Vào nội dung chính
THÁI LAN - NHẬT BẢN

Quân đội Thái Lan có liên can đến cái chết của một phóng viên Nhật

Hôm nay 17/09/2011, một cơ quan chính thức của Thái Lan - Cục Điều tra Đặc biệt DSI - khẳng định rằng quân đội Thái Lan có dính líu đến cái chết của một phóng viên quay phim người Nhật khi ông này đang ghi hình các cuộc biểu tình vào năm 2010 ở Bangkok.

Lễ tưởng niệm Hiro Muramoto, phóng viên Nhật bị tử nạn ngày 10/04/2010 tại Bangkok khi đang quay phim cảnh biểu tình.
Lễ tưởng niệm Hiro Muramoto, phóng viên Nhật bị tử nạn ngày 10/04/2010 tại Bangkok khi đang quay phim cảnh biểu tình. Reuters
Quảng cáo

Theo AFP, những lời tuyên bố đầu tiên kể từ khi tân Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra lên cầm quyền trái ngược lại hoàn toàn với các kết luận trước đây của Cục Điều tra Đặc biệt DSI, công bố hồi tháng Hai năm nay.

Ông Tharit Pengdit, Cục trưởng Cục Điều tra Đặc biệt (DSI) cho AFP biết, trong tổng số 90 người thiệt mạng và hơn 1.900 bị thương trong các cuộc biểu tình năm 2010, quân đội có liên can đến 13 trường hợp tử vong. Ông cho biết cụ thể, phóng viên quay phim Hiro Muramoto 43 tuổi thiệt mạng do bị trúng đạn vào ngực ngày 10/04/2010. Hồ sơ vụ việc đã được chuyển sang cho cảnh sát để tiếp tục điều tra.

Riêng trường hợp một nhà báo của hãng Thompson Reuteurs bị tử nạn do trúng đạn AK-47, theo ông Tharit Pengdit, quân đội Thái Lan đã không sử dụng loại đạn này trong ngày xảy ra sự cố.

Về phần mình, hãng Reuteurs cho rằng gia đình ông Muramoto và các đồng nghiệp được quyền biết rõ vì sao thảm kịch lại xảy ra và ai đứng đằng sau vụ việc. Hãng Reuteurs cũng từng nêu ra những « nghịch lý » trong bản điều tra công bố hồi tháng Hai vừa qua.

Vào giai đoạn khủng hoảng năm 2010, tình hình rất là hỗn loạn trên đường phố Bangkok, với sự hiện diện của cảnh sát, quân đội và những người mặc trang phục đen, che kín mặt và có trang bị vũ khí, khiến cho chính quyền và người biểu tình đều quy cho là thuộc phe đối thủ.

Khi bản kết luận điều tra được công bố hồi tháng Hai năm nay, tờ nhật báo Bangkok Post đã làm dấy lên các tin đồn cho rằng quân đội đã gây áp lực lên DSI nhằm bảo vệ các quân nhân của mình. Cả hai bên đã lên tiếng phủ nhận các tin đồn này.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.