Vào nội dung chính
CAM BỐT - MALAYSIA - LAO ĐỘNG

Cam Bốt cấm công dân qua Malaysia làm nghề giúp việc nhà

Trong thời gian qua, giới bảo vệ nhân quyền thường xuyên báo động về thảm trạng của các phụ nữ nước ngoài làm nghề phụ giúp việc nhà ở Malaysia. Sau hàng loạt thông tin về việc nhiều người bị hãm hiếp hay đánh đập dã man, ngày 14/10/2011, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã ra lệnh cấm công dân nước mình sang Malaysia làm nghề gọi nôm na là “con ở” hay “ô sin”.

Niềm vui sau khi Tổ chức Lao động Quốc tế thông qua Công ước về lao động giúp việc gia đình, Geneve, Thụy Sĩ, 16/06/2011
Niềm vui sau khi Tổ chức Lao động Quốc tế thông qua Công ước về lao động giúp việc gia đình, Geneve, Thụy Sĩ, 16/06/2011 ILO
Quảng cáo

Có rất đông phụ nữ nước ngoài làm nghề giúp việc nhà cho các gia đình trung lưu hay giàu có ở Malaysia. Từ năm 2009 đến nay, đã có 50.000 người Cam Bốt trong diện này. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, các vụ lạm dụng và những hoạt động bất hợp pháp trong lãnh vực xuất khẩu lao động đã bị đưa ra ánh sáng, gây ra nhiều cuộc tranh luận tại Cam Bốt, cũng như tại Indonesia, hai nước có đông công dân làm nghề giúp việc nhà ở Malaysia.

Cách nay không lâu, chính quyền Indonesia đã quyết định cấm công dân của mình qua Malaysia làm nghề giúp việc nhà. Giờ đây đến lượt Cam Bốt.

Từ Phnom Penh, thông tín viên Stéphanie Gée cho biết thêm chi tiết :

« Hiện nay chỉ mới là lệnh miệng, nhưng lời nói của ông Hun Sen có giá trị gần như là một sắc lệnh. Khi quyết định ngưng đưa phụ nữ Cam Bốt sang Malaysia làm nghề giúp việc nhà, ông đã đáp lại những lời kêu gọi của xã hội công dân theo hướng này.

Hồi tháng trước, hai phụ nữ giúp việc nhà người Cam Bốt đã bị chết trong nhà chủ ở Malaysia. Mới đây, công an đã cứu được 22 phụ nữ khác ngay ở Phnom Penh, trong đó có các em gái 13 tuổi, bị giam giữ tại một trung tâm giới thiệu việc làm vốn có nhiệm vụ huấn luyện họ trước khi lên đường đi lao động.

Nỗi khổ nhục của họ có thể bắt đầu từ giai đoạn này, đối với các ứng viên được chọn lựa trong số những người dân quê ít học và dễ bị lừa đảo. Các phụ nữ này không được phép liên lạc với gia đình, và nếu tìm cách trốn hay ngưng hợp đồng, thì người thân của họ bị đe dọa phải trả một món nợ lớn. Khi đã đến Malaysia, nhiều người hoàn toàn bị lệ thuộc vào người chủ. Họ bị tịch thu hộ chiếu, phải làm việc suốt cả ngày bất kể giờ giấc, và bị đối xử tàn tệ.

Để chỉnh đốn lại việc kinh doanh béo bở này, những người đấu tranh cho nhân quyền đang chờ đợi chính quyền có một cơ chế thanh tra các trung tâm giới thiệu việc làm. Bên cạnh đó là việc ký kết với Malaysia một thỏa thuận nhằm bảo vệ các phụ nữ lao động xuất khẩu trong diện này ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.