Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÂU ÂU - KINH TẾ

Khủng hoảng đồng euro : Trung Quốc sẽ giúp Châu Âu?

Nhật báo Libération chú ý đến động thái mới đây của Trung Quốc, tỏ ý muốn trợ giúp khu vực đồng euro, thể hiện trong các phát biểu ở hội nghị G20 tại Paris cuối tuần trước (15/10/2011), qua bài viết : « Trung Quốc : không mua công phiếu, nhưng có một cử chỉ ». Liệu Trung Quốc, với két tiền dự trữ ngoại tệ 3.000 tỷ đô la, có muốn và có khả năng giúp Châu Âu thoát khỏi khủng hoảng hay không ?

DR
Quảng cáo

Libération dẫn lại thông tin do nhật báo Anh Sunday Times, cho biết : « trong các tiếp xúc không chính thức tại hội nghị G20, Bắc Kinh cam kết ủng hộ khu vực euro, đổi lại Châu Âu phải thực hiện chính sách khắc khổ ». Có nhiều dấu hiệu cho thấy, các lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng đầu tư hàng chục tỷ đô la vào khu vực euro, với việc mua lại nhiều cơ sở hạ tầng tại các nước đang mắc nợ, đồng thời Bắc Kinh cũng có thể mua lại nhiều công phiếu Châu Âu trong tương lai.

Ông Jean-François Huchet, nhà kinh tế làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại của Pháp ở Hồng Kông, khẳng định : Để ra khỏi khủng hoảng, Châu Âu cần một lượng tiền khổng lồ, mà Bắc Kinh khó lòng tung ra các khoản cho vay lớn như vậy.

Cách đây vài tuần, ở Washington, tại cuộc họp thường niên của IMF, thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết, giải quyết khủng hoảng đồng euro hiện nay là trách nhiệm của các nền kinh tế Châu Âu. Còn chủ tịch của Quỹ đầu tư Trung Quốc China Investment Corporation giải thích, Trung Quốc sẽ chỉ mua lại các công phiếu Châu Âu nào « có mức mạo hiểm chấp nhận được ».

Trên thực tế, theo nhà kinh tế Jean-François Huchet, các đầu tư của Trung Quốc tại Châu Âu là không đáng kể. Kể từ đầu cuộc khủng hoảng đồng euro đến nay, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc cho biết, Trung Quốc nói đã can thiệp vào thị trường trao đổi ngoại tệ để bảo đảm đồng euro không bị rớt giá, nhưng không ai biết được rõ chuyện này, vì Bắc Kinh giữ bí mật các số liệu.

Theo Libération, Liên hiệp Châu Âu là đối tác kinh tế lớn nhất của Trung Quốc. Khoảng từ ¼ đến 1/5 lượng dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh là bằng euro, tương đương khoảng 500 đến 600 tỷ euro. Theo Hội đồng Châu Âu về các Quan hệ đối ngoại (Conseil européen des relations extérieures), Trung Quốc hiện nắm khoảng 13% nợ của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, không chắc là Bắc Kinh sẽ mua thêm euro trong năm nay. Theo ông Huchet, Trung Quốc phải cân nhắc giữa euro và đô la. Việc đồng đô la sụt giá, một mặt sẽ khiến cho lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sụt theo, và mặt khác khiến dự trữ đô la của Trung Quốc mất giá trị.

Libération nhấn mạnh, cho dù Bắc Kinh có muốn giúp Châu Âu đang trong khủng hoảng, bản thân Trung Quốc cũng đang đối diện với vấn đề nợ công trầm trọng trong nước. Đây cũng là một lý do khác khiến Bắc Kinh phải dè dặt.

Theo văn phòng phân tích kinh tế Dragonomics, có trụ sở tại Bắc Kinh, tỷ lệ nợ trên thực tế của Trung Quốc là 89% tổng sản phẩm quốc nội năm 2010, chứ không phải chỉ là 17%. Ngân hàng Standard Chartered Bank cũng đưa ra một con số rất cao : 77%. Lý do của món nợ khổng lồ này là việc các con số chính thức của Trung Quốc không tính đến việc các chính quyền địa phương đã vay những khoản tiền rất lớn và các doanh nghiệp nhà nước đã nhận được nhiều khoản đầu tư trong chương trình chấn hưng kinh tế khổng lồ năm 2008, trị giá khoảng 400 tỷ euro.

