Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Cộng đồng quốc tế khuyến khích Miến Điện thật tâm cải cách

Đăng ngày:

Từ nhiều tuần nay, nhiều dấu hiệu hòa dịu được ghi nhận trong sinh hoạt chính trị tại Miến Điện. Tuần qua, Tổng thống chính phủ dân sự, Thein Sein, đã hội đàm với lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Hai bên đều tuyên bố cảm thấy « được khích lệ » sau cuộc tiếp xúc đầu tiên hôm 19/08/2011. Thông tín viên RFI Arnaud Dubus phân tích các chuyển biến này.

Nhà đối lập Aung San Suu Kyi (trái) trao đổi với Bộ trưởng Biên giới, tướng Thein Htay, 20/8/2011.
Nhà đối lập Aung San Suu Kyi (trái) trao đổi với Bộ trưởng Biên giới, tướng Thein Htay, 20/8/2011. AFP / Soe Than Win
Quảng cáo

Từ sau cuộc bầu cử bị thế giới lên án là « dàn dựng », chính quyền quân sự đã nhường chỗ cho một chính phủ « dân sự ». Nội các mới đã liên tục có những động thái hòa giải với đối lập và tìm cách ra khỏi vòng vây cấm vận của quốc tế.

Lần đầu tiên sau nhiều thập niên, tên tuổi của lãnh đạo đối lập Aung San Syu Kyi, giải Nobel hòa bình 1991, được các đài truyền thanh, truyền hình, báo chí nhắc đến thay vì chỉ đề cập một cách tránh né theo thuật ngữ của chính quyền quân sự : « Bà ».

Cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa lãnh đạo đối lập, từng bị quản thúc giam cầm gần như liên tục trong 20 năm qua, với tổng thống Thein Sein đã được truyền thông nhà nước tường thuật.

Ngoài sự kiện này, thứ sáu tuần trước, bà Aung San Suu Kyi, sau 7 năm bị quản thúc, đã có thể tự do thực hiện chuyến đi hoạt động chính trị ngoài Rangoun, tiếp xúc với hàng ngàn người dân, kêu gọi đoàn kết dân tộc.

Đến thứ hai 22/08/2011,  trong ngày khai mạc khóa họp quốc hội có báo chí tham dự,  tướng Thein Sein trong bộ áo dân sự của một vị Tổng thống, tuyên bố rằng ông sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế và hứa sẽ làm việc « vì các quyền của người công dân ».

Ông cam kết chính phủ cố gắng « ngẩng cao đầu trong các tổ chức cấp vùng và quốc tế như là một thành viên tận tâm trong đại gia đình thế giới ».

Lãnh đạo đối lập cũng được tự do tiếp xúc với báo cáo viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc Tomas Ojea Quintana.

Nhà ngoại giao Achentina được mời trở lại Rangoun sau hơn một năm bị cấm nhập cảnh, được tiếp xúc với lãnh đạo đối lập, viếng thăm nhà tù nổi tiếng Insein, nơi giam cầm nhiều thành viên đối lập trong số 2.000 tù nhân chính trị.

Đáp lại những động thái hòa dịu này, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon hoan nghênh Tổng thống Thein Sein đối thoại với lãnh đạo đối lập, nhưng cùng lúc thúc giục chính quyền mới phải thực hiện nhiều « biện pháp » khác tiến tới hòa giải dân tộc một cách thật sự.

Cho đến bây giờ vẫn chưa thấy tín hiệu nào cho phép dự báo 2.000 tù nhân chính trị sẽ sớm được tự do.

Châu Âu cũng có phản ứng tương tự. Paris ghi nhận và khen ngợi cuộc gặp gỡ chính quyền với đối lập ngày 14/08 nhưng cũng tỏ ý muốn thấy chính phủ Miến Điện có những « động thái cụ thể trong tinh thần xây dựng và tin cậy lẫn nhau » trả tự do tù chính trị, hòa giải với các sắc tộc đang đấu tranh.

Để tìm hiểu thêm ý nghĩa và động lực tạo ra những biến đổi này từ phía chế độ Miến Điện, mời quý thính giả theo dõi phần phân tích của thông tín viên Arnaud Dubus trong khu vực.

