Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Ung thư, nguyên nhân số 1 gây tử vong tại Trung Quốc

Vào lúc khối euro đang lao đao, báo công giáo La Croix ít chú ý đến sự kiện bà Merkel đến Bắc Kinh hơn là một đề tài y tế của bản thân Trung Quốc với bài báo mang tựa đề « Số người bị ung thư tại Trung Quốc đang bùng phát ». Theo thống kê được Bộ Y tế Trung Quốc cung cấp, trong 30 năm qua, tỷ lệ tử vong vì bệnh ưng thư tăng 80 %.

Một bệnh nhân 15 tuổi bị ung thư đang được điều trị tại bệnh viện ở Vân Nam, Trung Quốc ngày 10/01/2012.
Một bệnh nhân 15 tuổi bị ung thư đang được điều trị tại bệnh viện ở Vân Nam, Trung Quốc ngày 10/01/2012. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Đáng quan ngại hơn cả là số người bị chết vì ung thư phổi : hiện tại số ca tử vong vì ung thư phổi tăng cao gấp năm lần so với thời điểm của năm 1980. Riêng tại Bắc Kinh đây là nguyên nhân dẫn đến cái chết cho 1/4 các trường hợp và trong thời gian từ 2000 đến 2009 số người bị ung thư phổi tăng gần 60 %. Còn đối với bệnh ung thư ngực, thì tỷ lệ tăng đó là 130 %.

Về nguyên nhân gây bệnh, các chuyên gia Trung Quốc nêu lên những lý do như là ô nhiễm không khí vì Trung Quốc sử dụng quá nhiều than đá để phục vụ nhu cầu sản xuất. Gần đây khối lượng xe hơi bùng nổ cũng là nguyên nhân đáng lo ngại không kém. Bên cạnh đó cuộc sống hiện đại cùng là mầm mống gây ung thư : người dân Trung Quốc ngày càng tiêu thụ nhiều thịt, thức ăn ngày càng béo, càng ngọt.

Thêm vào đó, dân cư ở thành phố ngày càng ít hoạt động, người lao động chịu áp lực của stress, ít ngủ khiến sức đề kháng của cơ thể ngày càng yếu đi. Hai chuyên gia về ung thư Trung Quốc đều khẳng định là một trong những giải pháp nước đông dân nhất hành tinh này phải hướng tới là Bộ Y tế khuyến khích người dân đi khám bệnh thường xuyên để sớm phát hiện ung thư. La Croix lưu ý : để đạt được mục tiêu đó thì Trung Quốc phải vượt qua thử thách không nhỏ. Đó là phải mở rộng mạng lưới y tế công bằng hơn cho tất cả mọi người. Tại một quốc gia với 1,5 tỷ người và một hệ thống y tế yếu kém như Trung Quốc thì đây quả là nhiệm vụ mà chính quyền Bắc Kinh khó có thể nhanh chóng hoàn thành.

Doanh nhân Nga và khả năng Putin rời khỏi quyền lực

Trong lĩnh vực kinh tế báo Les Echos chú ý đến các doanh nhân Nga đang « sôi động » : Thủ tướng Putin chuẩn bị ra tranh cử Tổng thống lần thứ ba. Ông cam kết « đổi mới kinh tế » như thể để ve vãn các tầng lớp có óc « sáng tạo » đem lại thịnh vượng cho nước Nga, nhưng đối với tầng lớp này, khả năng Vladimir Putin « rời khỏi guồng máy lãnh đạo không còn là một điều cấm kỵ ».

Một nhà kinh tế hàng đầu tại Matxcơva cho rằng « làn sóng phản kháng chống Putin đang đem lại làn gió mới cho công cuộc cải tổ kinh tế » bởi vì « mô hình tăng trưởng của Nga không thể trông cậy vào một cột trụ duy nhất là dầu hỏa. Đã đến lúc Matxcơva cần nới lