Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Mục tiêu trước mắt của bà Aung San Suu Kyi là trở thành dân biểu

Thời gian gần đây, Miến Điện đang cuốn hút nhiều chú ý của quốc tế bởi những chuyển biến chính trị đang diễn ra bên trong đất nước từng nằm dưới ách cai trị của chế độ độc tài quân sự suốt nửa thế kỷ qua. Tâm điểm của tiến trình dân chủ đang diễn ra ở Miến Điện hiện nay là nhà đối lập nổi tiếng Aung San Suu Kyi. Nếu tiến trình cải cách chính trị ở đất nước này diễn ra suông sẻ thì có thể bà sẽ tham gia vào chính phủ, nhưng mục tiêu trước mắt là được bầu vào Quốc hội.

Lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi tại Rangoon ngày 06/01/2012.
Lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi tại Rangoon ngày 06/01/2012. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Nhân chuyến đi thăm Miến Điện của Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé, nhật báo Le Figaro trở lại với gương mặt chính trị đối lập Aung San Suu Kyi, biểu tượng cho cuộc đấu tranh vì dân chủ ở Miến Điện. Đặc phái viên tờ báo được gặp trực tiếp người phụ nữ nổi tiếng này tại nhà riêng ở Rangoon.

Điều đầu tiên mà tác giả bài viết cảm nhận được ở nhà đấu tranh kiên cường này là sức cuốn hút đặc biệt. Những năm tháng tù đầy và bị quản thúc tại gia, nỗi cô đơn và bệnh tật dường như không mấy tác động đến người phụ nữ này. Dáng vóc mảnh mai, trông bà vẫn trẻ hơn so với cái tuổi 66 của mình nhưng phong thái, cách phát ngôn thì là của một nhà chính trị không gì lay chuyển được.

Tác giả bài báo cho biết, sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Alain Juppé, bà Aung San Suu Kyi phát biểu bằng tiếng Pháp, ngoại ngữ mà bà đã tự học trong thời gia bị quản thúc tại gia, rằng : « Quý vị đến đây vào thời điểm đầy hứa hẹn. Nhiều tù nhân lương tâm vừa được trả tự do. Chúng tôi hy vọng việc trả tự do này sẽ tăng cường thêm cơ hội cho hòa hợp dân tộc và dân chủ ».

Các nhà báo hỏi liệu bà có tin Tổng thống Thein Sein chân thành ? Giải Nobel Hòa bình năm 1991 trả lời rằng: «Có, vì ông ta đã giữ lời hứa công nhận trở lại đảng của tôi. Chúng tôi đã thảo luận với nhau nhiều và thấy có những mục tiêu chung ». Bà cũng không loại trừ khả năng trong tương lai tham gia vào chính phủ. Nhưng mục tiêu trước mắt với nhà dân chủ đối lập này là trở thành dân biểu Quốc hội. Trả lời câu hỏi liệu có phải bà đang chơi một trò chơi nguy hiểm, có nguy cơ bị chế độ giật dây trong khi những ý định cải cách của chính quyền vẫn còn chưa rõ ràng ? Bà Aung San Suu Kyi khẳng định: « Đây không phải là một trò chơi. Phải mất rất nhiều công sức mới dẫn tới việc quân đội ủng hộ cho các cuộc cải cách dân chủ » .

Về phần mình, bà khẳng định không thay đổi quan điểm, vẫn luôn chủ trương «đối thoại và bất bạo động » . Tuy nhiên nhà dân chủ này vẫn tỏ ra thận trọng. Hơn nữa bà cũng cho biết không phải tất cả các thành viên chính phủ đều ủng hộ cải cách và giới quân sự ở Miến Điện vẫn còn nắm rất nhiều quyền hành. Bà cũng không loại trừ khả năng đảo chính có thể xảy ra. Ngày hôm qua, trong buổi lễ nhận huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp, bà Aung San Suu Kyi đã phát biểu: « Cuộc chiến đấu của tôi chưa kết thúc mà mới chỉ bắt đầu ». Cuộc đấu tranh đó không phải đã hết hiểm nguy.

