Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Trung Quốc trong giai đoạn chuyển giao quyền lực tại Bắc Triều Tiên

Đăng ngày:

Tiến trình chuyển tiếp tại Bắc Triều Tiên sẽ đi theo chiều hướng nào ? Kim Jong Un giải quyết hồ sơ hạt nhân ra sao và đâu là vai trò của Trung Quốc trong giai đoạn sắp mở ra cho thế hệ lãnh đạo thứ ba của Bắc Triều Tiên ? Phân tích của chuyên gia về chiến lược Valérie Niquet và nhà nghiên cứu Marianne Peron Doise thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, IFRI.

Chủ tịch Trung Quốc đến viếng Kim Jong Il tại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc đến viếng Kim Jong Il tại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Bắc Kinh. Reuters
Quảng cáo

Bắc Triều Tiên thông báo về cái chết của ông Kim Jong Il vào lúc Bình Nhưỡng và Washington vừa bắt đầu nối lại đối thoại trên hồ sơ hạt nhân và về khả năng Mỹ viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc lập tức đặt quân đội trong tình trạng báo động đề phòng những diễn biến bất ngờ có thể xảy ra ở bên kia vĩ tuyến 38. Về mặt chính thức hai nước Triều Tiên vẫn chưa ký hòa ước sau chiến tranh Triều Tiên năm 1953.

Chính phủ Nhật cũng đã họp khẩn cấp để theo dõi tình hình Bắc Triều Tiên. Đồng minh của Nhật Bản và Hàn Quốc là Hoa Kỳ tuyên bố « theo dõi sát tinh tức về cái chết của ông Kim Jong Il và giữ liên lạc chặt chẽ với Tokyo và Seoul ». Washington dưới thời tổng thống George W Bush từng đặt Bắc Triều Tiên vào « trục tội ác ». Riêng Trung Quốc kêu gọi nhân dân Bắc Triều Tiên đoàn kết bên cạnh tân lãnh đạo Kim Jong Un.

Bắc Triều Tiên đóng lại thời đại 17 năm Kim Jong Il trị vì đất nước với một bàn tay sắt. Ông lên cầm quyền năm 1994, chỉ bước ra ánh sáng sau khi lãnh tụ tối cao là Kim Nhật Thành qua đời, cho dù ông đã được chỉ định là người kế nghiệp cha từ 14 năm trước đó.

Một trong những đỉnh điểm của thời kỳ 17 năm ở chức vụ tối cao là vào tháng 6/2000, Kim Jong Il đã tiếp tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Thượng đỉnh ấy mở đường cho việc đôi bên hợp tác kinh tế và cho phép các gia đình bị ly tán từ khi đất nước bị phân đôi, được sum họp định kỳ.

Nhưng tiến trình xích lại gần với nước láng giềng phương Nam ấy cũng đầy sóng gió như những gì đã xảy ra ở đặc khu kinh tế núi Kim Cương. Đến nay, quan hệ liên Triều vẫn còn căng thẳng.

Trả lời phỏng vấn ban tiếng Việt RFI, chuyên gia về chiến lược, Valérie Niquet, giám đốc đặc trách khu vực Châu Á thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến lược của Pháp cho rằng thành tựu rõ rệt nhất của ông Kim Jong Il là củng cố quyền lực của gia đình họ Kim trong những điều kiện kinh tế và chiến lược khá khó khăn :

« Đối với dân chúng Bắc Triều Tiên, những năm tháng Kim Jong Il rất đen tối : tình hình kinh tế bị sa sút một cách nghiêm trọng, quốc gia này ngày càng bị cô lập. Hậu quả là một phần dân số bị chết đói và thiếu dinh dưỡng. Tuy nhiên phe phái và gia đình họ Kim đã củng cố được quyền lực trong những điều kiện hết sức khó khăn.

