị’'. Chính quyền dân sự, nhưng nằm trong tay quân đội Miến Điện, đã lên tiếng cảnh báo về chuyến đi này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.