Vào nội dung chính
AFGHANISTAN

Afghanistan vẫn chưa có hòa bình 10 năm sau ngày lật đổ chế độ Taliban

Ngày 7/10/2001 Hoa Kỳ và các đồng minh mở màn cuộc tấn công quân sự  của vào  Afganistan lật đổ chế độ Hồi giáo cực đoan Taliban. Sau 10 năm chiếm đóng Afghanistan và tốn kém hàng trăm tỷ đô la, Hoa Kỳ và liên quân quốc tế vẫn không thể triệt tận gốc lực lượng nổi dậy Taliban.

Pháo binh Mỹ  tấn công một căn cứ của quân Taliban tại tỉnh Kuanar (phía tây Afghanistan) hôm 28/9/2011
Pháo binh Mỹ tấn công một căn cứ của quân Taliban tại tỉnh Kuanar (phía tây Afghanistan) hôm 28/9/2011 REUTERS/Erik De Castro
Quảng cáo

Ngày 07/10/2001, gần một tháng sau loạt khủng bố nhắm vào Hoa Kỳ làm hàng ngàn người thiệt mạng, chính quyền George Bush cùng với đồng minh Anh Quốc phát động chiến tranh, tấn công vào Afghanistan, lật đổ chế độ Hồi giáo cực đoan Taliban và truy lùng các phần tử khủng bố của mạng lưới Al Qaida đang lẩn trốn tại đó.

Sau 10 năm chiếm đóng Afghanistan và tốn kém hàng trăm tỷ đô la, Hoa Kỳ và liên quân quốc tế vẫn không thể triệt tận gốc lực lượng nổi dậy Taliban. Các nhà phân tích đều có cùng một nhận định, với việc quân đội Mỹ và Liên minh Bắc Đại Tây Dương - NATO, từ nay đến 2014, triệt thoái toàn bộ khỏi Afghanistan, triển vọng hòa bình tại nước này trở nên xa vời, trong bối cảnh quân Taliban đẩy mạnh chiến tranh du kích và từ chối đàm phán với chính quyền Kabul.

Chán ngán về một chế độ cực đoan, thô bạo, nền kinh tế kiệt quệ, nghèo khổ và đất nước bị cô lập, người dân Afghanistan đã hân hoan phấn khởi trước sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Taliban. Mười năm sau, cho dù một phần thủ đô Kabul đã có những tòa nhà cao tầng hiện đại, đại đa số người dân Afghanistan lại coi 140 000 binh sĩ của NATO dưới chỉ huy của Hoa Kỳ là quân xâm lược, lực lượng chiếm đóng, không thực hiện những lời hứa mang lại hòa bình và phồn vinh cho nước này.

Tuần trăng mật trong những năm đầu giữa tổng thống Hamid Karzai và các đồng minh phương Tây cũng đã biến đổi thành mối quan hệ căng thẳng và nghi kỵ. Ông Karzai tố cáo là nhiều dân thường Afghanistan đã bị thiệt mạng trong các chiến dịch quân sự của NATO, trong khi đó, phương Tây chỉ trích nạn tham nhũng và bất lực của chính phủ Kabul.

Theo nhiều chuyên gia, được AFP trích dẫn, thì liên quân quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ đã phạm sai lầm chủ quan, quá tự tin, sau khi giành được thắng lợi một cách dễ dàng trên chiến trường Afghanistan trong giai đoạn hậu 2001.

Kể từ năm 2005, tàn quân Taliban bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ, lôi kéo chính quyền Kabul và đồng minh phương Tây vào một cuộc xung đột đẫm máu mới, giống như trong chiến tranh chống quân đội Liên Xô vào những năm 1980 và cuộc nội chiến kéo dài cho đến khi quân Taliban lên cầm quyền, vào năm 1996.

Mặc dù Afghanistan đã có một số thay đổi đáng kể trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc y tế và phát triển kinh doanh, buôn bán tại những thành phố lớn, nhưng chính quyền của tổng thống Karzai hầu như chỉ kiểm soát được thủ đo Kabul, phần còn lại của đất nước nằm trong tay các thủ lãnh quân sự địa phương hoặc quân nổi dậy Taliban.

Việc quản lý tồi tệ hàng trăm tỷ đô la viện trợ của phương Tây (riêng Mỹ đã chi 444 tỷ đô la), tệ nạn tham nhũng trầm trọng, đã càng làm nổi bật sự yếu kém, bất lực của Nhà nước Afghanistan hiện nay.

Tháng Bẩy vừa qua, Tổ chức Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group) nhận định, « sau một thập niên viện trợ ồ ạt, cộng đồng quốc tế đã thất bại trong việc xây dựng Afghanistan thành một nước ổn định về chính trị và có thể đứng vững được về kinh tế ».

Từ năm 2007, các vụ bạo lực, xung đột quân sự gia tăng tại Afghanistan, mỗi năm, số binh sĩ nước ngoài tử vong lại càng cao. Theo Liên Hiệp Quốc, trong 8 tháng đầu năm 2011, các vụ bạo động đã tăng 40% so với cùng thời kỳ này năm ngoái. Đa số người dân các phương Tây không muốn chính phủ của họ sa lầy vào một cuộc chiến « hao người tốn của ».

Tháng Bẩy năm nay, Hoa Kỳ và NATO đã bắt đầu thực hiện lịch trình từng bước rút lực lượng chiến đấu ra khỏi Afghanistan và đến năm 2014, thì Afghanistan tự đảm trách an ninh quốc gia. Theo giới ngoại giao và chuyên gia nước ngoài, đó là một sự đánh cược đầy rủi ro bởi vì quân đội Afghanistan còn yếu kém, binh sĩ không có quyết tâm, tham nhũng, đào ngũ, thậm chí đồng lõa với quân Taliban.

Trong thời gian qua, Washington kêu gọi một số phần tử Taliban « ôn hòa » đàm phán hòa bình với chính quyền Kabul. Nhưng quân nổi dậy đang ở thế mạnh, trước mắt, không thấy có nhu cầu đàm phán với chính phủ của ông Karzai. Bằng chứng là vụ ám sát cựu tổng thống Afghanistan Burhanuddin Rabbani, người chịu trách nhiệm đàm phán với quân Taliban.

Nhà phân tích Shashank Joshi, thuộc Học viện Anh Royal United Services nhận định, « Khả năng có một cuộc nội chiến trong tương lai (sau năm 2014) đã tăng trong những năm vừa qua » và việc ám sát ông Rabbani cho thấy nguy cơ này càng cao.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.