Vào nội dung chính
CAM BỐT - TỘI ÁC KHMER ĐỎ

Tòa án tội ác diệt chủng Khmer Đỏ: Nuon Chea vu cáo Việt Nam

Đầu tuần qua, tại Tòa Án Xử Tội Ác Diệt Chủng của các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ, Nuon Chea, nhân vật số 2 của chế độ Polpot đã đổ trách nhiệm cho Đảng Cộng sản Việt Nam là thủ phạm của chính sách diệt chủng người Khmer.Từ Phnom Penh, thông tín viên Phạm Phan tường trình. 

Nhân vật số 2 chế độ diệt chủng Khmer Đỏ Noun Chea tại phiên tòa ngày 05/12/2011, Phnom Penh
Nhân vật số 2 chế độ diệt chủng Khmer Đỏ Noun Chea tại phiên tòa ngày 05/12/2011, Phnom Penh REUTERS
Quảng cáo

08:51

Thông tín viên Phạm Phan - Phnom Penh-11/12/2011

Đầu tuần này, Tòa Án Xử Tội Ác Diệt Chủng đã tiến hành hỏi cung 3 nhân vật trọng phạm của Đảng Cộng Sản Cam Bốt về tội đã sát hại, bằng nhiều hình thức, khoảng 2 triệu dân. Bị cáo đầu tiên là Nuon Chea. Cũng như Ieng Sary và Khieu Samphang, Nuon Chea từ lúc bị tạm giam cho đến lúc ra tòa đều giữ một thái độ ngoan cố quyết không chịu nhận tội lỗi.

Nuon Chea có tên khai sinh là Lau Ben Kon sinh ngày 7/7/1926 tại Voat Kor tỉnh Battambang trong gia đình người Khmer gốc Hoa. Trong thập niên 1940, Nuon Chea học tại Đại Học Thammasat ở Bangkok, Thái Lan. Khởi đầu trong lĩnh vực chính trị, Nuon Chea hoạt động cho Đảng Cộng Sản Thái tại Bangkok. Tháng 9/1960, Nuon Chea được bầu vào chức vụ Phó Tổng Bí Thư Đảng Công Nhân Cam Bốt (sau này đổi tên thành Đảng Cộng Sản Cam Bốt).

Điểm đặc biệt trong cuộc hỏi cung, Nuon Chea đã có những câu trả lời làm chấn động người dân tham dự cũng như giới báo chí quốc tế đang theo dõi phiên xử. Theo Nuon Chea, những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Cam Bốt không có tội, họ là người ái quốc, và chính đồng chí cũ của họ trước đây , tức Đảng Cộng Sản Việt Nam là thủ phạm trong tội ác diệt chủng người Khmer.

Thông tin trên mạng ngày 9/12/2011 của Đài Phát Thanh ABC Australia trích dẫn phát biểu của Nuon Chea như sau:”Mọi việc đều do Việt Nam kiểm soát, với tổng hành dinh từ Hà Nội. Vì thế những tội ác như, tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại và diệt chủng là do người Việt giết người Khmer.”

Còn theo báo mạng Phnom Penh Post ngày 7/12/2011 viết rằng: ”Trong ngày hỏi cung thứ hai, Người Anh Hai vẫn giữ nguyên lập trường của ông ta, tức là, không phải Khmer Đỏ mà chính Việt Nam, một quốc gia đã nuốt chửng Cam Bốt và có ý định diệt chủng người Khmer.” Vẫn theo Nuon Chea, mong muốn thôn tính lãnh thổ Cam Bốt của Việt Nam đến nay vẫn còn.

