Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Bình Nhưỡng thanh trừng những người có thể trở thành đối lập

Vào lúc Bắc Triều Tiên cử hành tang lễ cho nhà lãnh đạo Kim Jong Il, báo Pháp dành nhiều bài phân tích về quốc gia này. Đáng chú ý hơn cả là bài viết đăng trên nhật báo Le Monde với hàng tựa  : « Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, nhiều đối lập 'tiềm tàng' bị xử tử ».

Quân đội Bắc Triều Tiên trong lễ duyệt binh ngày 10/10/2010.
Quân đội Bắc Triều Tiên trong lễ duyệt binh ngày 10/10/2010. REUTERS/Petar Kujundzic/Files
Quảng cáo

Tổ chức này cho biết, quá trình chuyển giao quyền lực sau cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong Il đã biến Bắc Triều Tiên thành một trong những nước có chính sách đàn áp nặng nề nhất thế giới. Bình Nhưỡng đã cho xử tử hoặc tống giam hàng trăm người. Ân xá Quốc tế nhấn mạnh, chính phủ muốn loại trừ các quan chức bị xem là những người có khả năng đe dọa cho tiến trình chuyển giao quyền lực cho Kim Jong Un.

Giám đốc Ân xá Quốc tế vùng Châu Á Thái Bình Dương, ông Sam Zarifi , cho là Kim Jong Un và phe cánh họ Kim muốn củng cố chính quyền mới bằng cách tăng cường trấn áp và thanh trừng đối lập.

Le Monde nhấn mạnh, việc thanh trừng này không phải là chuyện mới mẻ ở Bắc Triều Tiên. Hồi năm 1994, khi nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành qua đời, để củng cố quyền lực mới của ông Kim Jong Il , hàng chục ngàn người bị cho là « những đối lập chính trị tiềm tàng» đã bị đưa vào các trại nhốt tù chính trị cùng với gia đình họ. Một vài người đã bị xử tử.

Nói về các nhà tù chính trị, Bình Nhưỡng luôn phủ nhận sự tồn tại của loại nhà tù này ở Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế cho biết, có đến 6 trại tập trung thuộc diện này. Lập luận trên dựa trên các nhân chứng tại chỗ và hình ảnh chụp được qua vệ tinh.

Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, Bắc Triều Tiên hiện có đến 200 000 tù nhân chính trị, trong đó đa số bị buộc tội thông đồng do là thân nhân của người bị tình nghi có hoạt động chống đối chính phủ. Những tù nhân bị nhốt trong các tại tập trung để làm việc khổ sai từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày. Liên quan đến tra tấn, tờ báo cho biết, hiện tượng này diễn ra một cách có hệ thống ở Bắc Triều Tiên.

Cũng dựa trên hình ảnh vệ tinh và nhân chứng trên thực địa, Ân xá Quốc tế khẳng định : kể từ năm 2001, các trại tập trung bắt đầu được mở rộng. Một vài trại rộng đến 90 km2.

Đảng Lao động Triều Tiên bắt đầu thắng thế trước quân đội ?

Đánh giá về tương lai chế độ Bình Nhưỡng, Le Monde dự đoán : « Bình Nhưỡng có thể sẽ hướng đến một chế độ độc tài có hơi hướng đa nguyên ».

Hồi trước, khi kế nhiệm cha mình, ông Kim Jong Il  đã 51 tuổi và đã có thâm niên trên 20 năm tham gia điều hành công việc ở chóp bu đất nước. Còn hiện tại, Kim Jong Un chưa đầy 30 tuổi và mới « bắt đầu sự nghiệp » hồi cuối năm ngoái. Kim Jong Un mang hàm đại tướng và là phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Theo tờ báo, việc nắm Quân ủy Trung ương là quan trọng, cho thấy vai trò của Đảng bắt đầu vượt trên quân đội.

Quân ủy Trung ương là cơ quan chỉ đạo quân sự tối cao của đảng Lao Động Triều Tiên còn Hội đồng Quốc phòng là thuộc quân đội. Việc bổ nhiệm Kim Jong Un  vào Quân ủy Trung ương là dấu hiệu cho thấy sự thắng thế trở lại của Đảng, khác với thời Kim Jong Il quân đội chiếm ưu thế. Ngay trong thông cáo công bố cái chết của ông Kim Jong Il , Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương cũng đã được nêu tên trước Hội đồng Quốc phòng.

Giải thích cho sự thay đổi này, Le Monde cho biết, do vào những năm 1990, khi ông Kim Jong Il kế thừa Kim Nhật Thành, thì quân đội được xem là lực lượng duy nhất có thể bảo vệ đất nước trong tình hình đầy bất ổn. Sự « phục sinh » của Đảng được bắt đầu từ khi chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho Kim Jong Un. Một chuyên gia tại Hàn Quốc nhận định : « Như vậy, Quân ủy Trung ương từ đây sẽ có quyền lực hơn Hội đồng Quốc phòng ».

