Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Naypyidaw, thủ đô « ma » của giới quân sự Miến Điện

Tại Naypyidaw, người ta có thể nhìn thấy những đại lộ rộng lớn như là các đường băng trong sân bay, nhưng lại rất vắng vẻ. Đây đó, nhiều công trình mọc lên như nấm, được tô điểm bởi các mặt tiền hào nhoáng của các khách sạn hạng sang và ánh đèn lấp lánh của các siêu thị lớn. Người bộ hành duy nhất lại là những người quét đường. nhật báo Le Monde số ra hôm nay có bài viết đặc biệt quan tâm đến Miến Điện, qua bài phóng sự « Naypyidaw, thủ đô « ma » của giới quân sự Miến Điện ».

Chùa Uppatasanti tại Naypytaw  thủ đô mới của Miến Điện, một phiên bản của chùa vàng Shwedagon ở Rangoon.
Chùa Uppatasanti tại Naypytaw thủ đô mới của Miến Điện, một phiên bản của chùa vàng Shwedagon ở Rangoon. REUTERS/Damir Sagolj
Quảng cáo

Le Monde viết, thủ đô mới của Miến Điện buộc người ta phải nghĩ đến câu châm ngôn của Blaise Pascal về hình dạng của vũ trụ : Naypyidaw giống như là một « quả cầu bất tận » có « tâm ở khắp mọi nơi, và chu vi thì hư không ». Thậm chí, ta có thể lập luận ngược lại là, thành phố cũng có thể là một thế giới có tâm hư không và chu vi thì khắp mọi nơi.

Tại Naypyidaw, người ta có thể nhìn thấy những đại lộ rộng lớn như là các đường băng trong sân bay, nhưng lại rất vắng vẻ. Đây đó, nhiều công trình mọc lên như nấm, được tô điểm bởi các mặt tiền hào nhoáng của các khách sạn hạng sang và ánh đèn lấp lánh của các siêu thị lớn. Người bộ hành duy nhất lại là những người quét đường. Trong ngày lễ Giáng sinh, khi những ngôi sao trên cây thông Noel nhấp nháy ánh đèn nhưng lại không có người ngắm, dưới cơn mưa mù mịt và lạnh lẽo, để lại cảm giác như đi lạc vào một vương quốc không người.

Le Monde cho biết, thủ đô mới này có diện tích 8000 km², được phân chia thành 5 quận tùy theo các chức năng đặc trưng : «khu khách sạn », « khu quân sự », « khu hành chính » chẳng hạn như khu vực dành cho các bộ v.v… Nghị viện Miến Điện tọa lạc trong khu hành chính. Một khu phức hợp tập trung cả hai tòa Thượng viện và Hạ viện.

Naypyidaw theo tiếng Miến Điện có nghĩa là « ngai vàng của các vì vua ». Cách đây 7 năm, chính xác là vào ngày 6 tháng 11 năm 2005, lúc 6 giờ 37 phút, giờ hoàng đạo theo tính toán của các nhà chiêm tinh, chính quyền quân phiệt đã khai mào chiến dịch di dời cơ quan hành chính sang một nơi bất định cách thủ đô cũ Rangun 320 km về phía Bắc. Theo ước tính của một chuyên gia kinh tế, chi phí để xây dựng thành phố mới tốn khoảng 3 hay 4 tỷ đô-la.

Chính cựu độc tài Tan Shwe đã đưa ra ý tưởng xây dựng thành phố mới này. Le Monde cho biết, hiện ông này đang nghỉ hưu « an nhàn » đâu đó tại một nơi bí ẩn của thành phố « ngai vàng » chưa hoàn thành. Le Monde giải thích chính quyền quân sự đội lốt dân sự đã cho xây dựng thủ đô mới là vì họ muốn tránh xa phe nổi dậy tại Rangun, nơi diễn ra nhiều cuộc biểu tình rầm rộ, nhất là vụ biểu tình vào năm 1998 đã bị chìm trong biển máu bởi những người lính Miến Điện hung hãn.

Mặt khác, việc di dời thủ đô hành chính còn mang tính chiến lược : di dời đến một nơi an toàn cho một quyền lực quân sự vốn luôn ám ảnh về khả năng tấn công đến từ phía Mỹ. Về mặt lịch sử và chiêm tinh học, việc sáng tạo ra một ngai vàng mới vốn đã được nằm sâu trong truyền thống và chứng tỏ thiện chí của chế độ nối lại vinh quang của những triều đại xưa, như là hoàng đế Mindon đã từng làm vào giữa thế kỷ 19.