Theo cách giải thích của báo Phnom Penh Post: Khmer Đỏ có mối quan hệ phức tạp với Đảng Cộng Sản Việt Nam, chính Nuon Chea từng nhận được sự huấn luyện về chính trị và quân sự của Cộng Sản Việt Nam, và có thời gian từ năm 1951 đến năm 1953 sống tại Việt Nam, Nuon Chea cũng giữ vai trò liên lạc với Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Ông Youk Chhang, Giám Đốc Trung Tâm Tài Liệu Cam Bốt nói như sau, không còn gì bí mật về sự kiện cấp lãnh đạo Khmer Đỏ được Cộng Sản Việt Nam huấn luyện, hai đảng này vì quan hệ ngoại giao nên gắn bó với nhau, thế nhưng sau đó trở thành thù địch.

Tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ trong lịch sử Cam Bốt

Từ nhiều năm nay, cứ đến tháng Tư hay tháng Giêng hàng năm, hai thời điểm ghi nhớ ngày Khmer Đỏ kéo vào Phnom Penh, và lúc chế độ diệt chủng bị đánh bại, hệ thống truyền thanh, truyền hình của Nhà nước cho trình chiếu, phát đi phát lại các hình ảnh, câu chuyện khổ đau, chết chóc trong thời Khmer Đỏ cầm quyền.

Những người ở lứa tuổi trên 45 hiện nay vẫn còn hồi ức đau thương mất mát khi sống dưới thời Khmer Đỏ. Những kỷ niệm đau buồn đó vẫn được truyền khẩu tự nhiên trong sinh hoạt gia đình, rồi lan rộng trong các quan hệ xã hội.

Tháng 2/2009, Bộ Giáo Dục phát hành 500.000 cuốn sách nói về lịch sử chế độ diệt chủng để dạy cho học sinh tiểu học và trung học vì các em ít biết về nạn diệt chủng. Quyển sách này lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Cam Bốt, có sự phụ giúp tích cực của Trung Tâm Tài Liệu.

Trong năm 2010, Trung Tâm Tài Liệu cho tiến hành chiến dịch "giáo dục nhận thức về tội ác Khờ Me Đỏ". Cũng trong năm 2010, họ dự định kế hoạch treo hai biểu ngữ thường xuyên trong khuôn viên 1.700 trường trung học trên toàn quốc vào năm 2011, và được Bộ Giáo Dục chấp thuận. Theo ông Youk Chhang, Giám Đốc Trung Tâm Tài Liệu, việc thực hiện kế hoạch treo hai biểu ngữ chống chế độ diệt chủng mang mục đích giáo dục và lưu truyền dữ kiện về thời kỳ Kampuchea Dân Chủ cai trị đất nước.

Riêng về những người Khmer gốc Việt cũng là nạn nhân. Ông Prak Sam-on đang sống tại tỉnh Kampong Chhnang nói chính mắt ông thấy các anh chị em trong gia đình bị quân Khmer Đỏ bắt đem đi giết chết. Cá nhân ông may mắn sống sót vì bỏ trốn qua đất Việt Nam. Ông Lach Kry 66 tuổi, cũng một người Khmer gốc Việt, đang sống tại tỉnh Prey Veng cho biết là 28 người thân trong dòng họ của ông đã bị Khmer Đỏ sát hại hết.

Báo mạng của Việt Nam cũng đã có một số bài viết liên hệ đến phiên xử các đầu não chế độ Kampuchea Dân Chủ. Ngày 9/12/2011, báo Pháp Luật với đầu đề “Nỗi đau thức giấc sau hơn 30 năm ngủ quên” có đoạn như sau, xin trích nguyên văn: “Ieng Sary là một nhân vật đầy quyền uy trong chế độ diệt chủng tại xứ Chùa Tháp. Ai cũng biết sau Pol Pot chính là Ieng Sary. Là người hoạch định chính sách diệt chủng, y chủ trương tàn sát Việt kiều, đánh phá giết hại người Việt ở biên giới Việt Nam - Campuchia, mà đỉnh điểm là vụ thảm sát Ba Chúc ở huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang). Chưa có vụ thảm sát nào, chưa có tội ác nào kinh hoàng và rùng rợn như thế. Vùng đất nhỏ bé này đã phải chịu đựng 30 lần tấn công của Khmer Đỏ. Lũ sát nhân đã thảm sát 3.157 người Việt Nam vô tội từ ngày 18 - 30/4/1978, với đủ mọi cách giết người ghê tởm nhất.”