Về chuyến đi của Ngoại trưởng Pháp đến Miến Điện, nhật báo Libération nhận định đây là chuyến đi mang tính chất thăm dò tình hình của lãnh đạo ngành ngoại giao Pháp. Kể từ khi Miến Điện giành độc lập năm 1948, đây là lần đầu tiên Paris cử Ngoại trưởng tới thăm đất nước này. Tuy nhiên Ngoại trưởng Pháp đã dành phần lớn thời gian cho cuộc tiếp xúc với nhà đối lập Aung San Suu Kyi.

Với chính quyền Miến Điện, ông Alain Juppé đã thông báo tăng gấp ba viện trợ của Pháp, lên tới 3,2 triệu euro, để trợ giúp các họat động nhân đạo khẩn cấp và cho các tổ chức phi chính phủ hay xã hội công dân. Một phái đoàn của Cơ quan Phát triển Pháp cũng sẽ được cử đến Miến Điện để đánh giá tính khả thi của các dự án văn hóa và du lịch. Vấn đề nối lại các hoạt động đầu tư của tập đoàn Total bị ngưng năm 2007 cũng được đề cập đến trong chuyến đi này.

Nước Pháp trong cơn sốc bị mất điểm AAA

Việc cơ quan thẩm định tài chính Standard &Poor’s hạ điểm tín nhiệm của nước Pháp xuống còn AA+ đã gây xáo động trong giới chính trị Pháp trong những ngày cuối tuần qua. Đây cũng là chủ đề được các báo Pháp ra ngày đầu tuần này chú ý nhiều nhất, đặc biệt là thông báo của Standard & Poor’s được đưa ra vào thời điểm chỉ còn 100 ngày nước Pháp bước vào cuộc bầu cử tổng thống.

Báo Le Monde gọi việc bị mất điểm A là « Cú sốc chính trị đối với Tổng thống Sarkozy ». Quyết định của Standard & Poor’s là một sự « trừng phạt đối chính sách kinh tế của Pháp trong những năm qua, nhất là chính sách của người đứng đầu nhà nước ». Xã luận báo Le Monde còn cho rằng đây là hậu quả của việc Tổng thống Pháp đã ý thức quá muộn về sự cần thiết cắt giảm thâm hụt chi tiêu và giảm nợ. Tuy nhiên theo tờ báo thì cánh tả cũng không có mấy lý do để vui mừng trước thực tế này. Bất kỳ đảng nào giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5 tới thì cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Báo Libération cũng khai thác khía cạnh những ứng cử viên tổng thống có thể hưởng lợi trong cuộc vận động tranh cử của mình nhân việc Pháp bị mất điểm AAA. Theo Libération tin xấu nước Pháp bị hạ điểm tín nhiệm đã được biết trước từ lâu, việc cơ quan thẩm định tài chính quốc tế chính thức công bố chỉ làm xáo trộn chiến dịch tranh cử tổng thống.

Trước tiên Tổng thống Sarkozy, một ứng cử viên chưa công bố chính thức, sẽ bị suy yếu. Theo Libération, trong 5 năm nắm quyền, chính sách của ông Sarkozy, đã không vực được nước Pháp đi lên mà còn ngày càng lụn bại. Các ứng cử viên của những đảng phái nhỏ qua sự vụ này có thể được hưởng lợi trong chiến dịch vận động tranh cử.

Nhật báo kinh tế Les Echos có cái nhìn rộng hơn về hậu quả của việc mất điểm tín nhiệm. Tờ báo nhận thấy quyết định hạ điểm của Standard & Poor’s đối với Pháp và 8 nước khác trong Liên hiệp châu Âu có nguy cơ làm các nước khu vực đồng euro, vốn đang sa lầy trong khủng hoảng, thêm chia rẽ. Theo các chuyên gia được Les Echos trích dẫn, được lợi nhất trong sự kiện này là Đức, nước đang rất thành công trong việc duy trì điểm tín nhiệm của mình. Berlin sẽ dựa trên thế mạnh của mình để tiếp tục áp đặt cho các đối tác châu Âu trong chính sách chi tiêu, chống chọi với khủng hoảng.

Vladimir Putin ăn trái đắng trên internet

Liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Nga, nhật báo Le Monde có bài viết đáng chú ý với tiêu đề « Vladimir Putin ăn trái đắng trên internet ».