Kim Jong Il đã dùng chính sách vừa dụ, vừa dọa để làm chủ tình hình đồng thời khai thác tối đa hậu thuẫn từ phía Trung Quốc và điều rõ rệt nhất là ông đã thuyết phục được Bắc Kinh yểm trợ cho cậu con trai kế nhiệm mình. Bắc Triều Tiên bước vào triều đại thứ ba của giòng họ Kim. Không ai biết trước là chế độ này sẽ còn tồn tại được bao lâu nhưng gia đình này đang cai trị đất nước và đó cũng chính là công lao của ông Kim Jong Il vừa nằm xuống »

Ba thế hệ lãnh đạo Bắc Triều Tiên của dòng họ Kim
Ba thế hệ lãnh đạo Bắc Triều Tiên của dòng họ Kim Reuters

Ẩn số lớn nhất mà các chuyên gia về tình hình bán đảo Triều Tiên lo ngại là rạn nứt trong nội bộ tại Bình Nhưỡng. Theo phân tích của chuyên gia Valérie Niquet, tranh chấp nội bộ Bắc Triều Tiên trong thời điểm chuyển giao quyền lực là điều không tránh khỏi :

« Chính quyền Bắc Triều Tiên rất khép kín- còn khép kín hơn cả Trung Quốc nữa, nên không ai biết gì nhiều về những chuyện đang xảy ra ở bên trong. Nếu tất cả diễn ra như dự kiến, con trai Kim Jong Il là Kim Jong Un sẽ lên lãnh đạo thay cha. Nhưng Kim Jong Un còn rất trẻ và bên cạnh anh ta còn có cả một phe phái hoạt động theo kiểu các băng đảng mafia - họ hoạt động theo kiểu băng đảng mafia nhiều hơn là theo kiểu của một đảng phái chính trị- 

Những người chung quanh Kim Jong Un ở thượng tầng cơ quan quyền lực sẽ tìm đủ mọi cách đề duy trì vị trí của họ. Đương nhiên là sẽ có những vụ tranh giành và những rạn nứt giữa một bên là phe bảo thủ và bên kia là những người chủ trương cải tổ để tồn tại. Phe này muốn duy trì Bắc Triều Tiên như hiện nay -đây là điều mà Trung Quốc mong muốn- tức là một chế độ rất khép kín về phương diện chính trị, nhưng chấp nhận mở cửa về mặt kinh tế, đồng thời cải thiện quan hệ với cộng đồng quốc tế. Điều đó có nghĩa là Bình Nhưỡng sẽ phải tỏ thái độ hòa hoãn hơn so với thời kỳ vừa qua.

Trong hàng ngũ lãnh đạo Bắc Triều Tiên có một số người cho rằng, đây sẽ là thượng sách. Thế nhưng chiến lược phát triển đó phải có được sự đồng thuận của phe quân đội. Đừng quên rằng quân đội có một trong lượng rất lớn trong tất cả các hoạt động kinh tế, chính trị của Bắc Triều Tiên và phe này lo ngại tiến trình mở cửa sẽ dẫn tới sự sụp đổ của chế độ. Do vậy bên quân đội có nhiều khả năng nghiêng về giải pháp tiếp tục kiểm soát tình hình với một bàn tay sắt và vẫn dùng lá bài hù dọa để bảo đảm cho sự sống còn của đảng cộng sản Bắc Triều Tiên »

Về mặt đối ngoại, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI bà Marianne Peron Doise cho rằng chính quyền mới tại Bình Nhưỡng sẽ thận trọng và tránh gây hấn với các nước láng giềng chung quanh trong giai đoạn chuyển tiếp :

« Chúng ta có cảm tưởng là một thời kỳ đầy bất trắc đang mở ra với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên theo tôi, các nước lớn có liên quan đến tình hình bán đảo Triều Tiên, như là Hoa Kỳ, Trung Quốc hay Hàn Quốc đều đã nỗ lực để làm chủ tình hình, hay ít ra là các bên đã phản ứng một cách bình tĩnh và chừng mực. Bản thân chính quyền Bình Nhưỡng cũng có lợi khi chứng tỏ rằng việc thay đổi lãnh đạo diễn ra êm đẹp.

