Vào nội dung chính
CAM BỐT

WikiLeaks : Mỹ từng muốn gợi ý Trung Quốc cho thủ lãnh Khmer Đỏ tỵ nạn

Cuối tháng Tám 2011, WikiLeaks đã công bố toàn bộ số hơn hai trăm ngàn bức điện mật của ngành ngoại giao Mỹ mà họ nắm được. Trong số này, lẽ dĩ nhiên là có những tài liệu liên quan đến Cam Bốt. Ngày 05/09, nhật báo Anh ngữ The Phnom Penh Post đã nêu bật sự kiện là vào năm 1989, Washington từng có ý định yêu cầu Bắc Kinh đưa các lãnh đạo Khmer Đỏ qua Trung Quốc.

Reuters
Quảng cáo

07:10

Thông tín viên Phạm Phan - Phnom Penh

Mai Vân

Theo thông tín viên Phạm Phan tại Phnom Penh, vào thời điểm năm 1989, Khmer Đỏ vẫn còn được Trung Quốc tích cực hậu thuẫn, cung cấp vũ khí để chống lại bộ đội Việt Nam và chính quyền thân Hà Nội tại Phnom Penh, còn Mỹ thì ủng hộ lực lượng Liên hiệp Kháng chiến Khmer gồm ba phe Bảo hoàng của Sihanouk, Quốc gia của Son Sann và Khmer Đỏ. Về tiết lộ của WikiLeaks, Phạm Phan ghi nhận :

" Bài tường thuật trên tờ báo mạng Phnom Penh Post đăng tải vào thứ Hai 5/9 cho công luận thấy nhiều sự kiện lịch sử trong vài thập niên trước đây dần dần được phơi bày ra ánh sáng. Bức công điện mật ghi thời gian tháng 9 năm 1989 trong văn phòng của cựu Ngoại Trưởng Mỹ Lawrence Eagleburger (1/8/1930 – 4/6/2011) có nội dung vạch ra chính sách của Hoa Kỳ đối với Cam Bốt khi cuộc thương thảo hòa bình cho Cam Bốt bị trì hoãn và bộ đội Hà Nội bắt đầu triệt thoái sau một thập niên đóng quân trên xứ Chùa Tháp.

Theo bức công điện mật này thì Pol Pot (19/5/1925-15/4/1998), Ta Mok (1924 - 21/7/2006 ), Ieng Sary (sinh ngày 24/10/1924 tại tỉnh Trà Vinh) phải bị đưa đi Trung Quốc sống cuộc đời tỵ nạn lưu vong để ngăn chận họ tìm cách trở lại nắm quyền, do vì điều này nếu xảy ra sẽ làm cho chính trường Cam Bốt thêm phức tạp.

Nguyên văn bức công điện viết như sau: “Sự tiếp tục hiện diện của những nhân vật lãnh đạo cấp cao của Khmer Đỏ như Pol Pot, Ieng Sary và Ta Mok thì đặc biệt rắc rối. Để giúp tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột này, chính quyền Trung Quốc nên mạnh mẽ khuyến khích các lãnh đạo Khmer Đỏ không được chấp nhận này đi đến Trung Quốc sinh sống.”

Sau năm 1989, ông Lawrence Eagleburger đã có một quan điểm cứng rắn đối với chính quyền tại Phnom Penh lúc đó và đang xem xét cho thành lập một chính quyền lâm thời do cựu Hoàng Sihanouk lãnh đạo.

Ngoài các vấn đề trên đây, các điểm được nêu lên trong cuộc thương thảo hòa bình cho Cam Bốt bao gồm nhiều quốc gia trong khu vực và quốc tế can dự, trong đó có sự kiện cựu Ngoại Trưởng Eagleburger chỉ thị cho các nhà ngoại giao dưới quyền yêu cầu Trung Quốc phải giới hạn hoạt động viện trợ vũ khí cho Khmer Đỏ.

Nhân đây cũng nên lược qua vài nét chính trong giai đoạn từ 1979 - 1989. Thời điểm đó Khmer Đỏ bị mất quyền lực và tháo chạy lên vùng rừng núi Tây Bắc sát biên giới Thái nhưng tiếp tục cuộc đấu tranh võ trang để chống chính quyền Phnom Penh. Trong thời kỳ này, phe Khmer Đỏ và hai phe khác do ông Sihanouk, ông Son Sann (sinh năm 1911 – đã chết) lãnh đạo đã hình thành Liên Hiệp Kháng Chiến Cam Bốt nhưng phe Khmer Đỏ nhận được sự tài trợ dồi dào của Bắc Kinh

Các bức điện mật của ngoại giao Mỹ liên quan đến Cam Bốt cũng rất chú ý đến quan hệ Bắc Kinh – Phnom Penh trong thời gian sau này