Việc lựa chọn địa điểm cũng phù hợp với lịch sử đương đại của Miến Điện. Chính tại thị trấn Pyinmana thuộc Naypyidaw, tướng Aung San, thân sinh của nhà đối lập Aung San Suu Kyi đã đặt làm cứ địa chính cho phong trào kháng Nhật.

Hơn nữa, khi nói là thủ đô, thì phải nhắc đến ngành ngoại giao, thế nhưng không có đến một trụ sở của lãnh sứ quán nước ngoài nào đến tọa lạc nơi đây. Theo nhận định của một người dân bản xứ, thì “Naypyidaw khó có thể trở thành một thành phố thật sự. Ít nhất cũng phải là 10 năm nữa”.

Trung Quốc quyết không để mất quyền kiểm soát Tây Tạng

Nhìn sang Tây Tạng, báo Le Monde có bài phỏng vấn ông Nicolas Bequelin – nhà nghiên cứu cho Human Rights Watch, về vụ các nhà sư tự thiêu. Theo nhận định của ông này, « Trung Quốc sẽ không để mất quyền kiểm soát tại Tây Tạng, nhưng tính chính đáng của họ cũng bị xói mòn ».

Lý giải cho làn sóng tự thiêu tại Tây Tạng, ông Nicolas phân tích rằng kể từ sau các đợt biểu tình năm 2008 xảy ra, tình hình trở nên lắng dịu là nhờ vào sự hiện diện dày đặc của cảnh sát và quân đội. Tự do đi lại bị hạn chế do có nhiều trạm kiểm soát đươc dựng lên. Những người Tây Tạng muốn trở về Lhasa sẽ gặp nhiều khó khăn. Không những vậy, làn sóng biểu tình năm 2008 bắt nguồn từ chính sách hà khắc được thiết lập từ những năm trước đó, nhất là trong các trại cải tạo. Chính những chính sách này đã làm cho một số bộ phận tu sĩ lánh xa, những người trước đây vốn cố tìm kiếm sự hợp tác.

Một mặt, chính quyền vẫn kêu gọi « phải tôn trọng pháp luật », mặt khác theo đuổi trấn áp hậu sự kiện 2008, vẫn in đạm dấu nét không hợp pháp : mất tích, hành động tàn nhẫn, tra tấn. Điều nghịch lý là, trong giai đoạn cải cách và mở cửa, Bắc Kinh rõ ràng đã buông rơi mục tiêu của chủ nghĩa Mao vốn muốn làm biến mất tôn giáo, khi tuyên bố rằng « Trong khuôn khổ pháp lý, người dân có thể làm những gì mà mình muốn miễn là vẫn tuân theo các quy định ». Nhưng trên thực tế khó có thể áp dụng do việc lạm quyền đã quá nhiều. Và năm 2008 là một bước ngoặt.

Theo ông Nicolas Becquelin, hậu quả của các vụ tự thiêu này đã tạo ra nhiều áp lực cho cả đôi bên, chính quyền và giới chức sắc, đang giữ vai trò trung gian giữa các quan chức chính quyền và cộng đồng tu sĩ. Giới chức sắc sẽ khó tìm kiếm được một thỏa thuận với các quan chức chính quyền. Tại những nơi nào đã đạt được thỏa thuận, thì chính quyền ít gây áp lực và tu viện có nhiều tự do hơn.

Như vậy, các vụ tự thiêu xảy ra là do áp lực đến từ tầng lớp thấp trong cộng đồng tu sĩ. Hoặc họ cho rằng giới lãnh đạo tu viện đã không làm đủ vai trò thương thuyết, hoặc những người này quá mềm mỏng trước các lệnh cấm nghiêm ngặt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dù ở mức độ đàn áp, an ninh hay kiểm soát nào, cũng luôn có người sẵn sàng hy sinh. Việc này sẽ khiến cho chính phủ càng nghi ngờ người Tây Tạng, sẽ gia tăng trấn áp và như vậy sẽ khiến cho người dân bị mất mát nhiều hơn. Đây chính là vòng xoáy khiến cho người Tây Tạng ngày càng xa rời quỹ đạo Trung Quốc, trong khi đó, tầm ảnh hưởng dường như ngày càng mạnh. Trung Quốc sẽ không để mất quyền kiểm soát nhưng tính chính đáng cũng sẽ bị xói mòn theo.

