Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HOA KỲ

Cái chết của Kim Jong Il gây trở ngại cho chính sách Bắc Triều Tiên của Hoa Kỳ

Trong nhiều tháng qua, chính quyền Obama đã kín đáo tìm cách thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình. Thế nhưng, cái chết đột ngột của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il đã khiến cho các nỗ lực của Washington có nguy cơ phải tạm dừng, đẩy lùi triển vọng giải trừ vũ khí nguyên tử trên bán đảo Triều Tiên mà Hoa Kỳ mong muốn.

Dân chúng Bắc Triều Tiên tỏ lòng thương tiếc ông Kim Jong Il. Ảnh ngày 20/12/2011.
Dân chúng Bắc Triều Tiên tỏ lòng thương tiếc ông Kim Jong Il. Ảnh ngày 20/12/2011. Reuters
Quảng cáo

Thái độ bối rối của Mỹ, theo nhật báo Los Angeles Times số ra ngày hôm qua, đã bộc lộ rõ trong việc chính quyền Obama phân vân không biết phản ứng sao sau khi được tin Kim Jong Il qua đời. Một trong những vấn đề được đặt ra là Hoa Kỳ có nên chính thức gởi lời chia buồn đến Bắc Triều Tiên hay không, sau khi một số chuyên gia cho rằng nếu không làm thì sẽ khiến cho lãnh đạo tương lai tại Bình Nhưỡng là Kim Jong Un phật ý.

Rốt cuộc thì ngành ngoại giao Mỹ đã chọn thái độ im lặng, biến Hoa Kỳ là nước duy nhất trong vòng đàm phán 6 bên về hạt nhân Bắc Triều Tiên không chia buồn với chế độ Bình Nhưỡng. Ngay cả Nhật Bản, vốn rất cứng rắn với Bắc Triều Tiên, cũng đã nhanh chóng làm việc này.

Điều khiến cho Hoa Kỳ thực sự lúng túng, theo các nhà phân tích, là việc chính quyền Mỹ không biết được là ai sẽ thực sự nắm quyền tại Bình Nhưỡng. Kim Jong Un là người được chính thức chọn lên thừa kế, nhưng thời gian chuẩn bị không nhiều, lại quá trẻ, cho nên chưa thể biết là ông có thể khẳng định được quyền lực của mình hay không.

Trong thời gian qua, khi ông Kim Jong Il còn sống, các nhà ngoại giao Mỹ đã ít nhiều hiểu được cách ứng xử của nhân vật này. Trong những tháng qua, một trong những ưu tiên mà Washington đặt ra là gây sức ép trên Bắc Triều Tiên để nước này đình chỉ chương trình làm giầu Uranium, dùng đó làm tiền đề cho việc tái lập vòng đàm phán 6 bên về giải trừ vũ khí hạt nhân của chế độ Bình Nhưỡng.

Để đánh đổi lấy các nhượng bộ trên, Hoa Kỳ đã sắn sàng tái cung cấp lương thực và các khoản viện trợ nhân đạo khác mà nước này đang rất cần.

Chính sách cây gậy và củ cà rốt truyền thống đó trong những ngày gần đây đã có dấu hiệu gặt hái được kết quả bước đầu. Các cuộc gặp gỡ song phương kín đáo tại Bắc Kinh vào cuối tuần qua đã chuyển qua việc thảo luận các biện pháp cụ thể, theo đó Hoa Kỳ cung cấp viện trợ còn Bắc Triều Tiên đình chỉ chương trình làm giàu uranium.

Một số nguồn tin còn cho biết là hai bên cũng thảo luận thêm về việc tái lập chương trình hồi hương hài cốt lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến tranh Triều Tiên vào đầu thập niên 1950.

Tất cả những cuộc đàm phán nói trên hiện đã bị đình hoãn do việc ông Kim Jong Il từ trần, ít ra là trong suốt thời gian Bắc Triều Tiên chịu tang lãnh đạo của họ. Một cách cụ thể, giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết là họ đã tạm ngưng kế hoạch gởi 240.000 tấn viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên, khoản trợ giúp lương thực đầu tiên mà Mỹ dành cho quốc gia châu Á này trong gần ba năm nay.

Vấn đề là liệu chế độ mới tại Bình Nhưỡng có tiếp tục tiến trình đàm phán với Mỹ trên vấn đề hật nhân hay không ? Câu hỏi này hiện chưa có đáp án, những rõ ràng là ngay cả khi đã chết đi, ông Kim Jong Il cũng gây khó khăn cho Hoa Kỳ, chẳng khác chi lúc ông còn sống.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.