Tôi cũng xin lưu ý là chính quyền Bắc Triều Tiên đã chứng tỏ là họ không có gì phải giấu giếm : Bình Nhưỡng đã nhanh chóng thông báo tin ông Kim Jong Il qua đời. Ngoài ra quá trình chọn người kế vị chủ tịch Bắc Triều Tiên cũng đã diễn ra một cách ‘có trật tự’ cho dù là giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã chạy nước rút trong 12 tháng qua để chỉ định người lên thay thế ông Kim Jong Il. Những yếu tố trên cho thấy dường như tất cả các bên liên quan cùng muốn tránh để xảy ra sự cố dẫn tới căng thẳng tại khu vực bán đảo Triều Tiên

Trong năm 2010 quan hệ liên Triều đã đột ngột trở nên căng thẳng sau hàng loạt các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng. Hiện tại hồ sơ giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên vẫn chưa giải quyết xong. Cho nên đây không phải là thời điểm để các bên gây hấn thêm. Chúng ta thấy là cả Hoa Kỳ, Hàn Quốc lẫn Nhật Bản đều phản ứng chừng mực về cái chết của ông Kim Jong Il »

Câu hỏi đang được đặt ra là liệu tân lãnh đạo Kim Jong Un sẽ giải quyết hồ sơ phi hạt nhân Bắc Triều Tiên ra sao. Chuyên gia Marianne Peron Doise phân tích về những khả năng đang mở ra cho Bình Nhưỡng :

« Về câu hỏi Kim Jong Un có phương tiện tiếp tục tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên hay không, tôi tin rằng ở đây, một phần là chiến lược của Bình Nhưỡng để thương lượng với quốc tế. Trong 10 năm trở lại đây ông Kim Jong Il đã rất khôn khéo trong các cuộc đàm phán. Do vậy tôi tin rằng Bắc Triều Tiên sẽ trở lại các vòng thương thuyết, ít ra là để chứng tỏ thiện chí của Bình Nhưỡng và chứng minh với thế giới là có một sự tiếp nối trong chính sách của Bắc Triều Tiên trên hồ sơ này. Qua đó ê kíp lãnh đạo mới chứng tỏ là họ đang làm chủ tình hình và thậm chí là còn ở thế mạnh.

Dù sao đi chăng nữa thì từ mùa hè 2011, Bắc Triều Tiên đã cố gắng nối lại đối thoại với cộng đồng quốc tế qua các cuộc họp ít nhiều mang tính chính thức. Phương Tây hay nói đến tiến trình 'phi hạt nhân hóa' Bắc Triều Tiên, nhưng bản thân Bình Nhưỡng chưa từng chính thức cam kết là họ sẽ chấp thuận điều này.

Theo tôi thì sắp tới Bắc Triều Tiên sẽ  nối lại đàm phán, chủ yếu là để ‘câu giờ’, để kéo dài thời gian tương tự như chiến lược của ông Kim Jong Il trước đây.

Ngoài ra Bắc Triều Tiên cũng sẽ tỏ ra hòa hoãn để đổi lấy ít nhiều viện trợ kinh tế. Tuy nhiên trong quá khứ Bình Nhưỡng đã nhiều lần trở mặt nên tôi nghĩ là phía Mỹ cũng sẽ thận trọng chứ không quá vồn vã trước những thiện chí của Bắc Triều Tiên.

Với đà này, tôi cho rằng tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên có thể đình chỉ chương trình hạt nhân nhưng có nhiều khả năng là Kim Jong Un sẽ không thể nhượng bộ quá nhiều. Vì ông ta sẽ phải tạo dựng uy tín của mình đối với các tầng lớp lãnh đạo lão thành của Bình Nhưỡng.

Nói cách khác hồ sơ hạt nhân như là chiếc phao cuối cùng của chế độ Bắc Triều Tiên mà Kim Jong Un không thể đánh mất chiếc phao quý giá đó ».