Như vậy, tình hình sẽ tiến triển như thế nào ? Ông Nicolas Becquelin nhận định dường như Trung Quốc có thể sẽ sẵng sàng đặt cược cho một xung đột tiềm tàng tại Tây Tạng. Bắc Kinh chấp nhận chi trả các chi phí cho an ninh, cũng như tác động của xung đột lên ngành du lịch trong ngắn và trung hạn. Mục tiêu quan trọng nhất là phải củng cố an ninh qua việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, đô thị hóa nhằm hỗ trợ cho việc cài đặt người Hán trên nhiều vùng khác.

Ông Becquelin nhận xét, một sự cá cược cho tương lai, với thời gian, vị trí Trung Quốc sẽ ngày càng mạnh hơn. Thế nhưng, trên phương diện quốc tế, việc làm này sẽ gây ảnh hưởng đến hình ảnh và tiếng tăm. Bởi lẽ, Trung Quốc rất chú trọng đến tầm quan trọng hơn là tin vào hình ảnh và « quyền lực mềm » của chính mình. Có điều giá phải trả có nguy cơ ngày càng lớn, dù rằng vấn đề Tây Tạng đối với Bắc Kinh chỉ là chuyện bên lề.

Chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Iran ngày càng trầm trọng

Nhìn sang Trung Đông, Le Figaro chú trọng đến căng thẳng giữa Washington và Teheran qua bài viết đề tựa « Iran và Hoa Kỳ, chiến tranh lạnh được củng cố». Nước Cộng hòa Hồi giáo vừa đưa ra một quyết định khó khăn khi kết án tử hình một người Mỹ gốc Iran về tội làm gián điệp cho CIA. Sự việc cho thấy Teheran quyết tâm đối đầu với những lời đe dọa ban hành lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu lên ngành xuất khẩu dầu hỏa của Iran. Liệu có phải Iran đang phúc đáp lại lời Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo nước này rằng mọi ý định đóng cửa eo biển Ormuz sẽ được xem như là đã vượt qua « đường báo động đỏ ».

Theo nguồn tin ngoại giao từ Cơ quan năng lượng nguyen tử quốc tế, thì Teheran đã bắt đầu chương trình làm giàu chất uranium tại một địa điểm mới nằm sâu trong lòng đất, được bảo vệ kỹ lưỡng cho phép tránh được các cuộc không kích.

Le Figaro nhắc lại vào năm 2010, giám đốc cơ quan năng lượng hạt nhân Iran đã từng tuyên bố rằng Iran sắp sửa khởi động nhà máy Fordow, gần với khu thánh địa Qom. Tuyên bố này đã đặt Mỹ và Israel trước một sự lựa chọn khó khăn. Bởi lẽ, khu nhà máy này nằm sâu trong lòng đất khó có thể bị dội bom cho dù đó là những loại bom cực mạnh. Đồng thời, lực lượng không quân của hai nước cũng phải đối mặt với hệ thống phòng không tinh vi tại khu vực này. Ông này cũng cho biết thêm là trung tâm hạt nhân này còn được trang bị một máy quay ly tâm thế hệ mới, cho phép gia tăng tốc độ làm giàu chất uranium.

Theo Le Figaro, Mỹ nghi ngờ rằng Iran có lẽ đã sản xuất khá đủ thanh nhiên liệu để trang bị cho 4 đầu đạn hạt nhân. Vì vậy, mối bận tâm hàng đầu hiện nay của Washington là làm thế nào ngăn chặn việc sản xuất vũ khí hạt nhân, theo như lời khẳng định của Ngoại trưởng Mỹ trên đài CBS.

Trong khi đó, tại Iran, trong những ngày cuối tuần vừa qua, Teheran tuyên bố đã cho bắt giữ một lượng đông gián điệp làm việc cho Mỹ. Một loạt các câu hỏi được Le Figaro đưa ra : Liệu những lời kết tội này là thật hay giả? Có phải là Mỹ và Israel đã gia tăng các hành động quấy rối chống lại việc thiết lập các trung tâm hạt nhân nhạy cảm, bằng cách điều khiển từ xa các hành động ám sát nhắm vào các quan chức ngành hạt nhân Iran. Theo lời xác nhận của nguồn tin an ninh từ Bagdad, thì « Mossad - cơ quan phản gián Israel- sử dụng những người kurde chống đối lại chế độ Iran tại vùng tự trị Kurdistan – Irak để cài đặt người vào Iran ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.