Vào nội dung chính
THÁI LAN

Lũ lụt đe dọa sự nghiệp chính trị của thủ tướng Thái

Tại Thái Lan, bà Yinluck Shinawatra vừa ngồi ghế thủ tướng chưa ấm chỗ, thì hiện tại sự nghiệp chính trị của bà đang có nguy cơ bị cuốn theo trận lũ kinh hoàng đang đe dọa thủ đô Băngkok. Về chủ đề này, thông tín viên nhật báo Le Monde Bruno Philip có bài bình luận mang tên : « Yinluck dưới làn sóng chỉ trích ».

Phe đối lập tranh thủ thời cơ để hạ uy tín của bà Yingluck (Reuters)
Phe đối lập tranh thủ thời cơ để hạ uy tín của bà Yingluck (Reuters)
Quảng cáo

Tác giả bài báo cho biết, tranh thủ trận lụt được xem là lớn nhất kể từ 50 năm nay tại Thái Lan đang đe dọa thủ đô Băngkok, các đảng chính trị đối lập với đương kim thủ tướng Yingluck đang hợp sức công kích bà dữ dội.

Trước hết, và nhiều nhất là họ chỉ trích khả năng hạn chế của bà trong công tác đối phó thảm họa. Ban lãnh đạo chống thảm họa tỏ ra lúng túng : thông tin công bố trước sao không thống nhất, thông báo báo động không rõ ràng, sự phối hợp còn vụng về. Bên cạnh đó, những nỗ lực của Trung tâm cứu hộ quốc gia (FROC) cũng không hiệu quả.

Thêm vào đó là việc bà Yingluck vốn xuất thân doanh nhân, từng bị chỉ trích là thiếu kinh nghiệm chính trị. Vì thế, nhân dịp này, cánh đối lập tiếp tục tấn công vào yếu điểm đó. Giáo sư đô thị học Niramon Kulsrisombat tại Bangkok cho rằng, bà Yingluck đã sai lầm khi bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo của một ban đặc trách chống thảm họa gồm bộ trưởng Tư pháp, bộ trưởng Nội vụ và một cựu bộ trưởng Công an.

Bởi thế, theo ông Kulsrisombat, những người này làm sao có đủ năng lực và hiểu biết về mặt kỹ thuật trong công tác cứu hộ và đối phó thảm họa. Một minh chứng là ông bộ trưởng Tư pháp đã lên tiếng thừa nhận rằng lưu lượng nước khổng lồ từ miền bắc đổ về Bangkok đã được đánh giá thấp mới gây thảm họa ngày nay. Giáo sư Kulsrisombat bức xúc : « Chính phủ hiện tại đã phá mọi kỷ lục về sự bất tài ».

Trên trường chính trị, thảm họa hiện tại tiếp diễn sau một loạt các vụ bất ổn khác. Vào mùa xuân năm 2010, một phần trung tâm thủ đô Bangkok đã bị « trận lụt » của những người biểu tình Áo đỏ ủng hộ anh trai bà Yinluck, tức cựu thủ tướng Thaksin bị quân đội đảo chính năm 2006, hiện đang sống lưu vong. Biểu tình đã bị quân đội đàn áp đẫm máu. Cuộc biểu tình cho thấy một tình trạng chia rẽ giữa hai tầng lớp thành thị và nông thôn trong xã hội Thái Lan. Sau đó, đảng của bà Yingluck nhờ sự ủng hộ của cử tri nông thôn đã thắng cử, đưa bà lên vị trí thủ tướng. Hiện tại, theo tác giả, phe đối lập đang ra sức báo thù.

Trong khi đó, viễn cảnh không mấy sáng sủa. Dòng sông Chao Phraya bắt đầu tràn bờ, đe dọa khu vực hoàng cung. Dù đa phần thủ đô Bangkok còn chưa bị ảnh hưởng, nhưng đã xuất hiện những đồn đại về « một cuộc đảo chính quân sự vì lũ lụt ». Các tin đồn này còn được thổi phồng bởi nhiều đài phát thanh thuộc phe áo đỏ, với chủ tâm lúc nào cũng sẳn sàng lên án « bàn tay đen » của giới quân sự Thái Lan, một quốc gia mà chỉ trong vòng 80 năm đã có đến 18 cuộc đảo chính quân sự. Theo tác giả, hiện tại, không có gì cho thấy những lời đồn trên là có cơ sở. Thế nhưng, theo một vài chuyên gia, có vẻ như quân đội đã chọn cách hành động đơn độc trong công tác cứu hộ.

