Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Quân đội và cựu quân nhân hiện diện đông đảo trong Quốc hội Miến Điện

Nếu Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất tại Miến Điện thì có thể nói, đất nước này vẫn do quân đội lãnh đạo, cho dù đã có một chính phủ dân sự. Ở Hạ viện, trong số 440 ghế, đã có 110 đại biểu là quân đội và tại Thượng viện, phe quân đội chiếm 56 ghế trong tổng số 224 đại biểu. Ở cả hai viện, 80% số ghế còn lại là đại biểu của đảng USDP, tức các cựu quân nhân.

Tướng Than Shwe trong kỳ bầu cử ngày 07/11/2010.
Tướng Than Shwe trong kỳ bầu cử ngày 07/11/2010. REUTERS/Myanmar News Agency
Quảng cáo

Sau gần nửa thế kỷ cầm quyền, giới tướng lãnh Miến Điện đã cho tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 11 năm 2010, với các quy định do chính họ lập ra, theo đó, tại Thượng viện – Amyotha Hluttaw cũng như ở Hạ viện – Pyithu Hluttaw, quân đội đương nhiên có một phần tư số đại biểu. Để phục vụ tranh cử, 5 tháng trước khi có cuộc bỏ phiếu, vào tháng 6 năm 2010, nhiều tướng lãnh Miến Điện đã trút bỏ quân phục, khoác áo dân sự, vội vã thành lập đảng Đoàn kết và Phát triển Liên hiệp – USDP.

Kết quả là ở Hạ viện – Quốc hội, trong số 440 ghế, đã có 110 đại biểu là quân đội và tại Thượng viện, phe quân đội chiếm 56 ghế trong tổng số 224 đại biểu. Ở cả hai viện, 80% số ghế còn lại là đại biểu của đảng USDP, tức các cựu quân nhân.

Chính Tổng thư ký đảng USDP, ông Htay Oo, thừa nhận, là không có đối lập trong nghị viện cũng như ở ngoài xã hội.

Nhìn bề ngoài, Quốc hội mới tại Miến Điện hoạt động một cách bình thường như nghị viện tại các nước : Các cuộc thảo luận kéo dài hàng giờ, về mọi chủ đề, từ y tế công cộng đến dự án khai thác năng lượng của Trung Quốc. Thậm chí, vừa qua, các dân biểu còn thông qua một kiến nghị tổng ân xá.

Thế nhưng, chính phủ vẫn không trả tự do cho 2.000 tù chính trị. Phương Tây và phe đối lập lưu vong coi việc thả tù chính trị là bằng chứng về sự thực tâm cải cách, dân chủ hóa đất nước của chính phủ « dân sự ».

Thực ra, hoạt động của nghị viện tại Miến Điện là một hiện tượng mới, bởi vì cho đến tháng Ba năm nay, tướng Than Shwe, 78 tuổi, cùng với bộ máy quân sự, vẫn độc quyền lãnh đạo Miến Điện.

Tháng Giêng năm nay, tân nghị viện Miến Điện được triệu tập. Sau đó, bộ máy quân sự lãnh đạo tự giải tán và tướng Thein Sein, vừa mới « giải ngũ », được bầu làm Tổng thống.

Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi không có đại diện trong nghị viện. Giải Nobel Hòa bình cùng với đảng của bà đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu bởi vì giới tướng lãnh cầm quyền đã không thừa nhận kết quả cuộc bầu cử năm 1990 với thắng lợi của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, hơn nữa luật lệ bầu cử do giới tướng lãnh soạn thảo, không công bằng.

Trong bài trả lời phỏng vấn AFP, bà Aung San Suu Kyi cho rằng quyết định tẩy chay bầu cử là đúng và tại Quốc hội, một số dân biểu đã đệ trình các kiến nghị, đọc diễn văn, nhưng chưa có gì được đưa ra làm thay đổi bất kỳ điều gì trong đời sống của người dân.

Trong phe đối lập cũ, một số nhân vật không tán đồng với chiến lược của bà Aung San Suu Kyi. Họ tách ra khỏi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, để thành lập một chính đảng mới, mang tên Lực lượng dân chủ quốc gia – NDF. Đảng này có 12 ghế tại Hạ viện và 4 đại biểu tại Thượng viện.

Ông Khin Maung Swe, lãnh đạo NDF, nhận định : « Chúng tôi đang giữa giai đoạn quá độ. Chúng tôi không thể hy vọng có được một nền dân chủ đầy đủ. Dù muốn hay không, nên chấp nhận kiểu nghị viện này ».

Nếu như trong Quốc hội, sự hiện diện đông đảo của các đại biểu quân đội và đồng minh của họ tạo ít hy vọng về sự đổi thay thì ở bên ngoài, dường như lại có những dấu hiệu phôi thai của tiến trình cải cách. Sau nhiều năm trời bị quản thúc tại gia, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi được trả tự do. Bà đã đi vận động chính trị ở các địa phương, ngoài thành phố Rangoon mà không bị ngăn cản. Trong thời gian qua, bà đã có nhiều cuộc gặp với các lãnh đạo cao cấp Miến Điện, kể cả với Tổng thống Thein Sein. Đại diện giới ngoại giao phương Tây, đặc sứ của Liên Hiệp Quốc và của Mỹ đều được chính quyền cho phép gặp bà.

Theo ông Ko Ko Hlaing, cố vấn chính trị của Tổng thống Thein Sein thì « Có những khuôn mặt cũ kỹ trên chính trường nhưng mọi việc đang thay đổi. Chính phủ trước là một chế độ quân sự. Hệ thống lãnh đạo theo chiều dọc, quyền lực rất tập trung… Giờ đây, trong một chừng mực nào đó, chúng tôi có một hệ thống dân chủ đang vận hành ».

Một nhà ngoại giao nước ngoài tại Miến Điện thừa nhận với AFP là tân chính quyền « có không ít cử chỉ đáng khích lệ ». Đương nhiên, trong quá khứ, đã nhiều lần chính quyền có những dấu hiệu xích lại gần phe đối lập, nhưng mọi việc lại không xẩy ra. Do vậy, giờ đây, mọi người đều tỏ ra lạc quan một cách thận trọng.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.