Trận mưa tiền này cho phép nền kinh tế Trung Quốc giữ được một tỷ lệ tăng trưởng giả tạo, bất chấp lượng hàng xuất khẩu sụt giảm. Đồng thời khoản tiền khổng lồ này cũng kích thích các dự án xây dựng hạ tầng và thổi bùng lên cơn sốt bất động sản. Mà, bong bóng bất động sản đang có nguy cơ tan vỡ.

Một số nhà phân tích cho rằng, nếu xảy ra, đây sẽ là một cuộc khủng hoảng tài chính theo kiểu Trung Quốc. Chúng ta biết, các khoản tiền vay của các chính quyền địa phương tại Trung Quốc được bảo đảm bằng bất động sản.

Bộ phim hoạt hình Persepolis làm căng thẳng Tunisia trước bầu cử

Le Figaro nhìn sang Tunisia – quốc gia Bắc Phi, nơi mở màn phong trào dân chủ mùa xuân Ả Rập, qua bài “Các căng thẳng do bộ phim Persepolis tạo ra làm Tunis lo ngại”. Tờ báo nhận xét, chỉ còn vài ngày nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Tunisia, sự đối đầu giữa phong trào Hồi giáo cực đoan với những người thế tục khiến giới chính trị mới tại Tunisia ở vào tình trạng khó xử.

Nguyên do của không khí căng thẳng dâng cao là bộ phim hoạt hình đoạt giải thưởng của Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes 2007, với các tưởng tượng về Chúa Trời, qua mắt nhân vật chính, một cô bé 8 tuổi, đã được chiếu tại Tunisia vào đầu tháng này. Theo quan điểm của những người theo chủ trương cực đoan, tại các nước Hồi giáo, không ai có quyền dựng nên một hình ảnh về Chúa Trời hay nhà Tiên tri.

Làn sóng phản đối của một thiểu số Hồi giáo cực đoan mạnh mẽ tới mức, với các đe dọa giết chóc, giám đốc của kênh truyền hình tư nhân Nessma TV, nơi phát bộ phim này, đã phải đứng ra xin lỗi công khai. Tuy nhiên, những lời xin lỗi và thái độ hối hận của giám đốc đài truyền hình không làm dịu cơn giận dữ của những người Hồi giáo cực đoan. Sau buổi lễ, ngày thứ Sáu tuần trước, hàng ngàn người mệnh danh là “những người thừa hành của đấng Tối cao” đã đổ dồn về văn phòng thủ tướng, với những lời kêu gọi hãy trở về với đạo Hồi, thiết lập lại thế chế quyền lực hồi giáo truyền thống Kalifat. Đoàn biểu tình đã đụng độ với cảnh sát. Đến tối hôm đó, nhà riêng của giám đốc hãng truyền hình đã bị tấn công bằng lựu đạn chai.

Ngày hôm qua, Le Figaro cho biết, các cuộc phản biểu tình đã được tổ chức tại thủ đô Tunisia để phản đối phong trào cực đoan kể trên, theo lời kêu gọi của đài Mosaique FM. Những người tham gia biểu tình kêu gọi thái độ khoan dung, bảo vệ các quyền tự do do Cách mạng đem lại.

Sự đối đầu không trực tiếp giữa hai phong trào kể trên, theo Le Figaro, khiến cho giới chính trị mới khó xử, vì họ đang muốn xây dựng một không khí đồng thuận để dẫn dắt thành công cuộc chuyển tiếp sang nền dân chủ. Dẫn lời một số nhân chứng tại chỗ, Le Figaro tóm lại một tinh thần chung : việc kênh truyền hình Nessma TV chiếu bộ phim này là một sáng kiến vụng về, thâm chí nguy hiểm, trong bối cảnh mà ý thức về bản sắc Hồi giáo đang ở trong giai đoạn rất dễ bị kích động.

