Vào nội dung chính
CAM BỐT

Cam Bốt : Người từng đứng đầu cơ quan chống ma túy bị án chung thân vì buôn ma túy

Hôm thứ Năm 5/1, tư pháp Cam Bốt đã tuyên hai bản án nặng nề đối với hai cựu quan chức cao cấp. Ông Moek Dara, nguyên Tổng thư ký Cục Phòng chống Ma túy Quốc gia đã bị lãnh bản án chung thân vì tội buôn ma túy và tham nhũng, cùng với 32 tội danh khác. Trợ lý của ông này là Chea Leng cũng phải nhận bản án tương tự.

Moek Dara, nguyên Tổng thư ký Cục Phòng chống Ma túy Quốc gia Cam Bốt, vừa bị án chung thân vì buôn ma túy và tham nhũng.
Moek Dara, nguyên Tổng thư ký Cục Phòng chống Ma túy Quốc gia Cam Bốt, vừa bị án chung thân vì buôn ma túy và tham nhũng. AFP
Quảng cáo

RFI : Xin chào thông tín viên Phạm Phan tại Phnom Penh. Thưa anh, xin anh vui lòng cho biết thêm chi tiết về phiên tòa vừa rồi ?

08:47

Thông tín viên Phạm Phan - Phnom Penh

Phạm Phan : Tòa án tỉnh Banteay Meanchey hôm thứ Năm tuyên án phạt đối với hai bị cáo từng là giới chức cấp cao trong chính quyền vì mang tội nhận hối lộ và mua bán ma túy.

Bị cáo thứ nhất là ông Moek Dara, nguyên Tổng thư ký Cục Phòng chống Ma túy Quốc gia, ông bị kết án chung thân và phải nộp tiền phạt là 300.000 Mỹ kim. Tòa cũng tịch thu hai lô đất và số tiền lớn đang nằm trong trương mục ngân hàng của đương sự với tổng giá trị là 87.000 Mỹ kim. Moek Dara khét tiếng tại địa phương vì được coi là ông trùm chỉ đạo một băng nhóm tội phạm hình sự hỗ trợ cho hoạt động mua bán ma túy. Ông Phann Vanrath, Phó Công tố tòa án tỉnh Banteay Meanchey cho biết thêm, bị cáo Moek Dara còn tổ chức đánh cắp số ma túy bị tịch thu được cất giữ trong kho nhà nước. Moek Dara bị bắt hồi tháng Giêng năm 2011, một sự kiện khiến cho công luận và báo chí xôn xao.

Trước khi đi vào con đường kinh doanh loại hàng hóa nguy hiểm cho xã hội nhưng nhanh chóng làm giàu này, thì Moek Dara đã nằm trong hàng ngũ cao cấp của Đảng Nhân dân Cam Bốt đương quyền, và y cũng từng làm việc nhiều năm tại Bộ Nội vụ, theo trích dẫn của báo mạng Washington Post ngày 05/01/2012.

Bị cáo thứ hai là ông Chea Leng, nguyên Trưởng Cơ quan Phòng chống Ma túy thuộc Bộ Nội vụ. Chea Leng là đồng lõa, đồng thời làm phụ tá cho Moek Dara. Chea Leng bị kết án tù chung thân và phải nộp phạt cho nhà nước số tiền 21.000 Mỹ kim.

Kẻ tội phạm thứ ba là Morn Doeun còn đang trốn thoát lưới pháp luật, tên này bị kết án khiếm diện 25 năm tù giam và phải đóng số tiền phạt là 34.000 Mỹ kim.

Theo luật hiện hành, Moek Dara có thời gian một tháng để làm đơn kháng án. Viên luật sư của đương sự là Ray Bunthoeun cho rằng bản án quá nghiêm khắc. Ray Bunthoeun nói tội phạm Khmer Đỏ là Duch giết đến 16 ngàn người mà chỉ bị có 19 năm tù giam, trong khi tòa bắt giam Moek Dara chỉ dựa trên lời chứng chứ không có tài liệu cụ thể.

Riêng các tổ chức nhân quyền địa phương thì hoan nghênh, họ coi đây là một thông điệp hữu ích gởi đến xã hội.

RFI : Thưa anh, có sự cấu kết của các giới chức như vậy thì tệ nạn mua bán ma túy tại Cam Bốt khó thể bài trừ được?

Phạm Phan : Tại đảo quốc Singapore, bất cứ người nào, bất cứ quốc tịch gì, khi bị tìm thấy trong mình cất giấu hơn 15 gram heroine là sẽ bị kết tội treo cổ. Sở dĩ tệ trạng mua bán ma túy chưa bị bài trừ dứt điểm tại xứ Chùa Tháp là vì cơ quan pháp luật làm việc không nghiêm, trong đó không thể không nói đến việc nhúng tay làm ăn phi pháp của kẻ quyền thế hay một số giới chức trong chính quyền.

Có thể kể ra đây trường hợp của hai viên chức nguyên là trưởng và phó cảnh sát tỉnh Banteay Meanchey, đó là ông Hun Hean và ông Chheang Son, cả hai đã bị kêu án 4 năm tù hồi tháng 11/2011 vì nhận tiền hối lộ hơn 100.000 Mỹ kim của bọn tội phạm mua bán ma túy đã bị bắt giữ. Tỉnh Banteay Meanchey nằm ở hướng Tây Bắc Phnom Penh và gần biên giới Thái.

Kế nữa không thể bỏ qua một nhân vật mà nhiều người dân Phnom Penh biết đến vì giàu có và quan hệ thân cận của ông ta với các giới chức cấp cao trong chính quyền, đó là doanh gia Teng Bunma, người Khmer gốc Hoa. Có thể kể ra đây hai cơ sở trong hệ thống kinh doanh của tay triệu phú này, trước hết là khách sạn 5 sao mang tên Intercontinental, nằm trên đại lộ Mao Trạch Đông. Nơi đây vào tháng 11/2002, khi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), nước chủ nhà Cam Bốt đã dùng khách sạn này để tiếp khách và khai diễn hội nghị.