Theo một số chuyên gia, sự « phục sinh » lần này của đảng Lao động Triều Tiên cho thấy có thể đó là sự chuyển giao từ một chế độ độc tài cá nhân sang chế độ độc tài đa nguyên, ở đó, Đảng, quân đội, chính phủ sẽ cùng đề ra biện pháp cho vị lãnh đạo tối cao quyết định. Như vậy, mặc dù quyết định cuối cùng thuộc về chóp bu của Đảng, nhưng sẽ có thể xuất hiện những luồng ý kiến khác nhau trong hệ thống.

Vòng dây độc tài được nới lỏng dĩ nhiên là sẽ tạo thuận lợi cho các nhóm đối lập. Thế nhưng, theo Le Monde, trong ngắn hạn, nguy cơ đảo chính quân sự bị loại trừ. Giới cầm quyền nước này cố xiết chặt tay nhau ủng hộ Kim Jong Un để tránh sự sụp đổ cả hệ thống. Hơn nữa, cũng để tránh việc mâu thuẫn nội bộ bị nước ngoài lợi dụng. Mọi sự bất ổn của hệ thống đều có thể tạo thuận lợi cho những tham vọng tiềm ẩn.

Trong tình hình đó, để tránh mọi nguy cơ, tờ báo quan ngại, chính quyền mới có thể cố chứng tỏ việc làm chủ tình thế bằng cách siết chặt ngoại giao. Cuối cùng, theo Le Monde, tình hình còn lệ thuộc vào ngưỡng chịu đựng của người dân. Giới hạn của sự chịu đựng này là bao lớn, tờ báo nhấn mạnh, đó là một ấn sổ rất khó tìm lời giải.

Năm 2011, Trung Đông thay da đổi thịt

Trong loạt bài tổng kết năm 2011, Les Echos chọn mùa xuân Ả Rập làm sự kiện địa chính trị của năm với bài viết : « Một làn sóng cách mạng làm chao đảo Trung Đông ».

Một loạt các nhà độc tại cầm quyền từ 20 đến 40 năm ở Tunisia, Ai Cập và Libya bị lật đổ bởi một làn sóng phản kháng chưa từng có. Làn gió dân chủ đó hiện tại đang đe dọa Syria.

Chỉ trong vòng vài tuần lễ, nhà độc tài Ben Ali, nắm quyền ở Tunisia từ năm 1989, và Hosni Mubarak, lãnh đạo Ai Cập từ năm 1981, đã bị người dân « quét đi ». Tờ báo nhấn mạnh, đó cũng là một cơn địa chấn trong nhận thức của các nước phương Tây, họ luôn cho rằng, người Ả Rập luôn cam chịu dưới những chế độ « thối nát và khát máu ».

Đến lượt mình, người dân Libya, Yemen và Syria cũng đã nổi lên phản đối chế độ độc tài. Tờ báo đặc biệt ưu tiên thông tin về ông Kadhafi, vì ông được xem là « người đầu đàn » trong số các nhà độc tài đeo bám quyền lực : Ông lãnh đạo Libya đã hơn 40 năm.

Tờ báo khẳng định vai trò quyết định của sự can thiệp của NATO, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và của Qatar. Đối với NATO, đây là lần đầu tiên khối này can thiệp quân sự vào một nước Ả Rập. Đến tháng 8 thì Tripoli thất thủ, và đến tháng 10, ông Kadhafi bị hạ sát trên đường tháo chạy. Tại Yemen, phong trào nổi dậy đã buộc tổng thống Saleh hứa sẽ ra đi vào tháng giêng năm 2012. Còn xung đột ở Syria thì vẫn đang tiếp diễn.

Thiệt hại nhân mạng của những xung đột trên là không nhỏ : Hàng trăm người tại Tunisia, trên dưới một nghìn ở Ai Cập, 25 000 ở Libya và 5 500 ở Syria. Khu vực Trung Đông đã hoàn toàn thay đổi và đã có chuyện chưa từng thấy ở khu vực này là tòa án tiến hành xét xử các nhà độc tài bị phế truất.

Hậu quả kế tiếp là kinh tế các nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quá trình chuyển giao dân chủ cũng lắm gian nan. Một chính phủ lâm thời đã được thành lập ở Tunisia nhưng phải vượt qua nhiều thách thức. Trong khi đó, quân đội Ai Cập lại chưa chịu bàn giao quyền lực và lại trấn áp người biểu tình. Sau mùa xuân Ả Rập, nhiều người lo rằng sẽ đến « Mùa đông Hồi giáo cực đoan », bởi nhiều phe Hồi giáo cực đoan đã thắng cử ở Ai Cập, Tunisia và Maroc.