Cũng về sự kiện này, Libération dẫn nhận xét của một giảng viên về lịch sử đương đại, Alaya Allani, theo đó, lực lượng cực đoan Hồi giáo salafist tại Tunisia gồm khoảng từ 5.000 đến 7.000 thành viên, với hạt nhân chỉ gồm khoảng vài chục người chủ trương Thánh chiến chống Phương Tây. Theo nhận xét của giảng viên này, lực lượng Hồi giáo cực đoan có thể bị các thành phần của chế độ cũ sử dụng, nhằm gây ra các bạo lực trong thời gian trước bầu cử. Các mục tiêu chủ yếu của phong trào cực đoan là các thánh đường và trường học.

Về cuộc bỏ phiếu thành lập Quốc hội Lập hiến bao gồm 217 thành viên vào chủ nhật này, Libération cho biết có 12.000 ứng cử viên đăng ký tham gia

Các nước vùng Ban Tích vẫn còn bị Nga ám ảnh

Hướng về phía Đông, tờ la Croix chú ý đến hồ sơ Ban Tích. Các quốc gia nhỏ xíu, vốn là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước kia, tại vùng Tây Bắc nước Nga, dù đã hội nhập vào Liên hiệp Châu Âu nhiều năm nay, vẫn còn bị Matxcơva ám ảnh.

Việc Nga tăng cường quân đội tại vùng biên giới phía Tây, tình trạng nhà nước pháp quyền, việc bảo vệ quyền tự do báo chí và nhân quyền rất yếu tại Nga, … là những điều mà các nước Ban Tích lo ngại, đặc biệt với việc ông Vladimir Putin sẽ tái cử tổng thống.

Trong số các khó khăn về kinh tế, các nước Ban Tích đang ở trong tình trạng phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Mặc dù mua điện từ các nước Bắc Âu, Ba Lan hay Phần Lan, các nước này vẫn bị phụ thuộc vào Nga về khí đốt, qua tập đoàn Gazprom. Gần đây, có một số diễn biến cho thấy, Liên Hiệp Châu Âu hậu thuẫn cho Lituanie trong xung khắc trên hồ sơ khí đốt với Nga.

Trở thành các quốc gia độc lập với người láng giềng khổng lồ, hiện các nước vùng Ban Tích đang phải đối mặt với một trong các khó khăn mới. La Croix đặc biệt quan tâm tới trường hợp nước Lituanie. Gia nhập Liên hiệp Châu Âu và Khối Nato vào năm 2004, dân số của quốc gia hơn ba triệu dân này đã giảm đi nhanh chóng, tới 10% trong vòng một thập kỷ, với việc hàng trăm nghìn người đi sang nước ngoài làm việc.

Trang nhất các báo Pháp

Báo chí Pháp hôm nay đặc biệt quan tâm đến hiện tượng ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Xã hội Pháp vừa thắng cử trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng này, ngày hôm qua, Chủ nhật 16/10.

« Cánh tả chọn Holland cho năm 2012 » là hàng tựa chính trên trang nhất Le Figaro. Còn Libération đưa lên trang nhất hàng tít như một câu thơ « Tên của hoa hồng (Hoa hồng là biểu tượng của đảng Xã hội Pháp) ». Tờ báo dành 10 trang đặc biệt cho ứng cử viên của đảng Xã hội vừa trúng cử. Về sự kiện này, Les Echos cho biết : « 2012 : François Holland sẽ dẫn dắt đảng Xã hội trong cuộc chiến chống lại Nicolas Sarkozy ». « François Holland, ứng cử viên của đảng Xã hội », la Croix thông báo.

Tờ l’Humanité thì chú ý đến cuộc thảm sát những người Algeria tại Pháp năm 1961, với hàng tựa « Một tội ác quốc gia ». Biến cố này là một vết thương trong quan hệ Algeria và Pháp, được l’Humanité nhắc lại nhân dịp tưởng niệm 50 năm ngày xảy ra biến cố này.

Về thời sự quốc tế, Le Monde hướng về thành phố Syrte (Libya) nơi đã diễn ra các trận đánh ác liệt giữa quân của chính phủ lâm thời và lực lượng thân Kadhafi, với hồ sơ « Tại Syrte, dân thường đang bị kẹt trong chiến tranh ». Không khí tại Tunisia, trước ngày bầu cử vào chủ nhật tuần này cũng là đề tài được nhiều tờ báo quan tâm.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.