Vào nội dung chính
NAM MỸ - TRUNG QUỐC

Kinh tế châu Mỹ Latinh có nguy cơ phụ thuộc vào xuất khẩu của Trung Quốc

Trong một thập niên qua, tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch giữa Trung Quốc và châu Mỹ La tinh đã tăng 18 lần, mức cao nhất so với các khu vực khác trên thế giới. Thế nhưng, cơ cấu quan hệ thương mại song phương này chưa chắc gì có lợi về lâu về dài cho các nước châu Mỹ La tinh.

Cảnh bốc hàng Trung Quốc tại cảng Sao Paolo, Brazil (Reuters)
Cảnh bốc hàng Trung Quốc tại cảng Sao Paolo, Brazil (Reuters)
Quảng cáo

Cho tới nay, Trung Quốc chỉ nhập khẩu nguyên liệu thô, từ chối mua các sản phẩm có giá trị gia tăng của châu Mỹ La tinh, trong khi đó, Bắc Kinh lại bán sang thị trường này chủ yếu là sản phẩm đã chế biến. Do vậy, các nước châu Mỹ La tinh thu được một số mối lợi trước mắt, nhưng về lâu dài, lại có nguy cơ phụ thuộc vào thành phẩm của Trung Quốc. Như vậy, các nước châu Mỹ Latinh khó có thể vươn lên thành các quốc gia xuất khẩu sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng như họ mong muốn.

Theo ông Mauricio Cardenas, giám đốc chương trình châu Mỹ La Tinh của học viện Brookings, một cơ quan tư vấn, có trụ sở tại Washington, cách thức nhập khẩu của Trung Quốc rất rõ ràng « chủ yếu là mỗi nước một sản phẩm » và Bắc Kinh thực hiện rất tốt chiến lược này. Ví dụ, mua đậu nành của Achentina, nhập khẩu đồng của Chilê, thép của Brazil…

Trong một báo cáo gần đây, tập đoàn Nomura, chuyên phân tích, quản lý dịch vụ tài chính, ngân hàng và đầu tư, cảnh báo những rủi ro của việc phát triển kinh tế nhưng phụ thuộc quá mức vào việc xuất khẩu nguyên liệu sang Trung Quốc. Một số chuyên gia khác lại cho rằng châu Mỹ La tinh nên coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh vì Bắc Kinh xuất khẩu ồ ạt các sản phẩm có giá trị gia tăng sang thị trường này.

Hậu quả là, theo nhận định của ông Mauricio Mesquita, kinh tế gia thuộc Ngân hàng Phát triển Liên châu Mỹ (IADB),  vùng châu Mỹ La tinh rất ít có cơ may để trở thành các nước xuất khẩu các sản phẩm chế biến, trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi.

Giới kinh tế gia còn nêu ra một lo ngại khác : Do Trung Quốc rất cần nguồn nguyên nhiên liệu để phục vụ nhu cầu tăng trưởng cao, liên tục, chỉ trong vài năm nữa, châu Mỹ La tinh có nguy cơ bị cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong những năm qua, Trung Quốc đã thay thế Mỹ, để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Brazil. Trong năm 2010, Trung Quốc đã đầu tư vào châu Mỹ La tinh khoảng 30 tỷ đô là và trở thành nhà đầu tư đứng hàng thứ ba trong khu vực.

Đối với Trung Quốc, đất nước Brazil rộng lớn là nguồn cung ứng nguyên liệu quan trọng : 80% nhập khẩu của Trung Quốc từ Brazil là sắt, thép và đậu nành. Brazil tiếp nhận tới 90% tổng đầu tư của Trung Quốc ở châu Mỹ La tinh.

Trong nhiều thập niên, châu Mỹ La tinh vẫn được coi là sân sau của Hoa Kỳ. Do vậy, Mỹ đang lo ngại trước sự hiện diện ngày càng năng động và mở rộng của Trung Quốc tại đây. Bắc Kinh đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhiều quốc gia Nam Mỹ và là nhà đầu tư quan trọng trong khu vực.

Trong buổi điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ, hồi tháng Tư vừa qua, ông David Helvey, chuyên gia về châu Á của bộ Quốc phòng Mỹ nhận định, « Các hoạt động của Trung Quốc tại châu Mỹ La tinh tăng từ từ cùng với thời gian. Các hoạt động này khởi động ở mức độ rất thấp nhưng đã tăng dần trong những năm vừa qua ». Theo ông, mối quan tâm chính của Trung Quốc đối với châu Mỹ La tinh là lợi ích kinh tế và thương mại. Bắc Kinh tìm cách mở rộng nguồn cung ứng nguyên liệu và bảo đảm thị trường tiêu thụ các thành phẩm.

Một trong những trụ cột của các nền kinh tế đang trỗi dậy, như Brazil, là xuất khẩu các sản phẩm chế biến. Thế nhưng, giờ đây, ngành công nghiệp chế biến tại các nước này đang gặp khó khăn và xuất khẩu bị đình trệ. Tại Brazil, tỷ trọng của lĩnh vực này trong tổng sản phẩm quốc nội bị giảm 3%, tại Colombia là 7%.

Nếu cứ theo xu hướng này, về dài hạn, số lượng nhân công lao động trong ngành công nghiệp chế biến bị giảm và sẽ tập trung vào lĩnh vực dịch vụ.

Do vậy, giới chuyên gia cho rằng khu vực châu Mỹ La tinh cần phải chuẩn bị tìm kiếm một giải pháp thay thế trong lĩnh vực quan hệ thương mại và tăng trưởng.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.