Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - CẢI CÁCH

Miến Điện : Một làn gió đổi mới thổi nhẹ

Gần đây chính quyền dân sự Miến Điện đã có nhữn động thái rất cởi mở, cho thấy Rangoun có vẻ quyết tâm thực hiện cải cách. Tuy vẫn tỏ ra hoài nghi về chính sách mở cửa của tổng thống Thein Sein, nhưng họ hy vọng rằng làn gíó đổi mới lần này sẽ không như là « ngọn lửa rơm », chớm bùng lên rồi tắt lịm.

Các tù nhân được ân xá ra khỏi nhà tù Insein ở Rangoun, 12/10/2011
Các tù nhân được ân xá ra khỏi nhà tù Insein ở Rangoun, 12/10/2011 Reuters/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

 Đề tài này được báo Courrier International số ra tuần này quan tâm, qua bài dịch đề tựa « Như là làn gió đổi mới nhè nhẹ », từ nhật báo The Daily Telegrahp của Anh.

Theo bài viết, kể từ sau buổi hội kiến giữa nhà đối lập, giải Nobel Hoà Bình, bà Aung San Suu Kyi và tổng thống Thein Sein - một cựu tướng lãnh - một loạt các biện pháp cải cách có tính biểu trưng cao và cụ thể đã được đưa ra, nhiều và nhanh đến mức, lần đầu tiên kể từ nhiều thập kỷ nay, đất nước từ lâu đã phải cam chịu bị đè nén, nay dám nói công khai về chính trị.

Bài báo nhắc lại một loạt các biện pháp đổi mới được chính quyền dân sự Miến Điện thực hiện trong suốt tám tuần qua, như việc một tờ báo địa phương đăng hình nhà đối lập trên trang nhất, việc cho ngưng dự án xây đập thủy điện Myitsone trên sông Irrawaddy do Trung Quốc tài trợ và xây dựng, hay việc dỡ bỏ lệnh kiểm duyệt Internet …, cho đến việc cho phép phe đối lập được quyền lên tiếng trước báo giới và cho phép thành lập các nghiệp đoàn (cũng như quyền được đình công). Đáng chú ý nhất là vào ngày 12/10 vừa qua, hơn 6000 tù nhân được ân xá, trong đó có hơn 200 tù nhân chính trị trên tổng số 2000 người đã được trả tự do.

Trên các đường phố của thủ đô Rangoun, người ta có thể nhận thấy nhiều nhóm bạn trẻ thuộc tầng lớp trung lưu đến tụ tập tại các quán trà, tiệm Internet đang tận hưởng hương vị tự do mới của mình, khi có thể bàn tán một cách công khai và tự do hơn về chính trị.

Một cử chỉ khác cho thấy sự cam kết của chính phủ để lấy lòng tin dân chúng qua việc bổ nhiệm ông U Myint, một thân cận của bà Aung San Suu Kyu làm cố vấn kinh tế cho tổng thống hồi tháng Tư vừa qua. Cũng xin nói rõ là ông U Myint - cựu chuyên gia kinh tế tại Liên Hiệp Quốc - đã từng chỉ trích gay gắt tình hình kinh tế của đất nước hồi tháng Tám rồi. Theo bài viết trên The Daily Telegraph, tổng thống Thein Sein muốn thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng hiểu rõ rằng tăng trưởng tiềm tàng của đất nước sẽ vẫn còn bị kìm hãm do Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt.

Bài báo nhận định, Miến Điện là vùng đất đầu tư đầy hứa hẹn. Đất nước sở hữu nguồn dự trữ dầu và gaz tự nhiên quan trọng vẫn còn chưa khai thác, nhiều vùng đất nông nghiệp màu mỡ bao la đáng thèm và cửa ngõ đi vào Trung Quốc, đồng minh và người cho vay quý báu của Miến Điện.

Hiện tại, thái độ thận trọng của Mỹ và châu Âu, cũng như những đòi hỏi của họ vẫn không thay đổi. Họ mong muốn nhìn thấy các tù nhân chính trị được trả tự do. Mặt khác, bài báo cũng ghi nhận một thái độ khá dè dặt trên các đường phố của Rangoun, do người dân vẫn e sợ rằng những cải cách này chỉ là một nhúm lửa rơm. Người ta vẫn thấy các nhân viên an ninh thường phục lai vãng trong các vụ tập hợp hay các khu vực nhạy cảm.

Tuy nhiên, The Daily Telegraph cũng nhìn nhận rằng dù vẫn dè dặt, và e sợ rằng bà Aung San Suu Kyi đang bị chính quyền điều khiển, nhưng nhiều người vẫn nghĩ rằng, « các cuộc hội đàm giữa nhà đối lập và tổng thống Thein Sein sẽ không gây cản trở cho tiến trình dân chủ thật sự. Họ cần phải xem đó như là một bước khởi đầu khả quan », theo như lời nhận định của một tù nhân chính trị nổi tiếng vừa được trả tự do.

