Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc : Công nhân một nhà máy của Nhật tiếp tục đình công

AFP dẫn nguồn tin của một tổ chức bảo vệ người lao động cho biết gần một nghìn công nhân của một nhà máy thuộc tập đoàn Hitachi tại Thẩm Quyến tiếp tục kéo dài đình công sang ngày thứ 5.

Biểu tình của công nhân tại Thượng Hải, 5/12/2011.
Biểu tình của công nhân tại Thượng Hải, 5/12/2011. REUTERS/Carlos Barria
Quảng cáo

Cuộc đình công tại Thẩm Quyến này là một trong số hàng loạt các cuộc đấu tranh của người lao động liên tiếp nổ ra trong tháng qua tại tỉnh Quảng Đông, một tỉnh phía nam Trung Quốc vốn được coi là « công xưởng của thế giới », tập trung rất nhiều nhà máy chế biến, gia công phục vụ xuất khẩu của Trung Quốc.

Theo tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động China Labor Watch có trụ sở tại Hoa Kỳ, gần một nghìn công nhân của nhà máy chế tạo ổ cứng Hailiang Storage Products.Co đã ngừng làm việc từ đầu tuần để phản đối lãnh đạo xí nghiệp đối xử tồi tệ với người lao động. Nhà máy này thuộc tập đoàn Hitachi của Nhật đang chuẩn bị được chuyển nhượng cho chủ đầu tư người Mỹ là công ty Western Digital.

Các công nhân đình công giương khẩu hiệu «các công ty Nhật ngược đãi người Trung Quốc một cách trắng trợn».

Làn sóng các cuộc đấu tranh xã hội của công nhân Trung Quốc ngày càng lan rộng. Các yêu sách chủ yếu của người đình công vẫn là tiền lương và điều kiện làm việc. Vì phải đối mặt với cạnh tranh, nên nhiều công ty gia công tại Trung Quốc buộc phải giữ mức lương công nhân thấp, trong khi đời sống của họ ngày càng đắt đỏ.

Xuất khẩu, một nguồn lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, giờ đây dường như cũng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi cuộc cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và tình trạng kinh tế Mỹ đình trệ.

Tháng trước, hơn 7000 công nhân trong tỉnh Quảng Đông đã đình công, sau khi một nhà máy gia công giầy sa thải hàng loạt công nhân. Bên cạnh đó, công nhân của nhiều nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài trong tỉnh cũng đã dùng hình thức đấu tranh này để đòi cải thiện điều kiện làm việc hoặc phụ cấp thêm giờ.

Vẫn tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đang phải chịu sức ép của dân chúng về hiện tượng ô nhiễm không khí.

AFP cho biết, từ khi tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô Bắc Kinh lên tới mức nghiêm trọng khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy, hơn 1500 người dân đã trực tiếp liên hệ với Bộ Môi trường để đòi hỏi phải có những thay đổi việc giám sát tình trạng ô nhiễm, đồng thời người dân cũng tố cáo chính quyền đã coi nhẹ vấn đề ô nhiễm không khí, nhất là khi chất lượng không khí đã được các thiết bị đo của Sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh cảnh báo từ trước.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.