Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Nhức đầu vì tiểu blog vi bác, Trung Quốc dùng liệu pháp kiểm duyệt

Kể từ ngày 22/12/2011, số lượng thành phố Trung Quốc buộc người sử dụng tiểu blog dạng Twitter phải đăng ký tên thật đã gia tăng. Sau Bắc Kinh, đến lượt Quảng Châu và Thẩm Quyến áp dụng quy định này. Biện pháp buộc khai tên thật được coi là nhằm kiểm duyệt các thông tin bất lợi cho chính quyền.

DR
Quảng cáo

Theo Tân Hoa Xã, quy định được ban hành hoàn toàn "phù hợp với luật pháp Trung Quốc" và nhằm "thúc đẩy một nền văn hóa lành mạnh của Internet", giúp "làm sạch môi trường Internet vào lúc các thông tin ngụy tạo thường được lan truyền qua các tiểu blog". 

Ngay từ tháng 10/2011, chính quyền Trung Quốc đã báo trước là sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn các mạng xã hội để ngăn ngừa việc sử dụng Internet truyền bá những tin đồn dối trá. Thế nhưng rõ ràng là chính quyền cũng lo về việc tiểu blog – gọi là vi bác - và các trang web khác, bị sử dụng để huy động các phong trào phản đối có khả năng gây mất ổn định. 

Phải nói là thoạt đầu, chính Nhà nước Trung Quốc đã tạo điều kiện cho các tiểu blog phát triển.

Gậy ông lại đập lưng ông

Cách đây hai năm, sau khi thấy rõ vai trò của Twitter và Facebook trong các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Iran, Bắc Kinh đã quyết định ngăn chặn hai mạng xã hội này trên lãnh thổ Trung Quốc. Song song với việc đó, chính quyền đã khuyến khích người Trung Quốc phát triển các trang mạng tương tự, với hy vọng là các công ty trong nước sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu của chính phủ.

Kết quả là trong một thời gian ngắn, các tiểu blog vi bác đã nhanh chóng phát triển, để vượt mức 300 triệu tài khoản theo số liệu chính thức được tiết lộ vào hạ tuần tháng 10, cho dù số người dùng tiểu blog chỉ khoảng 63 triệu mà thôi.

Thế nhưng, cũng từ lúc đó, mạng vi bác đã được người Trung Quốc sử dụng để truyền cho nhau những thông tin mà các phương tiện truyền thông do chính quyền kiểm soát không quan tâm hay muốn ém nhẹm.

Vụ tai nạn tàu cao tốc gần Ôn Châu cuối tháng 7/2011đã nổi cộm trong công luận Trung Quốc chính là nhờ các blogger. Gần đây hơn, là vụ dân làng Ô Khảm nổi dậy chống trưng thu đất đai, với các thông tin được truyền đi qua mạng internet… Ngoài ra còn biết bao tin tức về các hành vi tham nhũng, lạm quyền của các quan chức bị vạch trần trên mạng vi bác, khiến hình ảnh chính quyền bị tổn thương.

Bắt đăng ký tên thật đồng nghĩa với buộc tự kiểm duyệt

Các sự kiện trên đã đẩy chính quyền Trung Quốc vào tình thế khó khăn, buộc họ phải tìm cách hạn chế các thông tin truyền qua mạng vi bác bằng quyết định buộc người sử dụng khai tên thật.

Một trong những hệ quả của việc phải khai báo tên thật là người sử dụng tiểu blog sẽ không còn mạnh bạo trong việc tố cáo các hành vi bất công hay tham nhũng vì sợ bị lộ tông tích và bị trả thù. Việc bắt người dùng đăng ký tên thật do đó sẽ dẫn đến việc buộc người đó tự kiểm duyệt, và hạn chế quyền tự do ngôn luận ở mọi cấp độ.

Đối với chính quyền Trung Quốc, biện pháp này không phải là không có ảnh hưởng. Cho đến nay, các thông tin trên internet, trên các mạng xã hội nói chung, và trên mạng vi bác nói riêng, là hàn thử biểu giúp các nhà lãnh đạo nắm bắt được dân tình.

Nếu phương tiện này bị hạn chế, chính quyền Trung Quốc có nguy cơ bị rơi vào tình trạng không biết được diễn biến trong xã hội để có thể đưa ra được các biện pháp ứng phó kịp thời.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.