Vào nội dung chính
PHÁP- THỔ NHĨ KỲ

Pháp : Thổ Nhĩ Kỳ tức giận về dự luật trừng phạt hành vi phủ nhận tội diệt chủng

Ngày 22/12/2011, Hạ viện Pháp  thông qua dự luật quy định các biện pháp trừng phạt những ai chối bỏ các tội diệt chủng đã được công nhận. Dự luật này có thể áp dụng cho vụ thảm sát người Armenia vào năm 1915 mà Thổ Nhĩ Kỳ bị quy trách nhiệm. Ankara đã phản ứng rất gay gắt và loan báo đình chỉ hợp tác chính trị và quân sự với Paris.

Cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ phản đối trước Quốc hội Pháp tại Paris ngày 22/12/2011
Cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ phản đối trước Quốc hội Pháp tại Paris ngày 22/12/2011 REUTERS/Charles Platiau
Quảng cáo

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng chỉ trích đường lối của Pháp mà ông cho là dựa trên sự kỳ thị, bài ngoại. Ông Ergodan lập tức thông báo một loạt những biện pháp trả đũa. Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Paris đã trở về nước ngay vào sáng nay, và trong những ngày tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đình chỉ các quan hệ chính trị quân sự giữa hai bên.

Một cách cụ thể, các tàu chiến Pháp sẽ không được phép ghé cảng Thổ nhĩ Kỳ, và trong lúc hai nước là đồng minh trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, chiến đấu cơ Pháp có thể sẽ không được phép bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ chấm dứt việc tham khảo chính trị với Pháp, trong lúc Ankara hiện nay được xem là đối tác chủ yếu, trên hồ sơ Syria và trên toàn bộ vùng Trung Cận Đông.

Theo giới quan sát, loạt biện pháp trả đũa đầu tiên được loan báo kể trên mang tính biểu tượng tất mạnh dù chỉ có tác động hạn chế - và cho đến giờ, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ không đề cập đến vấn đề kinh tế.

Paris và Ankara đã nối lại đối thoại chặt chẽ hơn từ lúc nổ ra các phong trào đòi dân chủ ở trong vùng. Chỉ mới cách đây một tháng, ngoại trưởng Pháp Alain Juppé còn ghé Ankara để thắt chặt quan hệ song phương.

Trong khi bộ Ngoại giao Pháp hy vọng là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nguôi giận, căng thẳng sẽ giảm đi, giới quan sát lo ngại khủng hoảng lần này sẽ để lại tỳ vết, cho dù dự luật vừa thông qua ở Hạ viện chưa hẳn là sẽ được Thượng viện Pháp chấp thuận.

Cho dù Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối và cử phái đoàn đến Paris trước cuộc bỏ phiếu, Quốc hội Pháp đã thông qua văn kiện quy định hình phạt 1 năm tù và 45.000 euro đối với những ai phủ nhận tội diệt chủng đã được luật pháp nước Pháp công nhận.

Paris hiện chỉ công nhận hai cuộc diệt chủng nhắm vào người Do Thái thời Đệ Nhị Thế Chiến và người Armenia. Nhưng cho đến giờ, Pháp chỉ trừng phạt việc phủ nhận tội diệt chủng người Do Thái.

Thổ Nhĩ Kỳ bị quy trách nhiệm về cuộc thảm sát người Armenia năm 1915 - 1917, mà theo người Armenia đã làm cho 1 triệu rưỡi người thiệt mạng. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn luôn phủ nhận kết luận này. Ankara thừa nhận là có 500.000 người Armenia chết trong các trận chiến và trong lúc bị lưu đày, nhưng khẳng định là Thổ Nhĩ Kỳ không chủ tâm sát hại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.