Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - MỸ - TÂY TẠNG

Tây Tạng: Bắc Kinh phản đối Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc

Hôm nay (28/09), phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã tuyên bố, Bắc Kinh không chấp nhận việc lợi dụng vấn đề Tây Tạng để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Tuyên bố này được đưa ra sau khi bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hôm qua, đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền của người Tây Tạng.

Các nhà sư Tây Tạng trong một tu viện ở Lhassa
Các nhà sư Tây Tạng trong một tu viện ở Lhassa Reuters
Quảng cáo

Ông Hồng Lỗi nói: “Chúng tôi phản đối tất cả quốc gia nào hay những người nào sử dụng các vấn đề có liên quan đến Tây Tạng để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, phá hoại ổn định xã hội và sự hòa hợp chủng tộc…Chính quyền Trung Quốc luôn bảo vệ các quyền hợp pháp và lợi ích của các dân tộc thiểu số”.

Hôm qua, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra tuyên bố bày tỏ “hết sức quan ngại” sau vụ hai nhà sư Tây Tạng tự thiêu ngày 26/09 tại tu viện Kirti, tỉnh Tứ Xuyên. Thông báo này yêu cầu Trung Quốc cho phép các nhà báo và các nhà ngoại giao quan sát tình hình tại Tứ Xuyên, nơi cư dân người Tây Tạng vẫn tố cáo Bắc Kinh đàn áp họ.

Bản thông báo của bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Trước những lời ta thán liên tục của người dân Tây Tạng tại Trung Quốc, một lần nữa chúng tôi đòi hỏi những người có trách nhiệm ở Bắc Kinh cần tôn trọng các quyền của người Tây Tạng”.

Washington cũng yêu cầu Bắc Kinh “từ bỏ các chính sách gây ra căng thẳng tại khu vực Tây Tạng; bảo vệ đặc thù tín ngưỡng, văn hóa và ngôn ngữ độc đáo của người Tây Tạng”.

Ngày 26/09, hai nhà sư trẻ đã châm lửa tự thiêu tại tu viện Kirti, và theo Tân Hoa Xã thì công an đã cấp cứu họ. Tổ chức phi chính phủ Free Tibet có trụ sở tại Luân Đôn cho biết, hai nhà sư này đã hô to “Đức Đạt Lai Lạt Ma vạn tuế” trước khi tự thiêu.

Hãng tin AFP nói thêm, một trong hai nhà sư này có thể là em ruột của Phuntsog, một nhà sư trẻ đã tự thiêu phản kháng hôm 16/03 cũng tại tu viện Kirti, dẫn đến cuộc nổi loạn quy mô tại đây. Theo tổ chức nhân quyền The International Campaign for Tibet, thì các nhà sư ở tu viện trên thường xuyên bị tra tấn.

Nhiều người dân Tây Tạng phẫn nộ vì bị đàn áp tôn giáo, văn hóa truyền thống bị xói mòn, cũng như sự thống trị của người Hán. Tuy vậy Bắc Kinh nói rằng mức sống của người Tây Tạng đã được nâng lên nhờ chính quyền Trung Quốc đầu tư hàng tỉ đô la vào đây. Khẳng định rằng đã “giải phóng Tây Tạng một cách hòa bình” vào năm 1951, Bắc Kinh hiện kiểm soát rất chặt chẽ vùng tự trị này và các tỉnh lân cận kể từ sau vụ nổi loạn năm 2008.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.