Vào nội dung chính
CHÂU Á

Cam Bốt ra lệnh hoãn đưa người lao động sang Malaysia

Hôm thứ Hai 17/10/2011 vừa qua, chính phủ Cam Bốt đã công bố một thông tri của thủ tướng ra lệnh tạm thời hoãn việc xuất khẩu lao động sang Malaysia. Quyết định được coi là bất ngờ này đã được nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền hoan nghênh.

Dân Cam Bốt đi làm mướn ở các nước láng giềng (DR)
Dân Cam Bốt đi làm mướn ở các nước láng giềng (DR)
Quảng cáo

Quyết định này được đưa ra sau khi các tổ chức bảo vệ nhân quyền cho người lao động Cam Bốt liên tục gây sức ép lên chính phủ trong 12 tháng qua. Đây là một quyết định buộc chính quyền Cam Bốt và Malaysia phải chú ý đến vấn đề này, tạo ra cơ hội cải thiện điều kiện sống cho hàng chục nghìn lao động Cam Bốt tại Malaysia. Từ Phnom Penh, thông tín viên Phạm Phan tường trình.

08:21

Thông tín viên Phạm Phan, Phnom Penh

RFI - Chào anh Phạm Phan, xin anh cho biết nội dung lệnh cấm xuất khẩu lao động sang Malaysia của thủ tướng Hunsen, và nguyên nhân của lệnh này ?

Theo nguồn tin của Dân Biểu Son Chhay thuộc đảng đối lập Samraisny cho biết thì vào cuối tuần qua, sau một thời gian dài bị than phiền, cuối cùng Thủ Tướng Hun Sen đã ra lịnh cho Bộ Lao Động chấm dứt đưa người lao động đi qua Malaysia làm việc. Trong lúc lịnh này được thi hành, chính quyền Cam Bốt cũng tiếp tục làm rõ các báo cáo về tình trạng người lao động bị lạm dụng khi đang sống ở Malaysia.

Được biết việc xuất cảng lao động Cam Bốt qua Malaysia nằm trong chương trình trao đổi lao động giữa hai nước. Hiện tại có khoảng 320.000 lao động nước ngoài đang làm việc tại Malaysia, trong đó người Khmer chiếm 15%, và thường là phụ nữ ở các độ tuổi khác nhau hành nghề giúp việc nhà trong các gia đình người Malaysia.

Chính quyền chính thức ra lịnh cấm xuất cảng lao động qua Malaysia, sau khi bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích và đặc biệt sau hai sự kiện, một là có cô gái dưới tuổi vị thành niên bị chết ở bên ngoài căn nhà của người chủ ở bang Penang; Hai là, một phụ nữ khác được cứu nguy khi chủ nhân có hành động gây tổn thương nhân phẩm của bà.

Việc chính quyền không cho phép đưa lao động qua Malaysia sẽ khiến cho quốc gia này thiếu hụt nhân công nhất là trong lĩnh vực giúp việc nhà. Hai năm về trước, Indonesia cũng ra lịnh cấm tương tự, khi nổi lên các vụ lạm dụng, bóc lột, và hành hung người giúp việc nhà.

RFI - Phía Malaysia phản ứng như thế nào ?

Các cơ quan tuyển người giúp việc nhà tại Malaysia tỏ thái độ không hài lòng khi nghe tin chính quyền Cam Bốt ngưng xuất cảng lao động qua nước họ. Một giới chức cao cấp của cơ quan kiếm người giúp việc nhà tại bang Selangor nói rằng lịnh cấm là một tin xấu cho người Malaysia.

Bà cho biết thêm là, cơ quan bà không được báo trước và cũng không được cho biết chính thức về lịnh cấm, sở dĩ bà biết được là theo dõi tin tức trên báo chí và truyền thanh, truyền hình. Bà Irene Lim còn nói, bà rất ngạc nhiên về lịnh cấm vì cơ quan bà luôn tìm giúp cho người Cam Bốt hưởng được các quyền lợi của họ.

Còn Hiệp Hội Người Giúp Việc Nhà Malaysia đã phát đi thông báo nói lịnh cấm của chính quyền Cam Bốt là hành động quá nghiêm khắc. Chủ Tịch Hiệp Hội này là Engku Ahmad Fauzi Engku Muhsein phát biểu rằng đa số các chủ nhân mướn người giúp việc nhà đều quan tâm rất tốt đến người được thuê mướn.

Một chủ nhà ở bang Selangor nói, chính quyền Cam Bốt nên linh động trên vấn đề cấm xuất cảng lao động, bởi vì theo ông, người Malaysia khó giao tiếp với người Cam Bốt do khác nhau về văn hóa, ngôn ngữ và đôi khi người giúp việc lại không làm việc hiệu quả theo sự căn dặn của chủ nhà.

RFI - Còn các tổ chức nhân quyền thì phản ứng ra sao trước quyết định của thủ tướng Cam Bốt ?

Được biết rằng, từ lâu các tổ chức nhân quyền tại Cam Bốt có theo dõi tình trạng người trong nước đi lao động tại xứ người, đặc biệt là ở Malaysia thông qua các đơn khiếu nại hay những câu chuyện do các nhân chứng trở về nước kể lại.

Theo các tổ chức nhân quyền, những phụ nữ đến Malaysia hành nghề giúp việc nhà không được bảo vệ theo luật lao động. Có hàng trăm người giúp việc nhà đã làm đơn khiếu nại về cách đối xử của chủ họ, từ lạm dụng thể xác đến chuyện không trả lương hàng tháng.

