Vào nội dung chính
TÂY TẠNG - TRUNG QUỐC

Trung Quốc tố cáo các vụ tự thiêu ở Tây Tạng là khủng bố trá hình

Hôm nay (19/10/2011), chính quyền Bắc Kinh lên án « tập đoàn Đạt Lai Lạt Ma » đã khuyến khích các nhà sư Tây Tạng tự thiêu, cho đây là « bạo lực và khủng bố trá hình ». Một lực lượng an ninh khổng lồ đã được triển khai xung quanh tu viện Kirti ở A Bá, nơi xảy ra hầu hết các vụ tự thiêu.

Cờ Trung Quốc bay trên sân đền chùa Potala ở Lhasa (REUTERS)
Cờ Trung Quốc bay trên sân đền chùa Potala ở Lhasa (REUTERS)
Quảng cáo

Bà Khương Du, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay tuyên bố : « Các hành động ly khai phải trả giá bằng sinh mạng chính là bạo lực và khủng bố trá hình. Các trường hợp tự thiêu đi ngược lại với đạo đức, lương tâm và đáng bị lên án ». Bà cũng kết tội Đức Đạt Lai Lạt Ma và các nhà ly khai Tây Tạng là đã « Ca ngợi việc này để cổ vũ cho nhiều người khác làm theo ». 

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay từ Dharamsala, miền bắc Ấn Độ, đã lên tiếng vinh danh lòng can đảm của các nhà sư đã tự thiêu. Ông tuyên bố tổ chức một ngày cầu nguyện nhằm « Bày tỏ sự ủng hộ đối với những người Tây Tạng đã hy sinh mạng sống để đấu tranh cho Tổ quốc, đặc biệt là đối với những người tự thiêu, gia đình của họ, cũng như những người Tây Tạng đang bị áp bức ». 

Kể từ tháng Ba đến nay, đã có tám nhà sư và một ni cô đã tự thiêu, hầu hết tại huyện A Bá thuộc Tứ Xuyên, nơi đa số dân cư là người Tây Tạng. Sau vụ mới nhất, ni cô tự thiêu đã qua đời hôm thứ Hai, hai phóng viên hãng thông tấn Pháp AFP đã đến được khu vực tu viện Kirti đang được canh giữ nghiêm ngặt, nhưng đã bị công an tịch thu máy ảnh và xóa hết tất cả các tấm ảnh đã chụp được.

Theo ghi nhận của AFP, một lực lượng an ninh hết sức hùng hậu đã được triển khai trước tu viện Kirti. Cảnh sát chống bạo động trang bị súng liên thanh và thanh sắt canh giữ tu viện, không cho phóng viên ngoại quốc đến gần. Những toán lính mặc đồ rằn ri, vác theo các khẩu súng tự động, các thanh sắt mài nhọn và bình chữa lửa liên tục tuần tra tại tất cả các khu vực của thành phố chỉ có 20.000 dân này. Trên các đường phố, có đông đảo các xe buýt và xe tải của công an đi tuần, cũng như các loại xe chở các đơn vị thiết giáp. Các ngả tư thường bị phong tỏa, người dân thường xuyên bị kiểm tra giấy tờ. 

Người đứng đầu tu viện Kirti, hiện đang sống lưu vong ở Dharamsala cho biết, tu viện này đã trở thành một « nhà tù vô hình » đối với các nhà sư tại đây. Còn theo tổ chức Free Tibet, thì số tu sĩ ở tu viện Kirti từ 2.500 người nay chỉ còn có 600 người, do nhiều nhà sư đã bị bắt đi “ cải tạo giáo dục lòng yêu nước”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.