Bài báo cho biết Thủ tướng Nga Putin không giấu diếm là người không mấy hứng thú với internet. Thậm chí có lần ông đã thổ lộ rằng chưa bao giờ gửi e-mail cho ai. Nhưng để chuẩn bị cho chiến dịch vận động tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ ba, hôm 12 tháng Giêng vừa qua, ông Putin đã mở một trang web ( www.putin2012.ru). Trên địa chỉ quảng bá cho chủ trương đường lối và hình ảnh cho riêng ông Putin, đáng chú ý là có một mục nhận ý kiến đóng góp của cử tri. Ba giờ sau khi trang web của ông xuất hiện, trong mục này đã đầy kín các đề nghị ông Putin từ chức.

Tờ báo trích ra một số các ý kiến như của một cử tri tên Svetlana Sorokina : « Tôi đề nghị ông từ chức. Đừng đẩy đất nước phải làm cách mạng, ông hãy rời khỏi chức vụ Thủ tướng và từ bỏ việc ra ứng cử Tổng thống » . Một ý kiến khác không kém gay gắt: « Xin ông hãy rời bỏ chính trị. Người ta hiểu quyền lực cũng là một thứ ma túy, nhưng cai đi thì sẽ tốt hơn ». Một người ký tên Andrei Antonenko thì viết : « Tôi mệt mỏi vì ông , tôi đã chịu đựng ông suốt 12 năm trời. Nếu ông trở lại thì phần lớn các bạn bè của tôi sẽ rời nước Nga (…) Hãy ra đi khi còn chưa muộn ».

Nhưng chỉ sau đó ít giờ, những lời bình luận kiểu như vậy đã biến mất, thay vào đó bằng những ý kiến ủng hộ ông Putin, trong số đó có đề nghị dẹp các tổ chức phi chính phủ Nga được « nước ngoài » cung cấp tài chính.

Theo Le Monde, chính quyền Nga đang có xu hướng nhìn đâu cũng có kẻ phá hoại do nước ngoài thao túng. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Kommersant, lãnh đạo Hội đồng An ninh Nga khẳng định, các mạng xã hội ở Nga được sử dụng từ bên ngoài để chống lại chính quyền, giống như đã làm với các cuộc cách mạng Ả Rập. Làn sóng chống chính quyền hiện nay đều được coi là có bàn tay từ nước ngoài.

Tunisia kỷ niệm một năm cuộc Cách mạng Hoa nhài

Ngày 14 tháng Giêng vừa qua, cuộc Cách mạng Hoa nhài của người dân Tunisia lật đổ chế độ độc tài Ben Ali vừa tròn một năm. Nhân dịp này trang quốc tế báo Le Monde trở lại với đất nước Bắc Phi đi tiên phong trong làn sóng nổi dậy « mùa xuân Ả Rập ».

Le Monde nhận thấy một năm sau cuộc cách mạng lật đổ chế độ Ben Ali, Tunisia vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, khủng hoảng kinh tế vẫn tiếp tục đè nặng lên cuộc sống của người dân. Viễn ảnh đất nước chưa hề có gì sáng sủa, ngành du lịch vẫn rơi tự do, đình công liên miên, giá cả tiêu dùng tăng cao. Người dân đang hoài nghi về một tương lai tươi sáng sau cuộc cách mạng mà vì nó mà họ đã phải đổi cả bằng máu và nước mắt.

Gấu trúc Trung Quốc vào Pháp bằng cửa VIP

Ngày hôm qua (15/1) hai con gấu trúc lớn được Trung Quốc cho Pháp mượn đã tới phi trường Paris – Charles de Gaulle Roissy, nhập cảnh qua cửa VIP. Hai con gấu Trúc có tên « Bé Mập » và « Hân Hoan » đã được đối xử như những nhân vật VIP : Máy bay riêng, thảm đỏ và hàng trăm nhà báo đón tận chân cầu thang máy bay, có đại diện ngoại giao của hai nước ra đón…. Ngay chiều hôm qua hai chú gấu trúc đã lên đường với xe cảnh sát hộ tống về vườn thú Bauval ( Loir-et Cher), miền Trung nước Pháp.

Câu chuyện nhỏ trên Libération nhận xét một cách hài hước rằng. Làm một con vật ngoại giao còn hơn là một người không giấy tờ khi nhập cảnh qua phi trường Roissy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.