Cuối cùng, tác giả nhận định, bà Yingluck đã thiêu hủy sự ưu ái mà bà đã dày công giành được trong chiến dịch tranh cử, và chắc chắn rằng, vụ việc làm bộc lộ năng lực lãnh đạo hạn chế của một nữ thủ tưởng vốn leo lên đài danh vọng chủ yếu nhờ vào cái bóng của anh trai mình. Mà đáng chú ý là anh trai bà, tức ông Tharksin vốn là một thủ tướng từng bị lật đổ bởi chính quân đội hiện tại.

Tác hại của chất Bisphémol A vẫn còn bị xem nhẹ

Trong lĩnh vực y tế, nhật báo Le Monde dành trang nhất cho vụ việc Bisphénol A. Với bài viết : «Bisphénol A, một xì-căn- đan thế giới », tờ báo cho biết, dù đã được phát hiện và cảnh báo từ những năm 1990, nhưng tác hại của chất này đã và đang bị người ta cố tình coi thường.

Vụ việc trong những năm 1990 mà tờ báo đề cặp đến đó là nghiên cứu của giáo sư Federik Vom Saal, thuộc trường đại học Missouri Hoa Kỳ. Nghiên cứu cảnh báo rằng, việc tiếp xúc với chất Bisphénol A dù ở liều lượng rất nhỏ cũng có thể gây hại cho con người.

Sau đó cũng có nhiều nghiên cứu khác có cùng kết luận. Tuy nhiên trong giới khoa học, không ít người còn nghi ngờ. Mãi đến năm 2006, gần 40 nhà nghiên cứu quốc tế đã tề tựu tại hội thảo tổ chức ở Chapel Hill Hoa Kỳ. Hội thảo đã kết luận là việc tiếp xúc với chất Bisphénol A dù ở liều lượng nhỏ cũng có thể có tác hại cho con người. Một chuyên gia nhận định, Như vậy, từ năm 2006, người ta phải thừa nhận rằng, việc tiếp xúc với chất Bisphénol A dù ở liều lượng thấp cũng có tác hại.

Bên cạnh những nghiên cứu độc lập được xem là hàn lâm của các nhà khoa học, thì các nhà công nghiệp cũng bỏ tiền thuê chuyên gia nghiên cứu. Thế nhưng, kết quả mà họ nhắm tới là để trấn an người tiêu dùng hoặc gieo mối nghi ngờ về các nghiên cứu độc lập nói trên. Bởi thế mà xảy ra tình trạng nghiên cứu này mâu thuẫn với nghiên cứu khác, người tiêu dùng không còn biết đâu là bến bờ của sự thật.

Ngày 27 tháng 9 rồi, cơ quan quốc gia về an toàn thực phẩm (Anses) của Pháp đã công bố báo cáo thừa nhận việc tiếp xúc với Bisphénol A dù ở nồng độ thấp cũng có thể gây tác hại cho con người. Tuy nhiên, báo cáo không khẳng định mà vẫn cho rằng vụ việc còn đang trong vòng tranh cãi. Báo cáo đã bị chỉ trích là thiếu cơ sở khoa học.

Trước cảnh thật giả khó phân đó, trong bài xã luận của mình, Le Monde nhận xét : Sau hàng loạt các xì căn đan y tế thu hút dư luận trong những năm qua, thì vụ Bisphénol A một lần nữa lại minh chứng cho cái gọi là « khoa học không lương tâm », điều mà Rabelais đã cảnh báo cách đây 4 thế kỷ.

Thế giới 7 tỷ người và nỗi lo thực phẩm

Chỉ còn hai ngày nữa, tức vào ngày 31/10/2011, dân số thế giới sẽ chính thức đạt 7 tỷ người. Nhật báo La Croix quan tâm đến sự kiện này với bài phân tích mang dòng tựa cảnh báo : « Bảy tỷ người ».