Ảnh tuyên truyền của chế độ Bình Nhưỡng
Ảnh tuyên truyền của chế độ Bình Nhưỡng Reuters

Kim Jong Il ra đi để lại một đất nước kiệt quệ vì chính sách cấm vận của cộng đồng quốc tế kể từ sau đợt thử nghiệm bom nguyên tử và tên lửa. Từ năm 2006 Bắc Triều Tiên ngày càng dựa vào ông anh cả Trung Quốc để bù lại với khoảng trống mà Mỹ và Hàn Quốc để lại. Trong 18 tháng cuối đời, lãnh đạo số 1 Bắc Triều Tiên Kim Jong Il đã bốn lần công du Trung Quốc và lần cuối, vào tháng 5/2011, Bắc Kinh đồng ý yểm trợ cho Kim Jong Un, 28 tuổi, cậu con trai thứ ba của lãnh tụ Bắc Triều Tiên lên cầm quyền.

Về phần mình Bắc Kinh không còn che đậy ý đồ coi Bắc Triều Tiên như sân sau của mình tại khu vực để làm đối trọng với sự hiện diện của Hoa Kỳ  bên cạnh hai đồng minh lâu đời của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản. Bên cạnh các mục tiêu chiến lược, Trung Quốc còn muốn khai thác những lợi ích về kinh tế.

Nhìn từ góc độ của nhà nghiên cứu chiến lược châu Á, Valérie Niquet thì Bắc Kinh đang tìm cách duy trì mối quan hệ đặc biệt với Bắc Triều Tiên vì hai mục đích :

« Đương nhiên Trung Quốc muốn duy trì quan hệ đặc biệt với chính quyền mới của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên người dân Trung Quốc qua các trao đổi trên mạng internet đã gần như vui mừng đón nhận tin Kim Jong Il qua đời và họ chế nhạo các màn đóng kịch cho thấy dân chúng Bắc Triều Tiên lăn lộn khóc thương vị 'lãnh tụ kính yêu' Kim Jong Il. Người dân Trung Quốc nhận thấy là chế độ cộng sản Bình Nhưỡng đã lỗi thời cho nên một tầng lớp trong xã hội Trung Quốc sẽ cảm thấy khó hiểu khi Bắc Kinh cưu mang người anh em cộng sản Bắc Triều Tiên.

Về phần mình các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn đóng một vài trò quan trọng trong tiến trình chuyển giao quyền lực tại Bắc Triều Tiên, để qua đó áp đặt quan điểm của mình. Trung Quốc muốn gì ? Trung Quốc muốn Bắc Triều Tiên mở cửa kinh tế, nhưng quyền lực vẫn được đặt trong tay đảng Lao động Triều Tiên. Trung Quốc cũng đang nhòm ngó đến những quyền lợi kinh tế một khi Bắc Triều Tiên cởi trói kinh tế.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Bắc Triều Tiên và đã đầu tư rất nhiều vào hạ tầng cơ sở của quốc gia đông bắc Á này. Tôi nghĩ là Bắc Kinh sẽ củng cố vai trò của mình đối với Bắc Triều Tiên cũng như đối với tiến trình đàm phán đa phương của Bình Nhưỡng và nhất là trong đối thoại giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Dưới thời đại của ông Kim Jong Il không phải lúc nào Trung Quốc cũng có thể áp đặt quan điểm của mình với đồng minh bướng bình là Bắc Triều Tiên".

Nhiều nhà quan sát cho rằng Trung Quốc bằng mọi giá muốn duy trì ổn định tại Bắc Triều Tiên nhằm đề phòng làn sóng người tị nạn tràn qua biên giới trong trường hợp chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ. Thế nhưng theo bà Niquet đây không phải là lý do duy nhất :

« Chưa chắc là trong trường hợp chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ người dân Bắc Triều Tiên tràn sang biên giới Trung Quốc. Nếu như chế độ bn sụp đổ, dân chúng Bắc Triều Tiên có khuynh hướng tràn sang Hàn Quốc nhiều hơn, hoặc họ chờ đợi tiến trình thống nhất đất nước.

Tuy nhiên điều khiến Trung Quốc lo ngại là dân cư tại khu vực sát biên giới với Bắc Triều Tiên phần lớn là người gốc Triều Tiên, một khi thống nhất thành phần này sẽ liên kết với người Triều Tiên ở bên kia biên giới, đặt lại vấn đề về lằn ranh quy định chủ quyền lãnh thổ".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.