Tú Anh : Thân chào thông tín viên Arnaud Dubus, câu hỏi đầu tiên là trong số các diễn biến mới có những sự kiện nào mang nhiều ý nghĩa nhất ?

A. Dubus : Từ tháng 6, giọng điệu của chính phủ Miến Điện đối với bà Aung San Suu Kyi vẫn còn khá cứng cỏi. Họ yêu cầu nhà đối lập từ bỏ mọi hoạt động chính trị. Thế nhưng sau đó, không hiểu vì lý do gì, nhiều dấu hiệu hòa dịu xuất hiện.

Đầu tiên là cuộc gặp gỡ giữa bà Aung San Suu Kyi và bộ trưởng Lao động Aung Kyi. Tiếp theo đó, lãnh đạo đối lập đã có thể rời Rangoon đi đến Bago ở phía bắc, thăm viếng các ủng hộ viên địa phương một cách suôn sẻ.

Cuộc hội kiến giữa Tổng thống Thein Sein và lãnh đạo đối lập dường như đã diễn ra tốt đẹp. Việc truyền hình nhà nước trực tiếp loan tin là dấu hiệu cho thấy bà đã được chế độ nhìn nhận là một đối tác không thể thiếu.

Tất nhiên, trong quá khứ cũng từng có nhiều cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo đối lập và các nhân vật then chốt trong chính quyền quân sự và sau đó thì chẳng đi đến đâu.

Lần này, trái lại, có nhiều yếu tố mới.

Trước tiên, tướng Than Shwe, nhân vật có nhiều ác cảm với nhà đối lập đã rút lui.

Tiếp đến, là sự kiện thành lập chính quyền dân sự, mặc dù đa số thành viên là tướng lãnh hồi hưu, đã tạo ra một xung lực mới và khởi đầu tiến trình chuyển biến trong cấu trúc bộ máy quyền lực.

Người ta chưa biết chính xác cơ chế nội bộ của chính quyền mới, nhưng điều có thể thấy được là, bây giờ có nhiều ý kiến đa phương và quyền lợi khác biệt trong giới nắm quyền lực quốc gia.

Xu hướng rõ nét nhất là ưu tư đưa kinh tế đi lên hơn là tập trung quân sự hóa chế độ một cách tuyệt đối và thường trực.

Tú Anh : Biến chuyển này bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa nào ?

A. Dubus : Nguyên nhân sâu xa, như tôi vừa nói, là việc cải tổ cấu trúc bộ máy quyền lực.

Sự kiện có ba thành phần đảm nhận trách nhiệm. Một bên là giới quân nhân tại chức mà quan tâm hàng đầu là vấn đề an ninh. Bên kia là giới tướng lãnh về hưu lo quản lý hành chánh và đặc biệt là kinh tế và cuối cùng là các đại biểu quốc hội với ưu tư hàng đầu là đời sống địa phương trong đơn vị bầu cử của họ. Hệ quả là chính quyền hiện nay không còn mang tính « độc tôn » như trước kia.

Một hình thức cạnh tranh đặt trên cơ sở quyền lợi khác biệt đã hình thành tại Miến Điện. Tình thế này cũng giống như tình hình của Indonesia trong thập niên 1970, khi tướng Suharto thời đó cởi áo nhà binh lên làm Tổng thống.

Ngoài ra cũng có những nhu cầu trước mắt. Trước tiên, tháng 9 tới là thời gian khai mạc hội nghị Đại hội đồng Lien Hiệp Quốc. Mà hiện giờ, Miến Điện vẫn bị xem là một chế độ độc tài quân phiệt đội lốt dân chủ. Ban lãnh đạo Miến Điện lại đang lo âu nhìn các chế độ độc đoán ở các nước Ả Rập theo chân nhau sụp đổ một cách nhanh chóng.

Trong lần thăm viếng vào tháng 2 năm 2010, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, ông Tomas Ojea Quintana nhận định là các vụ vi phạm nhân quyền tại Miến Điện có thể thúc đẩy Liên Hiệp Quốc mở cuộc điều tra về tội ác chống nhân loại.