Những tử thi gây phiền phức

Kể từ năm 2009 đến nay, số công chức cao cấp Trung Quốc « tự tử » (theo kết luận nhanh chóng của các nhà điều tra trong nước) ngày càng tăng. Liên quan đến chủ đề này, Courrier International đã trích dịch một phóng sự điều tra của mạng MMS Trung Quốc với tựa đề « Các tử thi gây phiền phức ».

Bài điều tra của mạng MMS Trung Quốc đơn cử trường hợp ông Trương Hải Trọng, chủ tịch xã huyện Hàm Sơn, thị trấn Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc. Lúc còn sống, ông là một người rất quan trọng, phụ trách toàn bộ công trình của chính phủ và nhất là luôn được biểu dương vì nghị lực của ông trong việc trưng dụng và tái định cư. Ngày 10/7 vừa qua, người ta phát hiện ông chết trong tư thế quỳ, với nhiều nhát dao trên cơ thể.

Ngay lập tức nhiều tin đồn dấy lên về nguyên nhân cái chết. Người thì cho rằng ông ta bị giết vì xung đột giữa các thế lực chính trị. Tuy nhiên, tin đồn rộng rãi nhất cho rằng sự thù hận từ việc trưng thu đất đai có lẽ là nguồn gốc của thảm kịch.

Điều đáng ngạc nhiên là 45 tiếng đồng hồ, sau khi phát hiện tử thi, công an Hàm Đan đã có kết quả điều tra : Trương Hải Trọng đã tự tử là do ông bị trầm uất nặng. Và trong vòng có 72 giờ, thi thể của nạn nhân đã được thiêu. Tác giả cho biết, khi tác giả vừa có ý định đặt một câu hỏi với con trai người quá cố về « bệnh trầm uất », ngay lập tức một người đàn ông đứng tuổi đến can thiệp.

Tác giả ghi nhận, trong nhiều vụ tương tự như thế, vụ án được các cơ quan quyền lực xử lý « nhanh chóng, dứt khoát và an toàn ».

« Nhanh chóng » là vì tất cả đều được giải quyết trong vòng có mấy chục tiếng đồng hồ sau khi phát hiện tử thi : từ việc tiến hành điều tra, công bố kết luận cho đến khâu cuối cùng là thiêu xác.

« Dứt khoát » vì tất cả mọi kênh thông tin đều bị khóa chặt. Mọi cơ quan chức năng đều cùng đưa ra một nhận định, không hơn không kém một từ. Về phần đánh giá nạn nhân, lúc nào cũng có một kiểu nhận định mẫu chung, đại loại « đó là một người rất nghiêm túc trong công việc và rất thân thiện ».

Cuối cùng « An toàn » bởi vì về mặt ý thức hệ, gia đình của người quá cố đã bị đặt điều kiện và mọi ý định của báo giới để tiếp xúc với gia đình đều bị tiêu diệt ngay từ trong trứng nước.

Dù biết rằng kết luận của nhà điều tra là không thỏa mãn, nhưng phần đông gia đình và những thân cận của nạn nhân đều chọn sự im lặng. Đương nhiên, lý do căn bản là cái chết của một quan chức cao cấp thường gây lúng túng cho các nhà quản lý và thường khiến họ cảm thấy bối rối.

Cuối cùng, bài điều tra cho rằng, số phận của một công chức cao cấp không thuộc về anh ta. Tại đất nước Trung Hoa ngày nay, niềm vui và nỗi khổ của các nhân vật cao cấp giờ đây đã bị dán mác và bị ràng buộc vào một thực tế đã bị bóp méo và vào tỷ lệ các giá trị đồi bại. Nhất là trong trường hợp các vụ nêu trên. Việc khẳng định giả thuyết « tự tử » cho phép kết thúc nhanh chóng so với áp lực to lớn đang đè nặng lên các cơ quan chức năng trong việc tái phân bổ quân cờ trên phương diện chính trị địa phương.

Những người nổi dậy của « đảng Zuccotti »

Liên quan đến đề tài xã hội tại Mỹ, tuần báo L’Express số ra tuần này có bài nhận định mang tựa đề « Những người nổi dậy của đảng Zuccotti». Theo bài báo, phong trào « những người phẫn nộ » Tây Ban Nha, theo phiên bản New York đang dần lan rộng, đến mức có thể nhận thấy tiếng vang ngay trong lòng tầng lớp trung lưu, nạn nhân của khủng hoảng. Một làn sóng phản đối có thể gây trở ngại cho chính ông Obama.

