Vào nội dung chính
SINGAPORE - TỰ DO - NHÂN QUYỀN

Singapore: Giới bảo vệ nhân quyền và đối lập đòi giảm nhẹ chính sách hạn chế tự do

Việc Malaysia sẽ bãi bỏ đạo luật về an ninh nội chính, bị cáo buộc là bóp nghẹt tự do và dân chủ, đã tạo áp lực mạnh đối với chính quyền Singapore. Giới bảo vệ nhân quyền và phe đối lập đòi chính phủ Singapore hủy bỏ các luật lệ nghiêm ngặt về an ninh, giảm bớt các quy định khó khăn về truyền thông và biểu tình.

"Khu tự do phát biểu" tại Singapore
"Khu tự do phát biểu" tại Singapore
Quảng cáo

Ngày 15/09/2011 vừa qua, thủ tướng Malaysia đã bất ngờ tuyên bố sẽ bãi bỏ đạo luật về an ninh nội chính hiện hành tại nước này, bị cáo buộc là bóp nghẹt tự do và dân chủ. Sự kiện đó lập tức tác động đến Singapore, nước láng giềng của Malysia, cũng theo một thể chế độc đoán tương tự. Trong những ngày qua, nhiều tiếng nói đã vang lên yêu cầu chính quyền của thủ tướng Lý Hiển Long hủy bỏ các luật lệ nghiêm ngặt về an ninh, đồng thời giảm nhẹ các quy định khó khăn về truyền thông và biểu tình.

Đối với giới bảo vệ nhân quyền và các nhóm đối lập chính trị tại Singapore, chính quyền nước này cần phải thức thời và bãi bỏ Đạo luật An ninh Nội chính ISA hiện hành, cho phép giam giữ bất kỳ ai mà không cần xét xử. Theo những người phản đối, đó đơn thuần là một công cụ để khống chế giới bất đồng chính kiến.

Áp lực cũng gia tăng trên chính quyền Singapore, đòi nước này phải bãi bỏ các quy định chặt chẽ về truyền thông báo chí và biểu tình, bị chỉ trích là đã hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân. Theo luật lệ hiện hành ở Singapore, mọi cuộc biểu tình bên ngoài một « khu vực tự do phát biểu » được quy định, đều bị cấm nếu không có giấy phép của cảnh sát. Ngay cả bên trong khu tự do phát biểu, các diễn giả cũng phải đăng ký trước với nhà chức trách.

Theo ghi nhận của AFP, trong thời gian qua, dựa theo Đạo luật An ninh Nội chính, chính quyền Singapore đã có thể cầm tù một số người trong một thời hạn rất dài mà không cần truy tố những người này ra trước tòa. Ví dụ điển hình là trường hợp của ông Chia Thye Poh, một dân biểu thuộc đảng Xã hội Singapore, đã bị giam trong 23 năm, từ 1966 đến 1989, sau đó còn bị thêm 9 năm quản thúc tại gia.

Trước sức ép của công luận, chính quyền Singapore vẫn tỏ thái độ cứng rắn, khẳng định rằng đạo luật ISA, khởi thủy được dùng để chống lại phe cánh tả trong quá khứ và các thành phần Hồi giáo cực đoan trong những năm gần đây, vẫn còn hữu ích. Bên cạnh đó, các quy định nhắm vào giới truyền thông rất cần thiết để bảo vệ tình đoàn kết xã hội.

Trong một tuyên bố ngày 16/09, bộ Nội vụ Singapore cho biết là Đạo luật An ninh Nội chính ISA rất "ít" khi được sử dụng, và chỉ nhằm mục đích chống lại các "mối đe dọa lật đổ, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chủng tộc... các hoạt động gián điệp và khủng bố". Đạo luật này không hề được dùng để tấn công giới bất đồng chính kiến.

Theo bộ Nội vụ Singapore, « chưa từng có ai bị giam giữ tại Singapore chỉ vì chính kiến của mình ». Tuyên bố này được đưa ra để phản bác cáo buộc cho rằng ISA đã được sử dụng trong quá khứ để giam giữ những đối thủ của chính phủ và đe dọa dân chúng.

Xin nói thêm là Đạo luật An ninh Nội chính đã được soạn thảo vào những năm 1960, thời hai nước Singapore và Malaysia còn thuộc một vùng duy nhất mang tên là Malaya do Anh Quốc cai trị. Luật này nhằm chống lại lực lượng nổi dậy cộng sản. Sau đó, thì hai nước được độc lập, đến năm 1965 Singapore đã tách ra khỏi liên bang Malaysia để thành lập một quốc gia riêng biệt. Thế nhưng cả hai nước đều duy trì đạo luật về an ninh.

Theo giới quan sát, sau khi Malaysia quyết định xem xét lại luật ISA, chính quyền Singapore khó có thể duy trì đạo luật khe khắt này một cách dài lâu, nhất là sau khi kết quả hai cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng Năm, và tổng thống vào tháng Tám, đã cho thấy là người dân Singapore, đặc biệt là giới trẻ, muốn tự do chính trị nhiều hơn.

Trong cả hai cuộc bầu cử kể trên, Đảng Nhân dân Hành động đang cầm quyền dù vẫn chiến thắng, nhưng đã phải hứng chịu những kết quả tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.