Vào nội dung chính
THÁI LAN - CHÍNH TRỊ

Bộ trưởng Thái Lan mới được bổ nhiệm nằm trong danh sách đen của Mỹ

Ngày hôm nay 19/1/2012, theo AFP, chính giới Thái Lan xôn xao vì một bộ trưởng mới được bổ nhiệm lại có tên trong danh sách đen của Mỹ, vì những liên hệ mờ ám với chế độ tham nhũng của tổng thống Zimbabwe Mugabe.

Thủ tướng Thái  Yingluck Shinawatra bổ nhiệm một bộ trưởng nằm trong danh sách đen của Mỹ
Thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra bổ nhiệm một bộ trưởng nằm trong danh sách đen của Mỹ REUTERS
Quảng cáo

Bà Nalinee Taveesin, trở thành bộ trưởng phụ trách văn phòng của thủ tướng Thái Lan ngày hôm qua 18/1, nguyên là một nhà doanh nghiệp. Theo thông báo của bộ Tài chính Hoa Kỳ vào tháng 11/2008, nhân vật này đã bị đưa vào danh sách đen, vì đã tạo điều kiện cho một số giao dịch tài chính, có liên quan đến các loại đá quý, do vợ của tổng thống Zimbabwe Mubaga, bà Grace đứng tên.

Đáp lại nhận định của thủ tướng Yingluck Shinawatra cho rằng việc bổ nhiệm kể trên « phù hợp với Hiến pháp Thái Lan », người phát ngôn đảng Dân chủ đối lập khẳng định, cho dù Hiến pháp không cấm bổ nhiệm các bộ trưởng có tên trong các danh sách đen, nhưng chính phủ cũng nên chú ý đến khía cạnh đạo đức.

Phát biểu trên nhật báo Bangkok Post, tân bộ trưởng bị chỉ trích nói, bà không bao giờ có quan hệ làm ăn với gia đình ông Mugabe, và chưa từng buôn bán đá quý. Tuy nhiên, bà Nalinee Taveesin công nhận đã biết gia đình tổng thống Zimbabwe từ hơn mười năm nay. Tân bộ trưởng trong chính phủ Yingluck cũng khẳng định, là bạn của nhiều tổng thống trên thế giới. Cáo buộc trên đây, theo bà, chỉ là một sự suy diễn.

Từ năm 2002, ông Mugabe, tổng thống Zimbabwe và gia đình bị nhiều nước phương Tây cấm nhập cảnh. Nhiều tài sản của họ bị Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ phong tỏa, vì chế độ của tổng thống Mugabe bị cáo buộc liên tục có các hành động vi phạm nhân quyền.

Theo bộ Tài chính Hoa Kỳ, điều trớ trêu là, tân bộ trưởng Nalinee Taveesin vừa tham gia vào nhiều chương trình chống tham nhũng tại châu Phi và Đông Nam Á, lại vừa bí mật ủng hộ các hoạt động tham nhũng của một trong những chế độ tồi tệ nhất ở châu Phi.

Đối lập Thái Lan cũng đã từng chỉ trích việc bà Yingluck đưa vào chính phủ một cựu lãnh đạo phong trào Áo Đỏ, bị truy nã vì tội « khủng bố », vì vai trò của người này trong cuộc khủng hoảng chính trị mùa xuân năm 2010 tại Thái Lan. Cuộc khủng hoảng khiến 90 người chết và khoảng 1.900 người bị thương.

Xin nhắc lại là trong thời gian này, có tới 100.000 người Áo Đỏ, trung thành với nguyên thủ tướng Thái, ông Thaksin Shinawatra, anh trai của nữ thủ tướng Yingluck, đã chiếm lĩnh trung tâm thủ đô Bangkok để yêu cầu chính phủ thời đó phải ra đi. Chiến dịch này của phong trào Áo Đỏ chỉ chấm dứt sau khi quân đội can thiệp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.