Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - DÂN CHỦ

Liệu dân chủ hóa có thể diễn ra ở Trung Quốc ?

Phụ trương báo Le Monde về các vấn đề địa chính trị hôm nay có bài viết đáng chú ý của thông tín viên Brice Pedroletti tại Thượng Hải về chính trị Trung Quốc với câu hỏi « Phải chăng Trung Quốc đang sắp có được dân chủ hóa ?».

Tượng thần Dân chủ, biểu tượng của sự kiện Thiên An Môn, trong cuộc tuần hành ở Hồng Kông, ngày 30/05/2010
Tượng thần Dân chủ, biểu tượng của sự kiện Thiên An Môn, trong cuộc tuần hành ở Hồng Kông, ngày 30/05/2010 Reuters / Tyrone Siu
Quảng cáo

Thông tín viên của Le Monde dẫn luận điểm của hai nhà chuyên nghiên cứu các mô hình lãnh đạo chính trị khá nổi tiếng ở Trung Quốc là Lưu Vũ (Lưu Yu) và Trần Định Định (Chen Dingding) khẳng định, đến năm 2020, chắc chắn ở Trung Quốc sẽ có dân chủ. Ông Lưu Vũ là giáo sư giảng dạy môn học dân chủ Mỹ tại đại học Tinh Hoa Bắc Kinh. Còn ông Trần Định Định là giáo sư môn quản trị hành chính công tại đại học Macao.

Theo tác giả bài báo, luận điểm của trí thức Trung Quốc là cách nhìn mới về toàn bộ những hiện tượng đang thách thức mô hình lãnh đạo ở Trung Quốc, theo đó, « sau vẻ bề ngoài trì trệ chính trị, những dấu hiệu chuyển biến chính trị căn bản ở Trung Quốc hiện nay đang xuất hiện rất nhiều». Bằng chứng, đó là sự phát triển mạnh mẽ phản biện công dân trong năm 2011 và trào lưu rộng rãi những ý tưởng tự do hóa ở tầng lớp có thanh thế trong xã hội cũng ngày càng được củng cố. Các tác giả của luận điểm trên đã xác định có bốn xu hướng chính quan hệ lẫn nhau : Phát triển kinh tế, thay đổi văn hóa chính trị, bàn cờ chính trị ở cấp cao nhất và bối cảnh địa chính trị toàn cầu.

Lý luận cho rằng thành công kinh tế hiện nay càng chứng tỏ tính chính đáng trong vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị hai học giả Trung Quốc nêu trên bác bỏ bằng việc đưa ra hàng loạt thí dụ các nước đã chuyển tiếp dân chủ trong những thập kỷ gần đây mà chủ yếu là ở châu Á như Đài Loan hay Hàn Quốc. Ở những nước đó, sự chuyển tiếp dân chủ đã diễn ra vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh và mức độ tích lũy của cải vật chất cũng tưong tự như Trung Quốc hiện nay.

Theo tác giả của luận đề về chuyển biến dân chủ ở Trung Quốc, mô hình phát triển Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội, tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích gắn với chính quyền. Chính điều này sẽ làm tích tụ dồn nén oán thán của các tầng lớp người dân ở Trung Quốc và họ sẵn sàng tham gia vào các cuộc huy động chính trị.

Tác giả bài báo nhận thấy, một yếu tố khác cũng góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, đó là sự thức tỉnh công dân. Giới viết blog, một đòn bẩy trong xã hội dân sự, đang trở nên ngày càng có tổ chức. Ở Trung Quốc cũng đã bắt đầu xuất hiện những nhóm người đi tiên phong dư luận có tư tưởng tự do. Xu hướng mới này đã làm thay đổi bộ mặt cho cuộc đấu tranh chính trị mà từ trước vẫn được gắn cho các nhà bất đồng chính kiến bị đảng Cộng sản gạt ra ngoài vòng pháp luật.

Cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo cấp cao nhất vào cuối năm 2012 cũng sẽ là một cơ hội tốt cho quá trình dân chủ hóa ở Trung Quốc. Theo tác giả của nghiên cứu nói trên thì ê-kíp lãnh đạo mới sẽ đỡ độc đoán hơn và chính sự chia rẽ bè phái trong nội bộ sẽ khiến cho những người có đầu óc tự do hơn phải dựa vào xã hội dân sự để tạo đối trọng với các đối thủ thuộc phe bảo thủ. 

Trung Quốc cắm chân ngày càng sâu ở châu Phi 

Le Figaro hôm nay chú ý tới việc « Bắc Kinh đang trau chuốt hình ảnh và chăm lo lợi ích ở châu Phi », tựa của báo.

