Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Người giàu Trung Quốc muốn ra nước ngoài sống

Tích cóp làm giàu ở trong nước rồi ra nước ngoài sống đó là mơ ước của khoảng một nửa các triệu phú Trung Quốc, được thể hiện qua các số liệu trong một cuộc điều tra xã hội do Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) và Hurun Report, cơ quan chuyên nghiên cứu về giới nhà giàu ở Trung Quốc, thực hiện.

Tại Trung Quốc có rất nhiều tỷ phủ.
Tại Trung Quốc có rất nhiều tỷ phủ. REUTERS/Carlos Barria
Quảng cáo

Thông tin trên đã được nhật báo Le Figaro đăng tải qua bài « Người giàu Trung Quốc mơ về một cuộc sống phong lưu ».

Le Figaro nhận thấy xu thế này như là một nghịch lý của của thế giới ngày nay khi mà của cải vật chất đang đổ về phương đông. Cụ thể là Trung Quốc, nơi mà số lượng các triệu phú đang ngày càng đông thêm thế nhưng họ lại chỉ mơ ước một điều là, một này nào đó đi cư đến nới có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tức là làm giàu ở Trung Quốc, nhưng bảo toàn tương lai ở bên ngoài quê hương mình.

Trở lại với cuộc điều tra xã hội học nêu trên, báo cáo của Hurun Report và Bank of China cho biết có tới 46% người Trung Quốc có tài sản trên một triệu euro tỏ ý định sẽ đi ra nước ngoài sinh sống. Thêm vào đó là con số 14% các triệu phú Trung Quốc làm giàu trong nước và đã định cư ở ngoài biên giới của nước mình.

Theo danh sách được Hurun công bố năm 2011 thì ở Trung Quốc có 271 tỷ phú đô la Mỹ, trong khi đó số người có tài sản tiền triệu đô la hiện là 960 nghìn người, tăng 9,7 % so với năm trước.

Động cơ khiến người giầu Trung Quốc muốn rời khỏi đất nước là gì ? Trong số 980 người giàu có được hỏi tại 18 thành phố lớn thì đại đa số đều nói rằng họ mong muốn con cái mình được hưởng một nền giáo dục tốt hơn và là vì sống ở nước ngoài tài sản của họ được an toàn hơn. Các yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống như ô nhiễm, an toàn thực phẩm, v.v… cũng là lý do thúc đẩy họ di cư. Ngoài ra tình trạng giá cả bất động sản, sinh hoạt tăng phi mã cũng củng cố thêm ý định ra đi của người có của.

Theo Le Figaro, bản báo cáo còn chỉ cho thấy 1/3 dân nhà giàu Trung Quốc đã đầu tư tài sản của mình ra nước ngoài. 1/3 khác thì cho biết họ cũng sẽ làm như vậy trong vài ba năm tới. Cũng cần phải nói rằng, hình thức « nhập cư qua đầu tư » đang được nhiều nước khuyến khích. Tân Hoa Xã mới đây đã khẳng định rằng Canada và Úc là những điểm đến ưa thích của giới triệu phú Trung Hoa.

Một giảng viên đại học tại Bắc Kinh nhận xét rằng « Đúng là hiện tại sự năng động nằm ở đây (Trung Quốc). Nhưng những người Trung Quốc khá giả, trong đó có cả các cán bộ của đảng, chỉ muốn rằng con cái họ được theo học tại các trường đại họ lớn ở phương Tây. Họ đều ước mong có một ngôi nhà ở Úc, ở Luân Đôn » với ý nghĩ tài sản của họ không bị trưng dụng một cách tùy tiện. Vẫn giáo sư đại học trên giải thích : « Người Trung Quốc luôn ngờ vực với tương lai trong đất nước mình. Không có gì chắc chắn cho bản thân cũng như tài sản của họ ».

Bản thân giới bình dân cũng ủng hộ xu thế này của những người có của và khẳng định, nếu có tiền thì họ cũng làm như thế. 

Palestin giành thắng lợi ngoại giao có ghế chính thức tại Unesco

Palestin chính thức trở thành viên viên thứ 195 của tổ chức Văn hóa Giáo dục Liên hiệp quốc với 107 phiếu thuận. Sự kiện Unesco, cơ quan hàng đầu của Liên hiệp quốc đồng ý kết nạp Palestin làm thành viên đầy đủ của mình là một sự kiện gây tiếng vang trên trường ngoại giao quốc tế.

Báo Liberation nhận định : « Đây là một bước tiến ngoại giao quan trọng báo hiệu những bước tiến khác » cho Palestin. Hiển nhiên thắng lợi đầu tiên này thuộc về người Palestin. Tổng thống Mahmoud Abbas không giấu được niềm vui mừng, ông tuyên bố « Đây là chiến thắng của luật pháp, công lý và của tự do ». Hôm 23 tháng 9 vừa qua, tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York, ông Mahmoud Abbas đã long trọng đệ đơn để Palestin được công nhận như một thành viên thực thụ của Liên hiệp quốc với thủ đô là Đông Jerusalem và có đường biên giới theo ấn định của quốc tế từ năm 1967. Tuy nhiên, đề nghị này của Palestin đã bị Mỹ và Israel chống đối dữ dội.