Thái độ của các đảng phái chính trị tại Cam Bốt

Trong xã hội Khmer cho đến tận giờ này, vấn đề Việt Nam đưa quân vào lãnh thổ Cam Bốt hồi tháng 12/1979 vẫn bị phân làm hai luồng phản ứng khác nhau. Một thì mang ơn bộ đội Việt Nam có công đánh đổ chế độ hung bạo, một thì với tinh thần quốc gia chống Việt Nam, họ cho rằng sự kiện bộ đội đóng quân 10 năm trên đất nước họ là hành vi xâm lược và thôn tính; Và chính quyền Cam Bốt đương nhiệm chỉ là tay sai của Hà Nội. Tiêu biểu nhất trong loại phản ứng thứ hai này là Đảng Sam Rainsy, chính đảng đối lập lớn nhất hiện nay.

Ngày 25/12/1978, nhân lúc nhiều nước trên thế giới đang đón mừng lễ Giáng Sinh. Hà Nội phát động đợt tấn công với quy mô lớn bao gồm từ 12 tới 14 sư đoàn chủ lực đánh vào xứ Chùa Tháp với mục tiêu loại trừ bộ máy cầm đầu của chế độ Khmer Đỏ.

Một năm sau đó, ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc tung 9 quân đoàn chủ lực và khoảng 30 sư đoàn bộ binh độc lập tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Mục tiêu của Trung Quốc là để giải tỏa bớt áp lực đang đè nặng trên dư đảng Pol Pot tại rừng núi Tây Bắc và buộc Hà Nội phải rút quân khỏi xứ Chùa Tháp, nhưng bất thành.

Điểm lại tổng quát hai sự kiện lịch sử này trong khối “Vô Sản” “đoàn kết” để thấy được quan hệ Khmer Đỏ - Bắc Kinh, và cũng để hiểu vì sao Nuon Chea cực lực buộc tội cho Việt Nam.

Phản ứng của chính phủ Hun Sen

Điều chắc chắc là, các lời khai của Nuon Chea đổ tội cho Việt Nam đã gây lúng túng cho ông Hun Sen, khi hiện nay chính quyền ông có khuynh hướng ngã về Bắc Kinh vì sức ép của viện trợ tài chính.

Theo ông Eang Sophalleth, cố vấn cho ông Hun Sen nói với Phnom Penh Post, nhân chuyến viếng thăm của ông Nguyễn Phú Trọng, thì Thủ Tướng Hun Sen đã nói lời cám ơn Việt Nam vì công lao giải phóng Cam Bốt khỏi họa diệt chủng.

Liên hệ đến sự kiện này, ngày 9/12/2011, báo mạng Công An Nhân Dân có bài viết với đầu đề “Ngoại trưởng Campuchia bác bỏ ngụy biện của Khmer Đỏ”, xin trích nguyên văn một đoạn như sau: “Tin từ nhật báo Rasmei Kampuchea cho biết, hôm 7/12, sau cuộc tiếp kiến với Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong đã bác bỏ hoàn toàn những lời nói của cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Nuon Chea. Trả lời phóng viên sau cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Hor Namhong khẳng định: "Đấy chỉ là những lời bao biện của kẻ phạm tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người. Sự thật hoàn toàn khác".

Sau hết, sự thật hiển nhiên có rất nhiều người tán đồng: Chủ Nghĩa Marx –Lenin là động lực chính thúc đẩy Pol Pot chủ trương xây dựng “xã hội không giai cấp” trong giai đoạn 1975-1979 với hậu quả để lại gần 2 triệu sọ người.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.