Cơ sở kinh doanh thứ nhì là nhật báo “Rasmei Kampuchea” (Ánh Sáng Kampuchea) có số phát hành 18.000 tờ một ngày, đây là nhật báo lớn nhất ở Phnom Penh và cả Cam Bốt. Tất nhiên đây không phải là tờ báo đối lập.

Từ nhiều năm nay, Teng Bunma bị Mỹ từ chối cấp visa vào đất Mỹ vì đương sự bị nghi ngờ có tên trong danh sách những kẻ mua bán ma túy. Vào tháng 6/1998 cảnh sát Thái đã phát lịnh truy bắt Teng Bunma vì tội lừa đảo. Tại Hồng Kông, cảnh sát cũng đề ra lịnh truy bắt Teng Bunma vì dùng giấy thông hành giả để đăng ký xin lập công ty “Thai Boon Roong”. Con trai của Teng Bunnma có phần hùn với Ieng Sary trong hoạt động kinh doanh casino quốc tế tại huyện Pailin, tỉnh Battambang, nơi đây phần nhiều có các cựu binh Khmer Đỏ sinh sống hay ẩn náu.

Trong bài viết năm 1996 với tựa đề "Medellin on the Mekong" trên tuần báo (nay thành nguyệt san) Far Eastern Economic Review ở Hong Kong, nhà báo người Mỹ, ông Nate Thayer mô tả Teng Bunma là nhân vật quan trọng trong hoạt động kinh doanh ma túy tại Cam Bốt.

RFI : Bên cạnh đó, có lẽ còn có lý do Cam Bốt nằm bên cạnh “Khu tam giác vàng” và các đường trung chuyển ma túy ?

Phạm Phan : Địa phận xứ Chùa Tháp nằm sát cạnh Thái và Lào, hai trong ba quốc gia thuộc khu “Tam Giác Vàng”, nơi mà từ thập niên 1920 cho đến đầu thế kỷ 21 được coi là vùng trồng thuốc phiện bất hợp pháp lớn nhất ở Châu Á và của thế giới. Dù ngày nay, khu vực có tên “Trăng Lưỡi Liềm Vàng” bao gồm Afghanistan và Pakistan trở thành nơi cung cấp ma túy hàng đầu trên thế giới, nhưng năm 2009, Mỹ lên tiếng cảnh báo về nguy cơ hoạt động trở lại của “Tam Giác Vàng”.

“Tam Giác Vàng” rộng 950.000 kilômét vuông bao gồm vùng rừng núi của ba quốc gia Đông Nam Á là Miến Điện, Lào và Thái Lan. Thuốc phiện được trồng ở Đông Bắc Miến Điện, sau đó được chuyển vận bằng ngựa, lừa đến biên giới Thái - Miến, tại đây có các cơ sở chế biến thành heroine (bạch phiến) và rồi được chuyên chở đến Bangkok và các tỉnh Bắc Thái, sau cùng phân phối ra thị trường tiêu thụ trên thế giới, đặc biệt là đến Hoa Kỳ. Trong quá khứ, một bộ phận người Thái gốc Hoa hoặc người Miến gốc Hoa tại Bangkok đóng vai trò chính trong hoạt động kinh doanh này.

Vị trí Cam Bốt cũng quan trọng không kém trong hệ thống phân phối ngầm loại độc dược này. Ma túy từ Thái, hay Lào đến Cam Bốt không khó mấy vì tuyến đường bộ trên biên giới trải dài với rừng rậm khó kiểm soát, cạnh đó thì các trạm kiểm soát cũng không kiểm tra tuyệt đối vì lính canh cũng thích xài đô la. Ma túy đến Cam Bốt, một là cung ứng cho kẻ tiêu thụ, hai là được chuyển đến phân phối tại Việt Nam hay có thể từ Việt Nam đi đến thị trường thế giới như Mỹ để tiêu thụ.

RFI : Như vậy là nạn buôn lậu ma túy ở Cam Bốt cũng ảnh hưởng đến Việt Nam ?

Phạm Phan : Các cơ quan truyền thông của nhà nước Việt Nam nhiều lần báo động tình trạng gia tăng đáng lo ngại về tệ trạng buôn lậu ma túy từ Cam Bốt về Việt Nam. Vụ án mới nhất diễn ra ngày 30/12/2011, theo báo Pháp Luật online, tòa án ở Sài Gòn mở phiên xử hai bị cáo chính và 12 tòng phạm có can dự vào việc “vận chuyển – mua bán và tàng trữ trái phép” số lượng ma túy từ Cam Bốt về Việt Nam trong 10 năm qua. Băng nhóm này do Võ Anh Tuấn (40 tuổi, tức Tuấn “Nga”) và Nguyễn Xuân Dần (37 tuổi) cầm đầu. Kết quả sau phiên xử, tòa quyết định 5 án tử hình.

Ngày 16/11/2011, Việt Nam, Lào, Cam Bốt mở phiên họp cấp bộ trưởng thứ 11 tại thủ đô Vientiane của Lào để lượng định lại công tác phòng chống ma túy xuyên quốc gia. Ba bên cam kết cố gắng hoàn thành mục tiêu trong năm 2015 là xây dựng một ASEAN không có ma túy. So với tình hình thực tế trong xã hội, khi tệ trạng buôn lậu và sử dụng ma túy cứ gia tăng thì mục tiêu năm 2015 e rằng khó mà thực hiện được.

RFI : RFI Việt ngữ xin rất cảm ơn thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.