Trở lại với phiên kết nạp Palestin hôm qua tại trụ sở Unesco, nhật báo Libération nhận thấy « bất ngờ của cuộc bỏ phiếu hôm qua đến từ Paris. Lá phiếu thuận của Pháp đã được đón nhận với những tràng vỗ tay lớn. Pháp đã đứng về phía các nước Ả Rập và Mỹ Latin bỏ phiếu cho Palestin ». Theo Libération, trước đó ngành ngọai giao Pháp vẫn còn cho biết Paris sẽ không tham gia bầu vì cho rằng còn quá sớm cho Palestin và trước hết phải giải tỏa bế tắc tại New York, tức là về việc công nhận quy chế của một nhà nước. Trong khi mà đến giờ Hoa Kỳ vẫn đã cho biết là sẽ dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an về việc công nhận Palestin là thành viên đầy đủ của Liên hiệp quốc. Còn Pháp thì đã đề nghị giải pháp trung gian là công nhận Palestin như là một quan sát viên. Một quy chế như đề nghị của Pháp có thể cho phép Palestin gia nhập các tổ chức của Liên hiệp quốc như Tòa án hình sự Quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới và tất nhiên là cả Unesco. Bước đi đốt cháy giai đoạn của Palestin đã không khỏi làm Pháp lúng túng. Nhưng cuối cùng thì Paris vẫn chọn cách đối mặt với thực tế.

Một khía cạnh khác được Libération nhận thấy qua việc kết nạp Palestin vào Unesco đó là cuộc bỏ phiếu hôm qua "một lần nữa thể hiện sự chia rẽ trong Liên hiệp châu Âu trên hồ sơ Trung Đông". Có 9 nước vắng mặt không bỏ phiếu, trong đó có Anh và Ý. Pháp nằm trong số 10 nước châu Âu bỏ phiếu thuận. Đức, Thụy Điển cùng ba nước thành viên khác bỏ phiếu chống. Như vậy thì theo nhận định của Libération thì điều này cho thấy 27 nước thành viên Liên hiệp châu Âu vẫn còn lâu mới có được chính sách đối ngoại và an ninh chung. Lãnh đạo ngoại giao của Liên hiệp châu Âu bà Catherine Ashton đã kêu gọi các thành viên Unesco không quyết định vội vàng và tiếp tục ủng hộ tổ chức này. Một lời kêu gọi tuy không nêu danh cụ thể, nhưng người ta hiểu là để nhắn đến Hoa Kỳ.

Phản ứng của Hoa Kỳ : Ngừng cung cấp tài tài chính cho Unesco

Thắng lợi ngoại giao đầu tiên của Palestin tại tổ chức của Liên hiệp quốc lại làm bùng lên những căng thẳng khác. Phản ứng trước tiên, tất nhiên đến từ Israel và Hoa Kỳ. Tel Aviv và Washington đều cho rằng cuộc bỏ phiếu này sẽ gây cản trở và làm phức tạp thêm tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestin.

Và Unesco đã thấy ngay hệ quả từ thái độ phản đối gay gắt của Mỹ.

Theo Le Figaro, Washington đã không giấu diếm rằng, trong trường hợp Palestin được kết nạp vào Unesco, Hoa Kỳ sẽ ngừng cung cấp tài chính cho tổ chức này. Nên nhớ rằng Hoa Kỳ là nước đóng góp tài chính lớn nhất cho Unesco với 70 triệu đô la mỗi năm, chiếm 20% ngân sách của tổ chức. Ngay ngày hôm qua Washington đã tuyên bố ngưng rót tiền cho Unesco. Phản ứng này của chính phủ Mỹ đã được Quốc hội quy định từ năm 1990 bằng hai bộ luật cấp cung cấp tài chính cho bất kỳ cơ quan đặc biệt nào của Liên hiệp quốc dung nạp Palestin làm thành viên đầy đủ mà không chiếu theo một thỏa thuận hòa bình với Israel. Phản ứng của Hoa Kỳ với Unesco có thể gây ảnh hưởng cho họat động của tổ chức quốc tế này, ngược lại, nếu không đóng góp tài chính thì Hoa Kỳ cũng gặp phải bất lợi là không được quyền bỏ phiếu thông qua các quyết định. Như vậy Washington sẽ bị xếp xuống hàng thành viên loại nhì.

