Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Miến Điện : Thận trọng xen lẫn hy vọng về tiến trình cải cách dân chủ

Nhiều tuần qua, chính phủ "dân sự" mới ở Miến Điện liên tiếp có những động thái mới hướng tới hòa hợp dân tộc. Phải chăng đó là những cố gắng nhằm xóa đi hình ảnh một chế độ độc tài quân sự hay một tiến trình dân chủ đang được khởi động ở Miến Điện? Theo các nhà phân tích, hy vọng về một tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện vẫn còn rất mong manh.

Nhà đối lập Aung San Suu Kyi  gặp bộ trưởng phụ trách các vấn đề biên giới, Tướng Thein Htay (D) hôm  20/8/ 2011.
Nhà đối lập Aung San Suu Kyi gặp bộ trưởng phụ trách các vấn đề biên giới, Tướng Thein Htay (D) hôm 20/8/ 2011. AFP / Soe Than Win
Quảng cáo

Sự kiện hy hữu tại Miến Điện : Tân chính phủ chìa cành ô liu cho phe đối lập, với việc tổng thống Thein Sein, hôm thứ Sáu, 19/08/2011, đã tiếp lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi. Qua động thái này, chính phủ mới tại Miến Điện, về mặt hình thức là dân sự, tìm cách làm dịu đi những chỉ trích của quốc tế, xóa bỏ hình ảnh một chế độ quân phiệt, độc tài. Thế nhưng, theo các nhà phân tích, hy vọng về một tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện vẫn còn rất mong manh.

Mặc dù không có thông tin gì được tiết lộ sau cuộc gặp kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ giữa tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyie, giới quan sát vẫn coi đây là một bước đi quan trọng đối với chính phủ Miến Điện , được thành lập sau cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm 2010.

Sau cuộc bầu cử này, chế độ quân sự cầm quyền của tướng Than Shwe giải thể và các quyền lực lãnh đạo được chuyển giao cho một chính phủ, gọi là « dân sự », hồi cuối tháng Ba năm nay.

Theo chuyên gia Aung Naing Oo, thuộc Viện Phát triển Vahu, một tổ chức tư vấn về chính trị Miến Điện, có trụ sở tại Chiang Mai, Thái Lan, các nhà lãnh đạo mới tại Miến Điện, mà phần lớn vốn là tướng lĩnh vừa từ bỏ quân phục để tham gia bầu cử Quốc hội, muốn chứng tỏ rằng « họ là người lãnh đạo, chứ không phải quân đội… Họ muốn chứng tỏ là đang làm một việc tốt gì đó cho đất nước và họ là một chính phủ dân sự, bất kể quan hệ trước đây của họ với chế độ cũ ».

Chuyên gia này còn cho biết là chính lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyie, cũng ngạc nhiên về sự thay đổi thái độ của chính quyền đối với bà. Chưa rõ ý đồ của chính quyền, nhưng hành động đối thoại này là « cực kỳ quan trọng » đối với tiến trình hòa giải dân tộc.

Sau bẩy năm bị quản thúc tại gia ở Rangoon, một tuần sau cuộc bầu cử Quốc hội mà bà không tham gia và đảng của bà, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ bị giải thể, bà Aung Sann Suu Kyi, giải Nobel Hòa bình, đã được trả tự do, hồi tháng 11 năm ngoái.

Tháng Sáu năm nay, chính quyền Miến Điện còn tỏ thái độ cứng rắn, yêu cầu lãnh đạo đối lập chấm dứt các hoạt động chính trị, cảnh báo rằng các chuyến công du mang màu sắc chính trị của bà tới các địa phương có thể dẫn đến « tình trạng hỗn loạn và nổi loạn ». Thế nhưng, dường như, chính phủ Miến Điện đã thay đổi chiến lược trong những tuần vừa qua. Bà Aung San Suu Kyi được mời gặp bộ trưởng Lao động Miến Điện hai lần trước khi đích thân tổng thống tiếp lãnh đạo đối lập ngày 19/08. Chuyến công du đầu tiên của bà ra ngoài Rangoon đã diễn ra thuận lợi và trong các cuộc gặp với hàng ngàn ủng hộ viên, bà đã kêu gọi đoàn kết dân tộc.

Đồng thời, chính phủ mới tại Miến Điện cũng lên tiếng kêu gọi đàm phán hòa bình với các nhóm nổi dậy, thuộc các sắc tộc thiểu số và lại chấp nhận đón tiếp phái viên Liên Hiệp Quốc phụ trách về nhân quyền, ông Tomas Ojea Quintana, sau một năm từ chối.

Tuy nhiên, giới quan sát tỏ thái độ thận trọng trước các động thái này. Ông Win Min, một nhà nghiên cứu làm việc tại Mỹ, được AFP trích dẫn, nhận định là mặc dù có « những bước tiến », nhưng còn « quá sớm để nói rằng đó là bước khởi đầu mới hay đó là những hành động không có nghĩa lý gì cả ». Ông nói, chính quyền mới tại Miến Điện sẵn sàng « khoan dung một số hoạt động của phe đối lập và hợp tác với phe đối lập trên một số vấn đề liên quan đến phát triển, để có được sự thừa nhận của khu vực và quốc tế ».

Cho đến nay, Hoa Kỳ và các nước phương Tây vẫn áp dụng các biện pháp trừng phạt về chính trị và kinh tế đối với Miến Điện, đòi chính quyền nước này phải tiến hành cải cách dân chủ, đặc biệt là thả khoảng 2000 tù nhân chính trị hiện bị giam cầm, chấm dứt các hành động bạo lực và vi phạm Nhân quyền.

Trong phạm vi khu vực, Miến Điện, có chân trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN, muốn thuyết phục các nước thành viên trao cho quyền làm chủ tịch Hiệp hội này vào năm 2014. Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên hiệp – USDP, do giới tướng lãnh lập ra ngày 02/06/2010, 5 tháng trước khi có bầu cử Quốc hội, hiện nắm quyền lãnh đạo, muốn thông qua việc tổ chức thượng đỉnh ASEAN để tạo dựng uy tín trước khi có cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015.

Thế nhưng, trong một đất nước mà giới tướng lãnh liên tục cầm quyền từ nửa thế kỷ qua, cần phải có thời gian thì mới có thể đạt được một số tiến bộ, ví dụ như chấm dứt đàn áp, xung đột vũ trang với các sắc tộc thiểu số.

Một chuyên gia xin dấu tên nhấn mạnh là cần phải rất thận trọng, không nên hy vọng là cải cách dân chủ có thể diễn ra ngày một ngày hai. Tuy nhiên, mọi việc đang diễn tiến theo chiều hướng thuận lợi và rất nhanh mà trước đây không ai có thể nghĩ tới.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.