Vào nội dung chính
NHẬT BẢN-TRUNG QUỐC

Tokyo phản đối Bắc Kinh cho tàu xâm nhập lãnh hải Nhật Bản

Vào sáng sớm hôm nay 24/08/2011, hai chiếc tàu ngư chính Trung Quốc đã lại tiến vào vùng biển gần đảo Kubashima thuộc quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Điều nghiêm trọng, theo Tokyo là lần này, tàu Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải của Nhật.Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kenichiro Sasae đã lập tức triệu mời Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa lên để phản đối.

Tàu tuần duyên Nhật Bản (trước) và tàu ngư chính Trung Quốc (sau) trên vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư , ngày 24/08/2011.
Tàu tuần duyên Nhật Bản (trước) và tàu ngư chính Trung Quốc (sau) trên vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư , ngày 24/08/2011. REUTERS/Japan Coast Guard/Handout
Quảng cáo

Theo lực lượng tuần duyên Nhật Bản, hai chiếc tàu ngư chính Trung Quốc đã tiến sâu vào khu vực bên trong giới hạn 12 dặm xung quanh quần đảo, một vùng mà Nhật Bản coi là lãnh hải của mình. Hai con tàu này chỉ ở lại đấy khoảng 40 phút trước khi bỏ đi.

Khi bị tàu tuần duyên Nhật Bản đến cảnh cáo và đuổi đi, một trong hai chiếc tàu Trung Quốc đã đáp lại rằng : "Quần đảo Điếu Ngư và vùng biển tiếp giáp là một phần không tách rời của lãnh thổ Trung Quốc... Chúng tôi đang thực hiện công tác chính đáng trong vùng biển của Trung Quốc, theo quy định của pháp luật".

Hành động nhằm áp đặt chủ quyền nới trên đã bị Tokyo cực lực phản đối. Theo ông Yukio Edano, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản, trong cuộc gặp Đại sứ Trung Quốc hôm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Kenichiro Sasae đã khẳng định rằng “quần đảo Senkaku là phần lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản, cả về phương diện lịch sử lẫn luật pháp quốc tế.” Do đó, Tokyo yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt các hành vi nói trên và "có cách hành xử phù hợp...".

Tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - khu vực không có người ở, nhưng là vùng biển có nguồn cá phong phú và ở dưới đáy được cho là dồi dào trữ lượng dầu khí- từng làm cho quan hệ Tokyo– Bắc Kinh căng thẳng cực độ vào năm ngoái. Sau khi Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng một tàu đánh cá Trung Quốc đã cố tình đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản, Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ, trả đũa về cả kinh tế lẫn chính trị, bật đèn xanh cho dân chúng biểu tình chống Nhật.

Trước sức ép quá mạnh, Tokyo đã phải hủy bỏ quyết định truy tố và trả tự do cho viên thuyền trưởng Trung Quốc. Từ sau vụ đó đến nay, theo ông Yukio Edano, Bắc Kinh đã 12 lần cho tàu đến gần quần đảo Senkaku, nhưng trái với 11 lần trước, hôm nay là lần đầu tiên mà tàu Trung Quốc thâm nhập vào lãnh hải Nhật Bản.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.