Vào nội dung chính
KINH TẾ TOÀN CẦU

IMF cảnh báo tăng trưởng châu Á có thể bị giảm do khủng hoảng tài chính châu Âu

Tăng trưởng giảm, giới đầu tư rút vốn ra khỏi khu vực, lạm phát cao, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, đó là những thách thức mà khu vực châu Á phải đối mặt trong bối cảnh châu Âu bị khủng hoảng tài chính công và kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng chậm.

Bà Christine Lagarde, tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế
Bà Christine Lagarde, tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế REUTERS/Philippe Wojazer
Quảng cáo

Trong báo cáo Tổng quan về kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, được công bố hôm nay, 13/10/2011, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á, xuống còn 6,3% trong năm nay, 2011 và 6,7% vào năm tới, 2012 thay vì 6,8% và 6,9% như dự báo hồi tháng Tư. Năm ngoái, tăng trưởng trong toàn khu vực lên tới 8,3%.

Theo giải thích của IMF, « các nền kinh tế trong vùng châu Á – Thái Bình Dương có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhưng các rủi ro xuất phát từ sự suy yếu của kinh tế thế giới đã gia tăng đáng kể ». Việc hạ mức dự báo tăng trưởng là do xuất khẩu của các nước trong khu vực sang các nền kinh tế phát triển có thể bị suy giảm. Cụ thể hơn, nhu cầu tại các nước giầu bị giảm và những rối loạn trong dây chuyền cung ứng sau trận động đất và sóng thần 11/03 tại Nhật Bản đã làm cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của châu Á bị giảm theo.

Trong bối cảnh đó, IMF cảnh báo là, những rối loạn tài chính xẩy ra liên tiếp tại châu Âu, do vấn đề nợ công, cũng như việc kinh tế Mỹ bị đình đốn, trong ngắn hạn, có thể gây ra những hậu quả tiêu cực về tài chính và trên phạm vi vĩ mô kinh tế ở châu Á.

Các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nêu lên nguy cơ các nhà đầu tư rút vốn ồ ạt ra khỏi châu Á, làm dấy lên làn sóng nghi ngờ, thiếu tin tưởng và tình trạng này lây lan sang thị trường cổ phiếu và công trái. Đồng thời, IMF nhấn mạnh là nguồn tín dụng cũng có thể bị khô cạn, nếu như các ngân hàng châu Âu và Mỹ do bị thua lỗ quá lớn trên thị trường nội địa, quyết định cắt giảm các khoản cho vay đối với khu vực châu Á.

Nói một cách khác, IMF nhận định rằng nền kinh tế châu Á vẫn còn phụ thuộc, chưa thể tách rời các nền kinh tế phát triển. Do vậy, châu Á cần có nội lực để có thể tự bươn trải trong một môi trường thế giới bất ổn.

Nhìn vào kinh tế các nước châu Á, IMF nhận định là giới lãnh đạo các nước trong khu vực đang phải xử lý một vấn đề « nhậy cảm » : Đó là duy trì tăng trưởng và làm chủ được lạm phát. Nhiều nước trong vùng đang tiếp tục chống lạm phát qua việc nâng lãi suất và áp dụng tỷ giá hối đoái mềm dẻo hơn.

Liên quan đến Việt Nam, IMF nhận định, bước vào năm 2011, nền kinh tế của Việt Nam phải kế thừa các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được đưa ra trước đó nhằm đối phó với khủng hoảng toàn cầu. Việc nới lỏng chính sách quản lý tiền tệ và giảm nhẹ mức thuế khóa kéo dài đã dẫn đến tình trạng đầu tư cực kỳ cao. Sự sói mòn lòng tin của thị trường đối với đồng tiền quốc gia cùng với việc giá cả của nhiều mặt hàng tăng đã gây ra lạm phát. Vào tháng Hai năm nay, chính quyền Việt Nam đã đưa ra một loạt các biện pháp ổn định kinh tế, tập trung vào việc thắt chặt chính sách tiền tệ và hợp lý hóa các dự án đầu tư của Nhà nước, đi kèm với việc phá giá đồng tiền, nới rộng biên độ dao động tỷ giá, điều chỉnh lãi suất… Theo IMF, chiến lược này đã thành công, nhưng hiện đã đi đến giới hạn. Tăng trưởng giảm, lạm phát vẫn tăng cao. Các chuyên gia của IMF cho rằng để vượt qua những bất ổn định về kinh tế vĩ mô, Việt Nam cần tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi nào làm chủ được lạm phát, thiết lập được lòng tin đối với đồng tiền quốc gia, và tái lập nguồn dự trữ ngoại tệ. Đồng thời, cần phải củng cố hệ thống tài chính, cơ cấu lại những ngân hàng nhỏ và tiếp tục giảm các khoản cho vay bằng ngoại tệ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.