Chính quyền dân sự hiện nay lo ngại đề nghị này lại sẽ được đề cập đến nhân khóa họp đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Đó là lý do tại sao báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền, ông Tomas Ojea Quintana, nhiều lần bị cấm nhập cảnh, lại có thể trở lại Miến Điện hôm chủ nhật vừa qua. Một yếu tố khác có thể quan trọng hơn cả : đó là Miến Điện sắp làm chủ tịch luân lưu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) năm 2014.

Miến Điện đã bị từ chối một lần vào năm 2006. Lần này, giới lãnh đạo bằng mọi giá, muốn làm chủ tịch Asean. Để không bị mất cơ hội, họ cần tạo uy tín trong khu vực.

Để được tín nhiệm của những quốc gia luôn lên án các vụ vi phạm nhân quyền như Indonesia và Philippines, cái giá mà giới lãnh đạo Miến Điện phải trao đổi là nới lỏng chế độ.

Tú Anh :Tình hình kinh tế có tác động gì trong thái độ hòa dịu của chính quyền hiện nay hay không ?

A. Dubus : Vâng, chắc chắn là có. Tổng thống Thein Sein dường như muốn tìm cách cải thiện được phần nào hay phần nấy kinh tế đất nước đang bị nợ nần chồng chất từ nhiều thập niên qua.

Ông đã xin Quỹ Tiền tệ quốc tế gởi một phái bộ đến thẩm định tình hình tại chổ. Đây sẽ là phái đoàn đầu tiên của IMF đến Miến Điện kể từ nhiều năm nay.

Một số viên chức nhà nước cũng đã đưa ý kiến phải dẹp bỏ tỷ giá hối đoái phi lý hiện nay ấn định hối suất chính thức thấp 130 lần hơn so với giá thật.

Hệ thống hối suất giả tạo này đã gây bất lợi cho giới đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho nạn biển thủ công quỹ vào túi quân nhân và gây phức tạp cho việc quản lý kinh tế.

Gần đây, một Hội đồng cố vấn kinh tế gồm các chuyên gia kinh tế thân cận của bà Aung San Suu Kyi đã được thành lập để giúp chính phủ đổi mới nền kinh tế quốc gia.

Thiết tưởng cũng nên nhắc lại là Miến Điện nằm trong danh sách các quốc gia kém phát triển của Liên Hiệp Quốc.

Tú Anh : Trong trung hạn , có hy vọng nào chính quyền dân sự sẽ trả tự do cho tất cả tù chính trị và thật tâm tiến hành dân chủ hóa chế độ ?

A. Dubus : Chúng ta không thể tiên đoán một cách chính xác nhưng có thể nói là đất nước này đang đi vào một ngã rẽ. Điều gần như chắc chắn là hai bên, chính quyền và đối lập, sẽ khởi sự một cách thận trọng, từng bước một, và sẽ không có đổi mới một cách ngoạn mục một sớm một chiều. Tổng thống Thein Sein ý thức rằng ông phải dè chừng cánh cựu tướng lãnh bảo thủ. Nếu đi quá xa , ông sẽ bị những tay kỳ cựu trong quân đội vô hiệu hóa ngay. Đó là trường hợp của thủ tướng Khin Nyunt bị cách chức và bị quản thúc năm 2004.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền nói rằng chỉ có hành động trả tự do tức khắc cho tất cả 2000 tù nhân chính trị mới chứng minh được là chính quyền có thiện chí.

Không loại trừ khả năng chính quyền sẽ mở cửa nhà giam thả hết người đối lập, nhưng một quyết định như thế của chính quyền dân sự cần phải có sự chấp thuận của tất cả lãnh đạo quân sự. Đây là điều kiện để chính quyền dân sự có thể tiếp tục tồn tại được  ».

Phản ứng của lãnh đạo đối lập

Theo thông tin mới nhất từ Rangoun, sau cuộc hội kiến lần đầu tiên với báo cáo viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày hôm nay 24/08/2011, bà Aung San Suu Kyi tuyên bố “rất hài lòng và phấn khởi gặp gỡ một chuyên gia về nhân quyền”.

Lãnh đạo đối lập cho biết, bà nghĩ rằng : “Tổng thống Miến Điện thật tâm muốn cải cách”.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.