Vào nội dung chính
BẮC TRIÊU TIÊN

Bắc Triều Tiên chuẩn bị tang lễ Kim Jong-Il

Hôm nay, chế độ Bình Nhưỡng đang ráo riết chuẩn bị cho tang lễ Kim Jong-Il, một dịp để tôn thờ cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên và con trai Kim Jong-Un, người kế nhiệm.

Kim Jong-un (thứ hai trái sang), 20/12/2011
Kim Jong-un (thứ hai trái sang), 20/12/2011 REUTERS/KRT via REUTERS TV
Quảng cáo

Hiện giờ, chưa ai biết rõ chi tiết các buổi lễ sẽ diễn ra ngày mai, 11 ngày sau khi ông Kim Jong-Il qua đời. Nhưng các nhà quan sát chờ đợi một tang lễ rất lớn và được dàn dựng chặt chẽ, nhằm bày tỏ sự trung thành đối với Kim Jong-Il, tức là trung thành với chế độ hiện hành, theo đúng mô hình tang lễ năm 1994 của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, người đã khai sinh Cộng hòa dân chủ nhân Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo ông Yang Moo-Jin, một giáo sư Đại học nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul, vào năm 1994, nổi đau buồn của người dân Bình Nhưỡng lúc ấy là thật, còn lần này, sự đau buồn sau cái chết của Kim Jong-Il được thể hiện có phần nào gượng ép, giả tạo.

Trong những ngày qua, chế độ Bình Nhưỡng đã tỏ nhiều dấu hiệu chứng tỏ sự trung thành với Kim Jong-Un, để bảo đảm cho tiến trình chuyển tiếp diễn ra nhanh chóng. Tuy chỉ mới 30 tuổi, chẳng có chút kinh nghiệm gì, nhưng Kim Jong-Un đã được báo chí Bắc Triều Tiên gọi là « tư lệnh tối cao » của quân đội và lãnh đạo Đảng Lao động, đảng duy nhất cầm quyền ở nưóc này.

Cơ quan ngôn luận của Đảng, tờ Rodong Sinmun trong số phát hành hôm nay đã ghi tên của Kim Jong-Un bằng chữ đậm, một đặc quyền cho tới nay chỉ dành cho Kim Nhật Thành và Kim Jong-Il. Về phần thông tấn xã chính thức KCNA, khi tường thuật về sự kiện ông Kim Jong-Un đến viếng thi hài cha ở lăng Kumsusan đã viết : « Kim Jong-Un, người kế nhiệm vĩ đại và lãnh tụ anh minh của đảng ta, Nhà nước, quân đội về nhân dân, là người chỉ huy cách mạng ».

Chính quyền Bình Nhưỡng không muốn bất cứ đại diện nào của nước ngoài dự tang lễ ngày mai. Hai phái đoàn của Hàn Quốc, dẫn đầu là bà Lee Hee–Ho, quả phụ cố tổng thống Hàn Quốc và bà Hyun Jung-Eun, chủ tịch tập đoàn Huyndai đến viếng Kim Jong-Il và chia buồn với Kim Jong-Un, đã trở về nước hôm nay.

Quan hệ giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên vẫn còn căng thẳng, nhưng chính quyền Seoul đã cố làm dịu tình hình kể từ khi cái chết của Kim Jong Il được thông báo, qua việc gởi thư « chia buồn đến nhân dân Bắc Triều Tiên » vì Hàn Quốc sợ rằng mọi biến động trong chế độ Bình Nhưỡng có thể dẫn đến xung đột.

Mặc dù kinh tế đang suy sụp, nhưng Bắc Triều Tiên hiện có trong tay một quân đội 1,2 triệu người và vũ khí nguyên tử. Khả năng quân sự hùng hậu này buộc các cường quốc khu vực phải cố duy trì sự ổn định ở Bắc Triều Tiên, cho nên trong những ngày qua, các nước này ráo riết tham khảo ý kiến với nhau.

Sau khi đi Trung Quốc, một đặc sứ của Hàn Quốc sẽ sang Hoa Kỳ ngày mai để bàn về khả năng khởi động lại đàm phán sáu bên về giải trừ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã rút khỏi đàm phán này vào tháng 4/2009 và một tháng sau đó đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ hai.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.