Vào nội dung chính
NHÂN QUYỀN - MIẾN ĐIỆN

LHQ lo ngại về tình trạng nhân quyền ở Miến Điện, dù ghi nhận có tiến bộ

Hôm thứ hai 21/11/2011, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua một loạt nghị quyết về nhân quyền liên quan đến Miến Điện, Bắc Triều Tiên và Iran. Đối với quê hương của giải Nobel hòa bình 1991, Aung San Suu Kyi, Liên Hiệp Quốc ghi nhận những tuyên bố công khai tích cực của tổng thống Thein Sein, nhưng cùng lúc lên án chính sách « đàn áp có hệ thống » các quyền tự do cơ bản của dân chúng.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon (trái) với tổng thống Miến Điện Thein Sein, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Bali (Indonesia), 19/11/2011.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon (trái) với tổng thống Miến Điện Thein Sein, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Bali (Indonesia), 19/11/2011. REUTERS/Enny Nuraheni
Quảng cáo

Với 98 phiếu thuận và 25 phiếu chống, Đại Hồi Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết không có tính trói buộc đối với nhà cầm quyền Miến Điện.

Trước hết, nghị quyết ghi nhận : « Tổng thống Miến Điện đã công khai xác nhận quyết tâm thực hiện cải cách, hỗ trợ hòa giải dân tộc, bảo vệ nhân quyền, các quyền tự do cơ bản, phát huy nhà nước trong sạch, dân chủ và tôn trọng luật pháp ».

Nghị quyết cũng khen ngợi « các cuộc thương lượng giữa chính phủ và lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi » nhưng cùng lúc « khẩn thiết kêu gọi chính phủ phải tiến hành thêm những biện pháp đối thoại thực tình với các đảng chính trị khác » tại Miến Điện.

Mặc khác, Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh là, tại Miến Điện vẫn còn tình trạng « chà đạp nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của người dân một cách triền miên và có hệ thống ».

Đối với tình trạng thiếu nhân quyền tại Bắc Triều Tiên, nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc được sự ủng hộ của 122 phiếu thuận, so với vỏn vẹn 16 phiếu chống. Nghị quyết liệt kê một danh sách dài từ « những điều kiện giam cầm phi nhân, tự tiện bắt giam, xử tử tù nhân vì lý do chính trị, truy bức toàn gia, trại tù lao động cưỡng bách… ». Đại Hội Đồng quan ngại về chính sách « giới hạn khắt khe các quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo và ngôn luận » tại Bắc Triều Tiên.

Một chính sách cay nghiệt khác cũng được nhấn mạnh trong bản nghị quyết là « vi phạm quyền tự do kinh tế và văn hóa với hậu quả là làm cho phụ nữ, trẻ em, người già bị suy dinh dưỡng ».

Cũng trong ngày hôm qua, Iran đã bị phê phán mạnh mẽ nhất. Nghị quyết thông qua với 88 phiếu thuận và 32 phiếu chống lên án chính quyền hồi giáo Iran có những biện pháp tra tấn « độc ác và đê tiện ». Số án tử hình gia tăng một cách « khủng khiếp », đặc biệt là được áp dụng với thiếu niên.

AFP ghi nhận là, số quốc gia bảo vệ Iran chống nghị quyết nhân quyền đã giảm mạnh, từ 44 xuống còn 32.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.