Ước tính, mỗi ngày trái đất có thêm 200 000 thành viên mới, tức mỗi giây có thêm 2,3 người. Sự gia tăng dân số là không đồng đều ở các nước. Các nước giàu như Mỹ và các nước Châu Âu, hay Nhật Bản thì có dân số giảm dần do tỷ lệ sinh sản giảm, trong khi đó ở các nước nghèo, các nước đang phát triển, thì lại xảy ra hiện tưởng bùng nổ dân số, mà dẫn đầu về tỷ lệ sinh cao là những quốc gia Châu Phi. Các chuyên gia dự phóng đến năm 2050, con số 7 tỷ của năm 2011 sẽ tăng lên thành 9 tỷ.

Việc dân số ngày càng đông, trong khi quả đất không hề tăng diện tích, đặt ra nhiều thách thức to lớn. La Croix đi sâu vào phân tích các thách thức trong lĩnh vực qui hoạch đô thị, phát triển kinh tế, và đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.

Nếu dân số thế giới là 7 tỷ người, thì sẽ có gần 1 tỷ chịu cảnh đói kém. Như vậy, nếu dân số là 9 tỷ vào năm 2050, thì tình hình đói kém càng trầm trọng. Để đảm bảo nhu cầu lương thực trong tương lai, tổ chức nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho rằng sản lượng nông nghiệp phải tăng thêm 70%. Khó khăn là ở chổ, nhiệm vụ 70% này phải đi kèm với việc bảo vệ môi trường và trong giới hạn nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế.

Theo La Croix, chỉ tiêu 70% là khó lòng thực hiện, bởi tình hình còn tùy thuộc nhiều yếu tố, chẳng hạn như việc chống thất thoát hay lãng phí trong nông nghiệp, hay hiện tượng phung phí thực phẩm ở các nước giàu. Bên cạnh nhiệm vụ cung cấp thực phẩm, ngành nông nghiệp trong tương lai còn phải đảm nhận trọng trách đáp ứng nhu cầu năng lượng qua việc sản xuất nhiên liệu sinh học.

Bàn về giải pháp, giới chuyên gia cho rằng có thể tăng thêm diện tích đất canh tác như việc cải tạo đất cần cổi, hay lấn rừng. Bên cạnh, cần phải tăng năng suất bằng kỷ thuật hiện đại và tăng cường hổ trợ kỷ thuật cho những nước nghèo.

Thế nhưng, viễn cảnh cho thấy, trong tương lai, nông dân phải sản suất nhiều hơn với ít phương tiện hơn do nguồn nước và phân bón ngày càng khan hiếm. Bên cạnh đó, để hướng đến một mô hình nông nghiệp hiện đại, ngành nông nghiệp cần phải giảm thâm canh, sản xuất ít chí phí hơn và phải « sinh thái » hơn.

Phải chăng chính sách của tổng thống Obama đối với Iran không hiệu quả ?

Đó là câu hỏi do nhật báo Libération đặt ra qua bài viết : «Washington-Téhéran : đàm phán, va chạm và trừng phạt ». Tờ báo cho biết, khi mới bước chân vào Nhà Trắng năm 2008, tổng thống Obama đề ra chính sách hòa đàm để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran, thế nhưng, ba năm đã trôi qua, chính sách này tỏ ra kém hiệu quả, quan hệ hai nước hiện tại rất căng thẳng

Từ năm 1980, ít lâu sau cuộc cách mạng Iran và sau vụ bắt cóc con tin ở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Téhéran, hai nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao. Ba mươi năm đã trôi qua, hiện tại hai nước đang ở thế nước và lửa.

Sự đối đầu giữa Iran và Mỹ không chỉ giới hạn trong hồ sơ hạt nhân của Téhéran, và không chỉ được khơi màu bởi Mùa xuân Ả Rập vừa qua, mà nó rất đa dạng. Một nhà nghiên cứu làm việc cho Quốc hội Mỹ liệt kê : « Chiến binh Hồi Giáo dòng Chiite tấn công người Mỹ ở Irak, Iran giao vũ khí cho quân Taliban ở Afghanistan, Iran ủng hộ chế độ Assad ở Syria, Iran ủng hộ phe nổi dậy ở Barein… ». Theo ông này, vụ ám sát hụt đại sứ Ả Rập Xê Út tại Hoa Kỳ chỉ là một rắc rối thêm vào một vấn đề vốn đã dày đặc sự rắc rối.

