Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Đảng cộng sản Trung Quốc chú trọng đến văn hóa để bảo vệ chế độ

Bảo đảm « an ninh văn hóa » và mở rộng quyền lực mềm của Trung Quốc hầu phát huy ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc trên thế giới. Đó là chủ trương của đảng cộng sản Trung Quốc, được đề ra nhân Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa 17.

Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Trung Quốc (DR)
Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Trung Quốc (DR)
Quảng cáo

Sau bốn ngày họp, tại Bắc Kinh, từ ngày 15 đến 18/10/2011, tối qua, Hội nghị đã ra thông báo nhận định là Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức « bảo vệ an ninh văn hóa » và nâng cao « sức mạnh mềm », cũng như việc phát huy ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc trên thế giới. Do vậy, đảng cộng sản Trung Quốc cho rằng cần phải cải thiện « ý thức bản sắc và lòng tin đối với văn hóa Trung Quốc » của người dân.

Tân Hoa xã cho biết là trong hội nghị, tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đọc một bài diễn văn khẳng định lĩnh vực « văn hóa có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước ».

Theo giới quan sát, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mối đe dọa đối với sự tồn tại và vai trò độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc không phải chỉ đến từ lĩnh vực chính trị, kinh tế mà còn từ lĩnh vực văn hóa. Khi nhấn mạnh là Trung Quốc trong thời gian tới sẽ lấy việc xây dựng hệ thống giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội làm định hướng, ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc muốn thể hiện quyết tâm tăng cường kiểm soát các phương tiện truyền thông và internet, ngăn chặn nguy cơ « đi trệch hướng ».

Với hơn nửa tỷ người sử dụng internet và khoảng 200 triệu blogger, chính quyền Bắc Kinh ngày càng lo ngại về sức mạnh và ảnh hưởng của mạng thông tin toàn cầu đối với công luận trong nước. Trong những tuần vừa qua, cơ quan tuyên huấn của đảng cộng sản Trung Quốc đã tìm mọi cách thắt chặt sự kiểm soát đối với mạng xã hội Vi Bác. Để cạnh tranh với các web sites và blog « ngoài luồng », báo chí chính thống của Nhà nước, trong nhiều trường hợp cũng phải nhanh chóng đưa tin, đề cập đến các chủ đề « nhạy cảm », gây khó khăn thêm cho chính quyền trong việc kiểm duyệt.

Ông Willy Lam, chuyên gia về chính trị Trung Quốc, thuộc đại học Trung Quốc Hồng Kông, được AFP trích dẫn, nhận định, « cần phải cải cách thể chế văn hóa để bảo đảm là các phương tiện truyền thông, xuất bản, phim ảnh, Internet, v.v. phục vụ cho mục tiêu của đảng là nâng cao tinh thần yêu nước và dân tộc. Điều này có nghĩa là tăng cường kiểm soát đối với quyền tự do ngôn luận của người dân, đặc biệt là trên Internet ».

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần này cũng khẳng định là Đại hội lần thứ 18 của đảng cộng sản Trung Quốc sẽ được tổ chức vào nửa cuối năm 2012. Mặc dù ngày cụ thể chưa được nêu ra, nhưng các Đại hội toàn quốc thường diễn ra vào mùa thu.

Đại hội Đảng 18 sẽ đánh dấu sự kết thúc 10 năm cầm quyền của tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và ngoại trừ đột biến, ông Tập Cận Bình, hiện là nhân vật số hai trong ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ lên thay.

Sang đến năm 2013, ông Tập Cận Bình sẽ đảm nhận nốt chức chủ tịch nước của ông Hồ Cẩm Đào, đồng thời chính phủ Trung Quốc sẽ có thủ tướng mới : Ông Lý Khắc Cường, phó thủ tướng, sẽ lên thay ông Ôn Gia Bảo.

Theo giới quan sát, việc phân bổ các chức vụ khác trong Đảng và chính phủ hiện vấn là chủ đề đấu đá trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.