Nhật báo Le Figaro nhận định về phần mình, Palestin hy vọng thắng lợi này sẽ tạo đà cho việc gia nhập Liên hiệp quốc, nhưng trên hồ sơ này đến giờ vẫn không có tiến triển gì. Trong bối cảnh mà tại thực địa căng thẳng Israel Palestin vẫn tiềm ẩn bùng nổ, thì thắng lợi của Palestin tại Unesco có thể chỉ mang tính biểu tượng.

Bỉ từ bỏ điện hạt nhân – Pháp liên đới thiệt hại

Từ bài học nhỡn tiền của tai nạn hạt nhân Fukushima, Đức, Ý và nay đến lượt Bỉ tuyên bố sẽ rút dần ra khỏi điện hạt nhân. Thông báo của các đảng phái Bỉ đang chuẩn bị thành lập chính phủ mới về chủ trương đưa nước này thóat khỏi điện hạt nhân từ nay đến năm 2025, ngay lập tức đã gây chú ý nhiều ở Pháp.

Điều này là dễ hiểu, vì Công ty năng lượng Pháp GDF Suez là chủ khai thác của toàn bộ 7 lò phản ứng hạt nhân tại Bỉ.

Phụ trang kinh tế Le Figaro khẳng định việc « Bỉ ra khỏi hạt nhân » là một đòn trực diện giáng vào công ty năng lượng của Pháp.

Tờ báo cho biết, mặc dù chưa phải là một quyết định chính thức, chính phủ mới vẫn đang trong quá trình hình thành, nhưng một sự nhất trí như vậy trong liên minh cầm quyền tới đây cho thấy Bỉ đang chuẩn bị chuyển hướng căn bản kế hoạch năng lượng của mình. Ngay từ bây giờ nó đã gây ra một cơn « địa chấn nhỏ » trong tập đoàn GDF Suez. Hôm qua cổ phiếu của công ty đã giảm 6%. Tương lai của tập đoàn năng lượng số một của nước Pháp, mà thế mạnh chủ yếu là lĩnh hạt nhân, đang bị đe dọa.

Vì vậy, ngay từ bây giờ GDF đang phải chuyển hướng đẩy mạnh khai thác sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó trọng tâm là khai thác thị trường Trung Quốc. Để tăng cường sự hiện diện tại Trung Quốc, GDF hôm qua khẳng định đã mở cửa cho CIC, công ty đầu tư tài chính của nhà nước Trung Quốc góp 2, 3 tỷ euro tương đương 30% vốn của tập đoàn.

Taj Mahal báu vật của Ấn Độ đang bị đe dọa

Nói đến Ấn Độ, người ta không thể không nhắc tới quần thể di sản kiến trúc nổi tiếng Taj Mahal. Công trình lăng mộ nổi tiếng thế giới Taj Mahal, báu vật của Ấn Độ, được mệnh danh là « kỳ quan thứ tám của thế giới », được hoàng đế Moghol, gốc Mông Cổ, Shah Jahan cho dựng lên từ thế kỷ XVII làm nơi yên nghỉ cho người vợ của mình, giờ đây đang bị đe dọa vì ô nhiễm môi trường và số lượng du khách viếng thăm ngày càng đông.

Đặc phái viên của Le Figaro có bài phóng sự dài về tình trạng xuống cấp của công trình kiến trúc, một báu vật của trong kho tàng di sản văn hóa của Ấn Độ và của cả thế giới. Tác giả bài báo đưa độc giả đến với vùng Agra, nơi công trình Taj Mahal nguy nga tọa lạc từ gần 4 thế kỷ qua. Nhiều người dân địa phương từng gắn bó cả cuộc đời với địa danh và công trình kiến trúc này đều tỏ ra lo ngại Taj Mahal đang có nguy cơ bị biến mất. Một người buôn bán ba đời sống gần khu lăng mộ này cho biết « Taj Mahal đang bị đe dọa bởi nạn ô nhiễm môi trường, bởi nguy cơ khủng bố và bởi cả sức ép vì số lượng du khách đến thăm viếng không ngừng gia tăng ».

Ngoài ra công trình này đang còn bị mối đe dọa khác đó là nền móng của công trình đang bị biến dạng. Tòa lăng mộ Taj Mahal đường bệ bằng đá cẩm thạch trắng này được đặt trên nền móng độc đáo gồm 7 bức tường gỗ chôn trong lòng đất và luôn được giữ ẩm nhờ nguồn nước của con sông Yamuna cách đó không xa. Nhưng giờ đây con sông này đang cạn dần, không đủ giữ ẩm làm cho nền móng bằng gỗ bị biến dạng có thể làm cả công trình sụp đổ trong tương lai không xa. Mối lo ngại kỳ quan Ấn Độ bị hư hại này đã lên đến mức báo động buộc chính phủ trung ương phải ra tay tìm cách cứu Taj Mahal, ngôi đền tình yêu vĩnh cửu, từng được nhà thơ Ấn Độ Tagore ca ngợi như là « giọt nước mắt cô đơn lăn trên má thời gian ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.