Được dựng lên ở trung tâm thủ đô Adis-Abeba của Ethiopia, tòa nhà trụ sở mới của Liên hiệp châu Phi vừa được khánh thành hôm qua và đưa vào phục vụ hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp châu Phi lần thứ 18. Tờ báo nhận thấy, với việc xây tặng cho Liên hiệp châu Phi (UA) tòa trụ sở mới, Trung Quốc đã ghi được dấu ấn ngoạn
mục trên lục địa đen này. Món quà trị giá hơn 150 triệu euro, gồm 3 trung tâm hội nghị, 74 văn phòng đủ cho 700 nhân viên đại diện của 54 nước châu Phi và một sân bay trực thăng. Để tỏ ra hào phóng hơn, Bắc Kinh còn chi phí toàn bộ trang thiết bị nội thất cho trụ sở. Trong lễ khai mạc tòa nhà, ông Giả Khanh Lâm, nhân vật số 4 của chính quyền Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng giờ đây Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi. Mức trao đổi mậu dịch của Trung Quốc với lục địa Phi trong năm 2011 lên tới 150 tỷ đô la. Theo bộ Thương mại , đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi trong năm 2011 tăng hơn 58%, đạt 1,7 tỷ đô la.

Hồi đầu tháng Giêng, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì còn đánh giá châu Phi là « mỏ vàng » cho các nhà đầu tư ngoại quốc.

Theo Le Figaro, chính những món quà và ưu đãi tín dụng cho châu lục này đã bôi trơn các diễn văn của lãnh đạo Trung Quốc. Theo các nhà quan sát chính trị, quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi đang trở nên muôn hình muôn vẻ và phức tạp. Những gì Trung Quốc mang lại cho châu Phi và những gì lấy đi từ lục địa đen này sẽ còn gây tranh cãi nhiều. Có điều chắc chắn là Bắc Kinh đang rất chú trọng cải thiện hình ảnh của mình để cắm chân sâu hơn nữa ở châu Phi. 

Ván bài cuối cùng của tổng thống Pháp

Về thời sự nước Pháp, tối qua, hàng triệu người dân Pháp đã chăm chú theo dõi những phát biểu của tổng thống Nicolas Sarkozy trên truyền hình về những giải pháp vực dậy kinh tế nước Pháp. Hôm nay, không một tờ báo nào ở Pháp có thể bỏ qua thông tin nóng này, nhất là trong bối cảnh kinh tế Pháp đang gặp khó khăn và còn chưa đầy ba tháng nữa nước Pháp bước vào cuộc bầu cử tổng thống. Tuy chưa công bố ra tái ứng cử, nhưng mọi người đều hiểu ông Sarkozy đã là ứng cử viên rồi. Vì thế những thông báo về các biện pháp kinh tế tối qua của ông Sarkozy còn nhằm mục đích thuyết phục cử tri Pháp. Le Figaro nhận định đó là những biện pháp mạnh để vực dậy kinh tế, tờ báo chạy tựa lớn trên trang nhất « Những cải cách sốc của Sarkozy ». Trong khi đó, Libération chạy tựa « Một tổng thống thất bại ». Tờ báo nhận xét : Bị dư luận bỏ rơi, ông Sarkozy định lấy lại vị thế, nhưng ông chỉ thông báo những biện pháp hạn chế như tăng thuế giá trị gia tăng TVA. Bản thân ông không thuyết phục được ai.

Nhìn chung, dường như có một điểm các báo thống nhất với nhau, đó là tổng thống mãn nhiệm Sarkozy hôm qua đã cố gắng định chơi một ván bài "được ăn cả ngã về không" trước khi chính thức ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ mới. Xã luận Le Figaro viết « Đặt lên bàn việc tăng thuế TVA và cải cách vấn đề việc làm vào thời điểm chưa đầy ba tháng nữa đến ngày bầu cử tổng thống là điều chưa từng thấy ». Nhật báo Công giáo La Croix trong bài xã luận viết: « Rất chậm trong các thăm dò dư luận so với François Hollande (ứng cử viên đảng Xã hội), tổng thống mãn nhiệm tìm cách tạo cho mình một tầm vóc đặc biệt, đó là tầm vóc của một nguyên thủ không ngại chịu trách nhiệm về những quyết định không đồng thuận mà ông cho là vì lợi ích của đất nước »

Trong khi đó, các báo thiên tả tất nhiên là chỉ trích mạnh mẽ. L’Humanité nhận xét : « Tất cả diễn ra cứ như từ nay đến khi hết nhiệm kỳ của mình tổng thống muốn hoàn thành nốt sự nghiệp phá bỏ mô hình xã hội Pháp » và chỉ làm cho vấn đề tạo việc làm thêm rối ren. 