Trong 251.287 công điện mật mà Wikileaks tuyên bố họ thủ đắc được thì chỉ có 777 công điện của Tòa Đại Sứ Mỹ tại Phnom Penh. Các công điện này được bạch hóa vào tháng 7 mới đây, tuy nhiên lại có đến 2.447 bản báo cáo của Bộ Ngoai Giao Mỹ và các Tòa Đại Sứ dưới quyền trên khắp thế giới có ghi một số nội dung liên hệ đến Cam Bốt. Mối quan hệ Bắc Kinh – Phnom Penh không thoát khỏi tầm ngắm của Mỹ được chứng minh với rất nhiều dữ kiện ghi trong số lượng công điện mật đáng kể nói trên.

Về nhận định tổng thể, Mỹ cho rằng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Cam Bốt là rất lớn và ngày càng phát triển. Theo Mỹ, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia cấp viện và đầu tư lớn nhất tại Cam Bốt. Viện trợ của Trung Quốc cho Cam Bốt không có điều kiện kèm theo và thường được đầu tư trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi chuyển vận nguồn tài nguyên thiên nhiên của Cam Bốt đến những nhà máy, xí nghiệp trên đất Trung Quốc mà hầu như lúc nào cũng khao khát nguyên liệu.

Mỹ cũng dẫn chứng ra rằng, Trung Quốc luôn từ chối can dự với tất cả các nước cũng như định chế cấp viện khác tại Cam Bốt, khiến làm hỏng nỗ lực xây dựng một xã hội tiến bộ nơi đây. Một số phái bộ ngoại giao thuộc khối ASEAN đã lo lắng ra mặt về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, và Nhật đã đặc biệt than phiền về sự giúp đỡ “không có điều kiện” kèm theo của Trung Quốc ở Cam Bốt.

Các bức điện cũng nêu bật nỗ lực của Trung Quốc nhằm khống chế và khai thác Cam Bốt

Trong bức điện mật mang số tham khảo 07PHNOMPENH926 của Tòa Đại Sứ Mỹ ở Phnom Penh ghi ngày 10 tháng 7 năm 2007 và được đưa lên mạng thông tin toàn cầu ngày 30 tháng 8 năm 2011 mang chủ đề “Khuyến khích sự can dự của Trung Quốc đối với cộng đồng cấp viện cho Cam Bốt”. Qua công điện này người đọc thấy được nhiều chi tiết sau luồng viện trợ “hào phóng” của Bắc Kinh cho Cam Bốt.

Bức điện viết, từ thập niên 1950, Trung Quốc đã khai thác mối quan hệ nồng ấm với nhiều nhà lãnh đạo Cam Bốt, như giúp đỡ Quốc Vương Sihanouk, Khmer Đỏ, và Thủ Tướng Hun Sen, và thường dùng viện trợ như một công cụ chính để xúc tiến mối quan hệ gần gũi.

Tuy nhiên, theo các dữ kiện trong bức điện, lợi ích thương mại của Trung Quốc tại Cam Bốt thường có vấn đề của nó. Do vì nhiều công ty dính vào hoạt động chặt đốn cây rừng còn sót lại tại Cam Bốt là công ty Trung Quốc hoặc dưới hình thức liên doanh Trung Quốc – Cam Bốt, bao gồm hai trong số những công ty khét tiếng nhất giữ hợp đồng nhượng quyền khai thác lớn nhất tại Cam Bốt là Wuzhishan và Pheapimex.

Năm 2004, công ty Green Rich của Trung Quốc bị tố cáo đã khai thác cây gỗ trong một lâm viên quốc gia và trong khu vực dành để bảo vệ các loài thú hoang dã quý hiếm. Những hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên tại Cam Bốt rồi mang về Trung Quốc được hậu thuẫn về mặt chính trị của chính quyền Cam Bốt.

Cạnh đó, bức điện mang số 07PHNOMPENH926 còn tiết lộ rằng: theo cái nhìn của một vị học giả, Cam Bốt trở thành một trong những người bạn thân cận nhất của Trung Quốc trong vùng Đông Nam Á. Và trong số những người bạn thân cận nhất này có một Miến Điện độc tài quân phiệt.

Để chứng minh cho sự gần gũi này, điện mật 07PHNOMPENH926 trưng ra dữ kiện năm 1999, chính quyền Phnom Penh mạnh mẽ lên án sự kiện máy bay của khối NATO đánh bom Tòa đại sứ Trung Quốc tại Belgrad. Năm 2002, Cam Bốt từ chối cấp chiếu khán nhập cảnh cho Đức Đại Lai Lạt Ma, và kiểm soát chặt hoạt động của các thành viên thuộc Giáo phái Pháp Luân Công tại Cam Bốt.""

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.