Vào nội dung chính
TRUNG CẬN ĐÔNG

Sự thực dụng của ngoại giao Trung Quốc trong hồ sơ Libya

Với sự giúp đỡ của NATO, sau gần nửa năm chiến sự, quân nổi dậy tại Libya đã chiếm được thủ đô Tripoli và đại tá Kadhafi phải lẩn trốn. Công cuộc tái thiết đất nước trở nên cấp bách đối với tân chính quyền Libya và cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc rất lo bị mất phần bởi thái độ lưỡng lự, nước đôi của Bắc Kinh trong thời gian qua. Do vậy, khi nhận thấy chế độ Kadhafi đi vào chiều tàn, ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng xoay chuyển thái độ, tỏ rõ sự thực dụng.

Cổng vào Đại sứ quán Libya tại Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 23/08/2011.
Cổng vào Đại sứ quán Libya tại Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 23/08/2011. REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

Vốn là một tác nhân kinh tế năng động tại Libya, khi nội chiến bùng phát vào tháng Hai, Trung Quốc đã phải sơ tán 35.000 kiều dân của mình, trong đó có công nhân, cán bộ quản lý, kỹ sư, doanh nhân, du khách và hàng chục dự án bị đỉnh chỉ.

Theo bộ Thương mại Trung Quốc, trước khi xẩy ra nội chiến tại Libya, Trung Quốc có 75 doanh nghiệp, trong đó có 13 tập đoàn của Nhà nước, hoạt động trong 50 dự án lớn, với tổng đầu tư lên tới gần 19 tỷ đô la, trên các lĩnh vực xây dựng, đường sắt, dịch vụ khai thác dầu khí, viễn thông. Reuters cho biết là khoảng 3% mức tiêu thụ dầu lửa của Trung Quốc được nhập khẩu từ Libya.

Trung Quốc, dưới sự độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản từ năm 1949 đến nay, rất « dị ứng », cảnh giác với các phong trào nổi dậy trong thế giới Ả Rập. Trong tháng Ba, dưới sức ép của quốc tế, Trung Quốc, thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, có quyền phủ quyết, đã vắng mặt và không ngăn cản việc thông qua nghị quyết 1973 cho phép liên quân quốc tế tiến hành các chiến dịch quân sự tại Libya để bảo vệ thường dân.

Tuy vậy, Trung Quốc cùng với một số thành viên khác trong Hội Đồng Bảo An như Nga, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi đã chỉ trích NATO can thiệp vào công việc nội bộ Libya. Bắc Kinh bỏ ngoài tai mọi lời kêu gọi công nhận phe nổi dậy như là cơ quan quyền lực chính đáng tại Libya.

Khi phe nổi dậy trên đà thắng thế, nhưng lực lượng trung thành với Kadhifi vẫn kháng cự quyết liệt, tình hình chưa rõ ràng thì Trung Quốc thực thi chính sách « nước đôi », « hai mặt ».

Đầu tháng Sáu, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tiếp Ngọai trưởng Libya của chế độ Kadhafi ở Bắc Kinh. Cùng lúc đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc làm việc tại Ai Cập sang thành phố Benghazi, phía đông Libya, thủ phủ của phe nổi dậy nhằm tìm hiểu tình hình nhân đạo và hoàn cảnh của các nhà đầu tư Trung Quốc trong khu vực.

Cũng trong quãng thời gian này, đại diện ngọai giao Trung Quốc đã hai lần tiếp xúc với lãnh đạo Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp – CNT. Trước đó vài ngày, đại sứ Trung Quốc tại Qatar đã gặp chủ tịch CNT. Ngày 22/06, cũng chính Ngọai trưởng Dương Khiết Trì đã tiếp chủ tịch điều hành Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp tại Bắc Kinh. Sang đến tháng Bẩy, vụ trưởng vụ châu Phi bộ Ngoại giao Trung Quốc trực tiếp đến Benghazi để thảo luận với các lãnh đạo của CNT.

Dự trữ ngoại tệ của Libya lên đến khoảng 150 tỷ đô la. Trữ lượng dầu lửa được thẩm định là vào khoảng 46 tỷ thùng, cao hơn hẳn Ai Cập, Nigeria, Algeri. Tiềm năng khí đốt của nước này cũng rất lớn, 500 tỷ mét khối. Do vậy, Libya giống như một chiếc bánh ga-tô, nói theo từ của báo chí phương Tây, mà các nước lớn muốn chia phần với nhau. Cuối tháng Tám vừa qua, một lãnh đạo CNT đã nói thẳng rằng chính quyền mới tại Libya sẽ trả ơn các nưóc tùy theo mức độ ủng hộ trước đó đối với phong trào nổi dây.

Để khỏi mất phần, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng « đóng một vai trò tích cực trong việc tái thiết » Libya, nhưng đề nghị Liên Hiệp Quốc đứng ra phụ trách kế hoạch tái thiết nước này. Theo giới quan sát, với giá nhân công rẻ mạt và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội hơn phương Tây nếu Liên Hiệp Quốc cho đấu thầu các dự án tái thiết Libya.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.