Đảng Cộng sản Cuba muốn cứu mô hình xã hội chủ nghĩa

Chuyển sang khu vực châu Mỹ La Tinh, tờ báo Cộng sản l’Humanité chú ý đến sự kiện chính trị quan trọng đang diễn ra tại tại Cuba là trong tuần, đảng Cộng sản Cuba lần đầu tiên kể từ khi thành lập năm 1965, họp hội nghị toàn quốc để thông qua chương trình cải cách kinh tế xã hội. L’Humanité chạy tựa « Những người cộng sản Cuba đến thời điểm chỉnh lý ».

Tờ báo cho biết, cách đây ít ngày, chủ tịch Cuba Raul Castro đã thận trọng phát biểu: « Chúng ta tiến nhưng không nên ảo tưởng nhiều », và thông báo hội nghị đề cập đến « những chủ đề nội bộ Đảng để hoàn thiện điều chỉnh cho phủ hợp với thời đại chúng ta đang sống ». Điều quan trọng nữa là phải tiến hành « cập nhật hóa » để cứu vớt mô hình chủ nghĩa xã hội Cuba.

Những chủ trương được đảng Cộng sản Cuba thông qua, đó là trong tương lai, lãnh đạo đất nước, trong đó kể cả chủ tịch nước, không được làm quá hai nhiệm kỳ 5 năm. Đây là sáng kiến nhằm trẻ hóa đội ngũ thay thế các lãnh đạo thuộc thế hệ « lịch sử » của cuộc cách mạng. Bản thân những người thuộc thế hệ này cũng thừa nhận đã chậm trễ trong việc chuẩn bị chuyển tiếp quyền lực cho thế hệ mới. Hội nghị lần này cũng xem xét việc đấu tranh chống tham nhũng đang làm hủy hoại bộ máy nhà nước cũng như xem xét về vấn đề truyền thông, trong đó có báo chí. Tờ báo kết luận, giờ đây để tiến triển, Cuba không có sự sự lựa chọn nào khác là hành động. 

Đế chế truyền thông Murdoch tiếp tục lung lay

Một thời sự quốc tế khác được Le Figaro quan tâm đó là những bê bối nghe trộm điện thoại để lấy tin tiếp tục làm lung lay đế chế truyền thông Murdoch.

Le Figaro cho biết, sau vụ bê bối nghe trộm điện thoại của các phóng viên tờ News of the World dẫn đến việc phải đóng cửa tờ báo hồi tháng 7 năm ngoái, giờ lại đến lượt một tờ báo khác của ông chủ Rupert Murdoch rơi vào vòng xoáy bê bối mới. Đó là tờ The Sun, nhật báo tiếng Anh nổi tiếng, phát hành 2,8 triệu bản. Hai nhà báo và hai cựu thành viên ban biên tập của tờ báo đã bị thẩm vấn hôm thứ Bảy. Một cảnh sát tại Luân Đôn liên quan đến vụ việc cũng bị bắt giữ. Cuộc điều tra liên quan đến nghi vấn nhà báo mua tin của cảnh sát.

Nghe trộm điện thoại, đánh cắp e-mail, gây sức ép, đe dọa, theo dõi tại nhà…đó là những biện pháp nghiệp vụ bất hợp pháp của tờ báo này đang được một ủy ban của Quốc hội tiến hành điều tra.

Le Figaro cho hay, bên cạnh đó, cảnh sát Anh cũng đang tiến hành nhiều cuộc điều tra tội phạm khác, bắt giữ 32 nhà báo hoặc phụ trách của tập đoàn Murdoch.

Từ mùa hè năm ngoái, một chiến dịch có tên gọi « Bàn tay sạch » đã được tung ra nhằm điều tra các hoạt động nghiệp vụ báo chí của tập đoàn News Internationnal, mà ông chủ của nó là Rupert Murdoch nắm trong tay các tờ báo lớn như Times, The Sun, Day Times và một mạng lưới truyền hình qua vệ tinh Sky.

Le Figaro cho biết, đây không phải lần đầu tiên tờ báo The Sun bị cáo giác. Hồi tháng 11, một phóng viên của báo cũng đã bị bắt vì dùng tiền mua chuộc cảnh sát. Vụ bê bối ở The Sun rồi sẽ còn sẽ còn lan rộng sang nhiều tờ báo lá cải khác ở Anh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.