Bài báo cho biết, từ hơn một tháng nay, khoảng hơn 50 người thuộc đủ mọi trào lưu của xã hội như những người chuyển hướng chống lại toàn cầu hóa, sinh viên tự do hay những người ủng hộ trào lưu hippies, đến chiếm đóng tại công viên Zuccotti, phía nam bang Manhattan. Mục đích của họ là nhằm phản đối chống lại « quyền lực của đồng tiền ». Không những thế, làn sóng « những người chiếm phố Wall » đang bắt đầu lan rộng sang đến nhiều bang khác tại Mỹ như Boston, Chicago, San Francisco và tại hơn 1300 thành phố khác, tạo ra các vụ phản công quá đáng của phe Cộng Hòa và những phản ứng mơ hồ của Nhà trắng.

L’Express cho rằng, làn sóng phản đối lần này tại Mỹ, tuy không có người lãnh đạo thật sự, cũng không đòi hỏi cụ thể nào, nhưng cũng có thể làm thành một con chủ bài chính trị hay là điều bất lợi cho đảng Dân chủ. Ông Obama dường như muốn tận dụng làn sóng bất bình lần này, nhưng mặt nào đó, ông cũng e sợ cho hậu quả tác động ngược lại cho việc quá chú trọng chủ nghĩa dân túy của mình.

Theo l’Express, thất nghiệp chưa từng có hay mức lương tuyển dụng thấp hơn mức trước năm 2008, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả nợ vay của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường (bình quân 24 ngàn đô-la/ sinh viên) ; hay sức mua của tầng lớp trung lưu giảm mạnh từ 15 năm nay là những nguyên nhân chính khiến cho phong trào phản đối lên đến tầm mức này. Chính vì thế, phần đông là sinh viên đến tham dự phong trào để bày tỏ sự giận dữ của họ tại phố Wall chống lại các khoản lợi nhuận và tiền thưởng của giới ngân hàng. Trong khi đó, cách biệt giàu và nghèo ngày càng lớn. L’Express cho biết, chỉ có 1% dân số nắm giữ đến 20% sự giàu có của Mỹ (con số này chỉ là 10% vào năm 1990).

Đây chính là quân bài mà tổng thống Obama muốn sử dụng cho chiến dịch tái tranh cử, khi đưa ra kế hoạch hỗ trợ việc làm, được tài trợ một phần từ việc thu thêm thuế những người có thu nhập cao. Một dự án đã bị phe Cộng hòa từ chối. Mặt khác, tổng thống Mỹ kêu gọi lợi ích của một hệ thống tài chính mạnh và tính hiệu quả của những định chế mới. Vấn đề là khi ủng hộ công khai những người biểu tình, phe Dân chủ e ngại sẽ làm phật lòng các nhà tài trợ cho chiến dịch tranh cử.

L’Express trích dẫn nhận định của một cựu bộ trưởng Lao động thời Bill Clinton, cho rằng « nếu như làn sóng phản đối biến thành một phong trào thật sự, thì phe Dân chủ có lẽ sẽ khó mà điều khiển được nó hơn là phe Cộng hòa ». Có thể nói, đây là một canh bạc nguy hiểm cho ông Obama.

Internet : Lợi và hại

Về lãnh vực khoa học, tuần báo Le Nouvel Observateur có bài viết thú vị tựa đề « Làm thế nào Internet thay đổi bộ não chúng ta ». Bài báo cho rằng Internet mang lại cho chúng ta những điều tốt nhất và cả những điều tệ nhất.

 

Ông Nicolas Carr, 52 tuổi, nhà tiểu luận người Mỹ, một chuyên gia về web, đã từng có một cảm giác khó chịu rằng « có ai đó hay cái gì đó đang mày mò … não của mình ». Ông không tài nào tập trung được hơn hai phút cho một cái gì, càng ngày càng thấy khổ nhọc hơn khi đọc các bài văn dài. Từ các cảm nhận đó, ông đã viết một quyển sách tựa đề « Phải chăng Internet khiến chúng ta trở nên ngu đần ? ». Một đề tài hấp dẫn tại Mỹ hiện nay.

Thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, Socrate đã từng tỏ ra lo ngại khi cho rằng chữ viết sẽ làm cho trí nhớ phai mờ đi. Và lịch sử đã chứng minh được rằng Socrate đã hoàn toàn sai lầm, vì chữ viết đã giúp chúng ta nhớ tốt hơn. Bởi vì, bộ não của chúng ta là cơ quan có tính đàn hồi cao. Nên nó có thể thích ứng tốt, ngày nay não cũng đang thích ứng với web.