Như vậy, chính sách của ông Obama đối với Iran tỏ ra không mấy hiệu quả. Từ đàm phán rồi đến các biện pháp trừng phạt, tất cả đều không thể ngăn được sự phát triển hạt nhân của Iran. Hiện tại, Iran còn làm giàu uranium ở mức độ cao hơn thời điểm mà ông Obama mới đặt chân vào tòa Bạch Ốc. Một nhà ngoại giao Châu Âu đánh giá, ông Obama đã « ngây thơ » trong buổi đầu, và nhất là ông đã bỏ lỡ cơ hội vào mùa thu năm 2009 khi có đến 3 triệu người Iran xuống đường biểu tình phản đối tổng thống Ahmadineijad, bởi khi ấy chính phủ Hoa Kỳ vẫn còn tin rằng còn có thể tiếp tục giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran thông qua đàm phán.

Theo Libération, Tại Mỹ, đang cận ngày bầu cử tổng thống, nên ông Obama buộc phải lên giọng cứng rắn với Iran bởi Iran là một trong số chủ đề đối ngoại hiếm hoi trong chiến dịch tranh cử tổng thống sắp tới. Các ứng cử viên của đảng Cộng Hòa tỏ ra mạnh bạo hơn, có người còn ủng hộ việc dùng biện pháp quân sự để ngăn chặn chương trình phát triển hạt nhân của Iran.

Như vậy, Libération nhận định, cuộc hòa đàm mà tổng thống Obama mong muốn nối lại với Iran trong những ngày đầu nhiệm kỳ hiện tại tiếp tục thất bại. Tháng 6 năm 2010, Liên Hiệp Quốc đã thông qua một loạt biện pháp trừng phạt Iran. Hiện tại, khả năng đạt được biện pháp mới tại Hồi đồng bảo an là rất thấp bởi Nga và Trung Quốc luôn « giậm chân tại chổ ». Trong bối cảnh đó, Mỹ được sự ủng hộ của Châu Âu có thể đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Libya : Ngành dầu hỏa lắm bề rối rắm

Le Figaro hôm nay quan tâm đến tiếp tục thông tin về tình hình Libya với bài viết : « Ngành dầu hỏa Libya lắm bề rối rắm ». Tờ báo đề cặp đến Tổng công ty dầu khí quốc gia Libya (National Oil Corporation, NOC). Đây là đơn vị chưởng quản các hoạt đồng dầu khí ở nước này. Cựu giám đốc điều hành NOC dưới chế độ Kadhafi, ông Shukri Ghanem, đã tháo chạy. Hội đồng quốc gia lâm thời Libya (CNT) bổ nhiệm ông Nuri Berruien thay thế. Ông này năm nay 65 tuổi, là một kỷ sư, vốn lãnh đạo một chi nhánh của NOC dưới chế độ cũ.

Trong khi đó, công nhân công ty dầu khí ở Syrte, thành phố quê hương của ông Kadhafi, đã biểu tình đến tận trụ sở NOC để yêu cầu NOC cho giám đốc của họ trở lại. Trước đó, giám đốc của họ đã theo phe nổi dậy, và bị chính ông Shukri Ghanem cách chức.

Hơn 40 năm dưới chế độ Kadhafi, các ngành béo bở như viễn thông, vận tải …đều do thành viên của gia đình hay của phe ông Kadhafi nắm giữ. Còn lĩnh vực dầu khí là lĩnh vực nhiều lợi ích nhất thì do ông Kadhafi trực tiếp điều hành. Gần đây, ông mới giao lại cho người con trai được cho là nhân vật kế thừa ông là Seif Al-Islam hiện đang lẫn trốn.

CNT phải tiếp quản một ngành công nghiệp không có bộ trưởng và đầy tham nhũng như vậy nên phải bước đi rất thận trọng. Thế mà rắc rối cũng đến, người vừa được bổ nhiệm nắm giữ NOC bị chỉ trích là nhân vật thỏa hiệp, làm việc cho một phe phái nào đó.

Trước vụ nổi dậy, Libya sản xuất mỗi ngày 1,7 triệu thùng dầu, trước đó có khi lên đến 3,2 triệu thùng. Thế nhưng, hiện tại chỉ còn có 350 000 thùng. Theo các chuyên gia, phải mất từ hai đến ba năm Libya mới khôi phục được trữ lượng dầu hoả dưới thời Kadhafi.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.