Vào nội dung chính
QUÂN SỰ - TRUNG QUỐC

Hải quân đóng vai trò trọng tâm trong việc thực hiện các tham vọng quốc tế của Trung Quốc

Hải quân Trung Quốc có vai trò chủ chốt trong quyết tâm của Bắc Kinh muốn trở thành một trong những siêu cường quân sự trên thế giới. Hoa Kỳ và Nhật Bản cho rằng việc Trung Quốc ngày càng có thái độ quyết đoán tại các vùng biển cùng với việc chạy thử chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên vào tháng trước, có thể gây ra những tác động to lớn, làm thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực.

Hàng không mẫu hạm Varyag do Trung Quốc mua lại từ Ukraina (Reuters)
Hàng không mẫu hạm Varyag do Trung Quốc mua lại từ Ukraina (Reuters)
Quảng cáo

Trong chuyến công du Trung Quốc từ 17 đến 25/09/2011, các phóng viên thuộc Hiệp hội các nhà báo Quốc phòng Pháp (AJD) đã được quân đội Trung Quốc mời tới tham quan căn cứ Trữ Ba, ở An Khánh, phía nam Thượng Hải. Chỉ huy căn cứ hải quân Trữ Ba nói, « Là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc cần phải có trách nhiệm nhiều hơn đối với các công việc trên thế giới » và « Trung Quốc có khoảng 18 ngàn km bờ biển và hơn 3 triệu km vuông biển. Do đó, xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh để bảo vệ tổ quốc và các lợi ích quốc gia là rất quan trọng ».

Trong số các thách thức chiến lược về hải quân, đương nhiên là có vấn đề Đài Loan, được coi là « lợi ích cối lõi », hòn đá tảng trong chiến lược quân sự của Trung Quốc. Mặt khác, để hỗ trợ cho sự phát triển về kinh tế, Bắc Kinh còn phải bảo đảm an ninh cho các tuyến hàng hải cung ứng nguyên nhiên liệu, từ phía nam Sri Lanka đến eo biển Malacca và ngược lên phía bắc qua vùng Biển Đông.

Một chuyên gia quân sự, được AFP trích dẫn, nhận định là đối với Trung Quốc, việc phát triển hải quân còn là vấn đề uy tín của một cường quốc trước sức mạnh hải quân của Nhật Bản và sự hiện diện của hải quân Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương. Do vậy, Bắc Kinh muốn biến Biển Đông thành sân sau, một cứ địa, khu vực ảnh hưởng riêng của mình.

Ngay từ năm 2007, theo yêu cầu của chủ tịch Hồ Cẩm Đào, hải quân Trung Quốc có đại diện thường trực trong Quân Ủy Trung ương và trong thời gian qua, hải quân Trung Quốc mở rộng tầm hoạt động, ví dụ điều tàu chiến tham gia chống hải tặc Somalia ở Ấn Độ Dương.

Tháng trước, trong báo cáo thường niên gửi Quốc hội, bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cảnh báo là bộ máy quân sự của Trung Quốc tập trung vào việc gia tăng sức mạnh hải quân và Bắc Kinh đã đầu tư nhiều vào những vũ khí, khí tài công nghệ cao cho phép hải quân mở rộng tầm hoạt động tại Thái Bình Dương và cả bên ngoài vùng này. Cụ thể là Bắc Kinh đã nỗ lực chế tạo tên lửa đối hạm, có thể tấn công hàng không mẫu hạm, cải tiến hệ thống radar, phát triển hạm đội tàu ngầm nguyên tử và tàu chiến, đạt được những tiến bộ về trong lĩnh vực công nghệ vệ tinh và chiến tranh tin học.

Việc Trung Quốc thông báo chạy thử chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên được coi như một tín hiệu thể hiện tham vọng của Bắc Kinh. Được hỏi về hàng không mẫu hạm này, các nhà quân sự Trung Quốc chỉ nói một cách chung chung, như con tàu này có thể giúp hỗ trợ cứu nạn trong trường hợp có thiên tai ở Trung Quốc hoặc các nước láng giềng, giống như Hoa Kỳ đã làm khi xẩy ra thiên tai ở Nhật Bản. Hoặc, các nước lớn đều có hàng không mẫu hạm, kể cả Ấn Độ. Đó là một sự lựa chọn hợp lý và chương trình đóng hàng không mẫu hạm không nhằm chống lại quốc gia nào…

Cho dù hải quân Trung Quốc đã chuyển đổi nhanh chóng, từ « hải quân ven bờ » phát triển hướng tới « hải quân biển khơi », giới chuyên gia quân sự lại đánh giá rằng trước mắt và trong trung hạn, chưa có gì đáng phải lo ngại cả. Dường như chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc chỉ có thể được dùng để huấn luyện. Hàng không mẫu hạm sẽ giúp tăng cường hỏa lực, nếu trên tàu có lực lượng không quân. Trong khi đó, Trung Quốc phải mất nhiều năm trời mới có thể phát triển được lực lượng này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.