Theo các nhà nghiên cứu, « khi chúng ta lướt trên web, võ não trán trước, bộ phận xử lý toàn bộ quá trình ra quyết định, đặc biệt trở nên bị kích thích ». Theo họ, « lướt web » có lợi cho trẻ vị thành niên, vì nó cho phép thực hành tính nhanh nhẹn của trí tuệ. Ngược lại, vùng não để phát triển ngông ngữ và trí nhớ sẽ ít được kích thích hơn. Như vậy, liệu Internet đang làm cho ta u mê hay là nên xem nó như là trí não đa chức năng đầy sáng tạo và đủ khả năng ra quyết định ?

Google khiến ta bị bệnh Alzheimer ?

Theo nhà sáng lập Google, thì « bộ não con người là một bộ máy vi tính lỗi thời, nó cần có một bộ vi xử lý nhanh hơn và một bộ nhớ lớn hơn ». Với Google, bộ nhớ của chúng ta sẽ bị xếp xó. Bởi vì, chúng ta có thể tìm thấy mọi thức trên trang mạng này, từ một bài thơ của Verlaine, các bài hát cho trẻ con, đến các bài hát bất hủ của Stones. Những người ủng hộ cho công nghệ mới đều cho rằng với web, ta không việc gì phải nhớ thuộc lòng nữa. Người ta có thể lưu trữ hình ảnh, tin nhắn và cuộc sống của mình…

Tuy nhiên, không hẳn là web sẽ giúp ta giảm tải bớt hoàn toàn bộ nhớ ở não. Theo các chuyên gia, nếu như bộ nhớ ngắn hạn có thể bị bão hòa, thì bộ nhớ dài hạn, nơi mà ta thường lưu giữ những kỷ niệm lại có thể mở rộng một cách tuyệt vời.

 

Lướt web có làm cho ta trở nên hiếu động ?

Le Nouvel Observateur tự hỏi, web khiến ta trở nên quá hiếu động, siêu kết nối và rất mất kiên nhẫn ? Theo bài viết, web khiến ta mất tập trung từ trẻ con cho đến người lớn. Ngày nay, người ta chỉ thích đọc những tin nhắn ngắn ngủi, đứt đoạn. Người ta tự hỏi đâu rồi các nhà tu sĩ Ailen chuyên làm công việc sao chép ? Tác giả bài viết nhìn nhận rằng việc tập trung ngày càng trở nên cam go, trong bối cảnh công việc ngày nay đòi hỏi thôi thúc chúng ta quá mức. Đến mức mà vài doanh nghiệp, chẳng hạn như hãng Canon, đã tổ chức một ngày trong một quý không có tin nhắn qua mạng trong nội bộ doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, « bộ nhớ của chúng ta trong tình trạng quá nóng liên tục. Với sự ra đời của điện thoại di động thông minh, tình hình còn tồi tệ hơn, bởi vì chúng ta luôn trong tình trạng kết nối […]. Trên Internet, sự chú ý của chúng ta luôn bị thu hút bởi các điểm nhấp nháy. Chúng ta cần phải học lại cách phân luồng sự quan tâm của mình ».

Liệu Internet có làm cho não chúng ta bị ghiền ?

Câu trả lời là có. Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy khó chịu bứt rứt như là đã lỡ một việc gì đó. Như trường hợp của Nicolas Carr, ông viết trong tác phẩm của mình « Đầu óc của tôi như bị đói. Nó đòi phải được nuôi như là Net đang nuôi dưỡng nó vậy. Và càng được nuôi, thì nó càng thấy đói. Khi tôi xa rời nó, tôi khao khát được xem tin nhắn, (…) được vô trang Google. Tôi muốn được kết nối ».

Thế đấy, do bị kích ứng quá mức, nên não của chúng ta liên tục đòi hỏi các tác nhân kích thích. Liên tục không ngừng.

 

Trên trang nhất các tạp chí.

Sự kiện ông François Hollande trở thành ứng viên tranh cử tổng thống năm 2012 cho đảng Xã hội Pháp vẫn là đề tài thu hút nhiều báo Pháp tuần này. Tuần san L’Express quan tâm đến đời sống thường ngày của ông Hollande qua các chủ đề như tôn giáo, những người phụ nữ trong cuộc sống của ông con cái, bạn bè, những điều bí mật, những sự giả dối, thể thao và những vết thương.

Trong khi đó, cũng liên quan đến nhân vật này, Le Nouvel Observateur lại chú ý đến quá trình tranh cử của ông.

Tuần san Courrier International thì để ý đến bầu cử tại Tunisia. Bầu cử tự do dân chủ đầu tiên kể từ sau khi chế độ Ben Ali sụp đổ.

Cuối cùng, tạp chí Le Monde vẽ lại chân dung thủ tướng Đức. Bài báo điểm lại những điểm mạnh và yếu của bà Angela Merkel.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.