Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Quân đội vẫn là chỗ dựa của chế độ Bắc Triều Tiên

Sự kiện Kim Jong-Un được tuyên bố là « lãnh đạo tối cao » trước hàng chục ngàn binh lính hôm nay 29/12/2011 trên quảng trường Kim Nhật Thành cho thấy là tại Bắc Triều Tiên hiện nay, quân đội vẫn là chỗ dựa vững chắc của chế độ Bình Nhưỡng.

Kim Jong Un và các sĩ quan lãnh đạo quân đội Bắc Triều Tiên (Reuters)
Kim Jong Un và các sĩ quan lãnh đạo quân đội Bắc Triều Tiên (Reuters)
Quảng cáo

Trên khán đài hôm nay, đứng bên cạnh Kim Jong-Un là các lãnh đạo quân sự cao cấp của Bắc Triều Tiên, đặc biệt là tổng tham mưu trưởng Ri Yong-Ho, bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Kim Yong-Chun và phó tổng cục thứ nhất Tổng cục Chính trị của quân đội Kim Jong-Gak. Những tướng lãnh cao cấp này cũng đã từng cùng với Kim Jong-Un đi theo xe tang chở linh cữu Kim Jong-Il hôm nay. 

Hai hình ảnh nói trên cho thấy vai trò chính trị ngày càng lớn của quân đội Bắc Triều Tiên kể từ khi chính quyền Bình Nhưỡng thi hành chính sách « songun » ( « quân đội trên hết » ). Chính sách này do ông Kim Jong-Il đề ra vào những năm 1990 nhằm duy trì sự tồn tại của chế độ, lúc ấy phải đối đầu với nhiều khó khăn kinh tế nghiêm trọng sau khi Liên Xô tan rã. Ông Kim Jong-Il đã buộc phải làm như vậy cho dù chính sách đó đụng đến những qưyền lực của Đảng Lao Động Triều Tiên, đảng độc quyền lãnh đạo tại nước này. 

Như giải thích của giáo sư Andrei Lankov, thuộc Đại học Kookmin ở Seoul, « sau khi khối Cộng sản sụp đổ, Kim Jong-Il thấy rằng một đảng theo kiểu Lêninít không còn đủ để duy trì chế độ. Cho nên, ông đã phải dựa vào giới quân sự ». 

Kể từ đó, chính quyền Bình Nhưỡng dành mọi thứ tốt nhất cho quân đội, được bộ máy tuyên truyền ca ngợi như là bức tường thành vững chắc bảo vệ đất nước bị đe dọa từ mọi phía. Ngay cả trong những lúc mà Bắc Triều Tiên đang bị nạn đói nghiêm trọng nhất, khiến hàng chục ngàn người chết, binh lính nước này vẫn nhận được đầy đủ lương thực, điện nước, máy móc thiết bị. Đến bây giờ, trong khi người dân các tỉnh lẻ, vùng nông thôn ăn không đủ no, thì quân đội Bắc Triều Tiên, với quân số 1,2 triệu người trên tổng dân cố 24 triệu, vẫn sống sướng hơn dân. 

Sau khi Kim Jong-Il qua đời, chế độ Bình Nhưỡng đã có nhiều dấu hiệu cho thấy họ sẽ giữ nguyên những đặc quyền đặc lợi cho quân đội. Người dượng rể của Kim Jong-Un, ông Jang Song-Thaek, được coi là « nhiềp chính » của tân lãnh đạo trẻ, lần đầu tiên đã xuất hiện trên đài truyền hình Bắc Triều Tiên trong bộ quân phục, khi ông đến viếng cố lãnh tụ Kim Jong-Il. 

Một điểm đáng chú ý khác, đó là báo chí Bắc Triều Tiên đã gọi Kim Jong-Un là « tư lệnh tối cao » của quân đội ngay từ ngày 24/12, trước khi tuyên bố nhân vật này là lãnh đạo Đảng Lao động Triều Tiên. Như vậy là chức vụ lãnh đạo quân đội có vẻ quan trọng hơn lãnh đạo Đảng. 

Tuy vậy, vào những năm cuối đời, Kim Jong-Il đã sửa đổi cơ cấu quyền lực, trả lại cho Đảng một số quyền hạn mà ông đã trao cho quân đội. Theo nhà phân tích Hàn Quốc Paik Hak-Soon, để bảo vệ con trai Kim Jong-Un, ông Kim Jong-Il đã trả lại thực quyền cho Đảng và kiểm soát một quân đội nay có thế lực quá lớn. 

Tờ nhật báo Korea JoongAng Daily thì lưu ý là trong những năm cuối của thời Kim Jong-Il, trong các tuyên bố chính thức, chế độ Bình Nhưỡng đã bớt sử dụng khẩu hiệu « songun » ( « quân đội trên hết » ), thay vào đó là những khẩu hiệu kêu gọi phát triển công nghiệp nhẹ để cải thiện đời sống của người dân. Bài xã luận của tờ báo này viết : « Bình Nhưỡng phải hiểu rằng, không thể cải thiện đời sống của người dân nếu họ cứ dồn mọi nguồn lực vào quốc phòng. » 

Tuy nhiên, việc nêu bật vai trò của quân đội Bắc Triều Tiên trong những ngày quốc tang vừa qua cho thấy là tại nước này, tiến trình chuyển tiếp sang một thể chế mang tính dân sự hơn sẽ diễn ra theo từng bước và rất hạn chế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.