Tờ báo nhận định, năm 2012 sẽ là năm rất quan trọng. Về kinh tế, các nước Trung Đông phải tạo ra được 50 triệu việc làm trong hai năm tới. Trên bình diện chính trị, câu hỏi được đặt ra là : Liệu các đảng phái Hồi giáo cực đoan sẽ thiết lập chính quyền dân chủ hay là lái xã hội theo mô hình cộng hòa Hồi giáo như ở Iran ?

Ba ẩn số của năm 2012

Nhìn về tương lai, Les Echos có bài « Ba ẩn số của năm 2012 » : Ẩn số đầu tiên là câu hỏi : Liệu tổng thống Mỹ Barack Obama có thắng cử vào năm tới hay không ?

Còn 10 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bẩu cử tổng thống tại Hoa Kỳ. Tình hình hiện tại cho thấy, tổng thống Obama luôn chiếm ưu thế trong các cuộc thăm dò dư luận.

Mặc dù, ông bị chỉ trích là đánh giá không đúng tầm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng ông Obama đang có thuận lợi là thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ hai năm nay, thị trường tiêu dùng cũng đã có dấu hiệu phục hồi. Các đối thủ trong đảng Cộng Hòa thì bị cho là thiếu khả năng thu hút quần chúng.

Tuy nhiên, vẫn còn hai khó khăn lớn đối với ông Obama, đó là các cử tri độc lập và giới trẻ, bởi đến hiện tại họ đã không còn không khí say mê Obama sôi nổi như năm 2008.

Vấn đề thứ hai là nguy cơ thế giới lại lâm vào suy thoái. Có thể sắp tới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF sẽ tiếp tục hạ mức dự báo tăng trưởng thế giới. Vài tuần trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển châu Âu đã hạ mức dự phóng tăng trưởng cho năm 2012 của các nước thành viên xuống còn có 1,6%. Theo tổ chức này, khu vực đồng euro sẽ bị suy thoái do sự sụt giảm GDP vào quý tư 2011 và quý một 2012. Các nước mới trỗi dậy sẽ phát triển chậm lại.

Bên cạnh đó, châu Âu còn phải ra sức kiểm soát được nợ công. Mọi quyết định sai lầm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng truởng của toàn thế giới. Viễn cảnh có vẻ u ám đến mức mà một vài người còn lo ngại thế giới sẽ gặp cơn suy thoái nghiêm trọng như những năm 1930.

Ẩn số cuối cùng liên quan đến Trung Quốc, nước được mệnh danh là công xưởng của thế giới với giá nhân công cực rẻ. Hoa Kỳ đánh giá, ưu thế giá rẻ này chẳng mấy chốc nữa sẽ kết thúc, vì Trung Quốc sắp được liệt vào danh sách các nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, chuyên gia Pháp lại cho rằng, việc đó còn phải chờ thêm một thời gian dài nữa.

Trong tình hình đó, thật khó lòng mà biết được liệu Trung Quốc có tăng lương đại trà vào năm tới hay không ?

Vua túi độn ngực Pháp sắp ra hầu tòa

Cuối cùng là một thông tin đáng chú ý đăng trên Libération, phản ánh sự việc đại gia sản xuất túi nâng ngực cho phụ nữ đang có nguy cơ bị hầu tòa tại Pháp.

Nhân vật chính là ông Jean-Claude Mas, 72 tuổi, người sáng lập Công ty sản xuất túi nâng ngực Poly Implants Protheses (PIP) có trụ sở tại Pháp. Công ty này là nguyên nhân dẫn tới một trong những xì căn đan trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ lớn nhất từ trước đến nay. 30 000 phụ nữ tại Pháp và 300 000 phụ nữ trên thế giới đang mang loại ngực giả của PIPcó chứa chất silicon độc hại và có tỷ lệ vỡ cao gấp hai lần mức trung bình. Có nghi ngờ cho rằng loại túi này đã gây ra bệnh ung thư cho một số người. Viện công tố Marseille dự định buộc tội ông Mas là « giết người không cố ý».

PIP ra đời vào năm 1991, từng giữ vị trí thứ 3 thế giới trong lĩnh vực ngực giả. Khi ấy, mỗi năm công ty cung cấp cho thị trường thế giới đến 100 000 túi nâng ngực. 13 500 túi đã được nhập vào Achentina và 25 000 túi đã vào thị trường Brazil. Riêng tại Pháp, trên 30 000 phụ nữ dùng sản phẩm của PIP, đã có đến 2 000 người đệ đơn kiện công ty. Ngay cả luật sư của ông Mas cũng thừa nhận là PIP đã sử dụng chất cấm trong sản phẩm nhằm tìm kiếm lợi nhuận.

Năm 2010, cơ quan kiểm soát sản phẩm y tế Pháp (Afssaps) đã ra lệnh cho thu hồi sản phẩm PIP và công ty này chính thức giải thể.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.