Riêng tổ chức nhân quyền tại Malaysia chuyên binh vực cho quyền lợi những công nhân nhập cư đã hoan nghênh lịnh cấm xuất cảng lao động của chính quyền Cam Bốt. Bà Irene Fernandez nói chính quyền Malaysia đã nhắm mắt làm ngơ trước nhiều hành động vi phạm nhân quyền, tuy nhiên, theo bà thì Malaysia vẫn có thể tiếp tục tìm kiếm người phụ giúp việc nhà từ các nước nghèo đói khác.

Trong năm nay, tổ chức nhân quyền của bà Irene Fernandez đã cứu được 41 phụ nữ Cam Bốt. Theo các dữ kiện của tổ chức nhân quyền này trưng ra, thì hơn phân nửa các cô gái này đã bị lạm dụng thân xác, trong đó có 25% cô gái bị chủ nhà cưỡng hiếp và 25% khác thì không được chủ nhà cho ăn uống đầy đủ.

Một tổ chức nhân quyền khác của Malaysia là Tổ Chức Giúp Đỡ Phụ Nữ nói lịnh cấm là một bước tiến bộ của chính quyền Cam Bốt để bảo vệ công dân họ và là hành động làm thức tỉnh người Malaysia. Theo tổ chức nhân quyền này, câu hỏi được nêu lên là tại sao vấn đề này lại xảy ra. Bà Ivy Josiah, Giám Đốc Tổ Chức Giúp Đỡ Phụ Nữ nói rằng Malaysia nên có những bản hợp đồng tiêu chuẩn cho mọi công nhân nhập cư, như giờ làm tối thiểu, lương tối thiểu và không nên phân biệt về tình trạng giàu nghèo của mỗi nước có công nhân đến Malaysia làm thuê sinh sống.

RFI - Tình trạng của người lao động Cam Bốt ở nước ngoài hiện nay là như thế nào ?

Từ nhiều năm nay, sau khi có không ít người trong giới phụ nữ Cam Bốt tạm thời thoát khỏi cảnh bị ngược đãi trong các nhà chứa đen tối, thì lại nảy sinh vấn nạn có một số phụ nữ trẻ đi làm công ở nước ngoài bị bóc lột thân xác.

Đi lao động ở xứ người là một phong trào nở rộ tại xứ Chùa Tháp. Sự kiện này lôi kéo theo dịch vụ tuyển người đi lao động và huấn luyện lao động. Các tổ chức môi giới này có khi do người Khmer quản lý, có khi do người nước ngoài. Do vì đôi khi Bộ Lao Động không kiểm soát hết nên đã xảy ra tình trạng lường gạt tiền bạc tại những tổ chức môi giới. Tuy có nhiều mặt trái trong dịch vụ tuyển người hay khi đã đến xứ người làm công, nhưng cũng không ngăn cản được mong muốn của nhiều người trẻ đi ra ngoài kiếm sống chỉ vì muốn thoát khỏi cảnh nghèo hay vì muốn có cơ hội giúp gia đình bớt đi túng thiếu trong cuộc sống.

Trước đây, có nhiều thanh niên đi qua Thái hành nghề đánh cá cho tàu Thái. Họ bị cắt tiền lương, bị chủ đối xử bất công, có người bị giam nhiều tháng trên tàu như nô lệ để làm việc cho chủ. Tình trạng phụ nữ đi làm công tại Singapour cũng không khá gì hơn, có phụ nữ cũng bị lạm dụng, bị bóc lột. Muốn đi tìm tương lai tốt đẹp, ai dè lại rơi xuống địa ngục.

Một cách tổng quát người dân xứ Chùa Tháp nghèo nàn nên thường bị đối xử phân biệt khi đi làm mướn ở các nước láng giềng. Để tránh được điều này, các quốc gia liên quan phải hình thành được các điều luật lao động để bảo vệ người làm công. Và may mắn thay, nhờ hoạt động của nhiều tổ chức nhân quyền nên thân phận phụ nữ nghèo không bị lãng quên trong cảnh đời bất hạnh, ô nhục.

RFI - Lệnh ngưng xuất khẩu lao động này có ảnh hưởng đến tình trạng việc làm tại Cam Bốt không, và kéo dài đến khi nào ? 

Như anh cũng đã được biết, tại Cam Bốt có tình trạng thất nghiệp nhiều, thị trường lao động Cam Bốt tập trung ở nông thôn, người ở nông thôn muốn ra các thành thị trong nước để tìm việc, người ở thành thị, đặc biệt là ở thủ đô Phnompenh, muốn đi ra nước ngoài kiếm sống. Lịnh cấm chắc chắn làm cho tình trạng thất nghiệp gia tăng, nhưng những người dân không đi qua Malaysia làm công được thì phải chọn cách khác, dù không hài lòng, họ không dám chống lại lịnh.

Một thực tế nữa là, thị trường Malaysia vẫn còn tiếp tục cần đến lao động Cam Bốt, như vậy trong tương lai lịnh cấm khó có thể kéo dài, sau khi các vụ việc vi phạm nhân quyền đã được điều tra. Lịnh cấm không nói rõ sẽ có hiệu lực trong bao lâu, còn việc làm rõ các báo cáo lạm dụng chắc phải cần ít nhất nhiều tháng. Tất nhiên, nếu quan hệ hai bên được điều chỉnh trong luật lao động, thì Cam Bốt sẽ tiếp tục xuất cảng lao động qua Malaysia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.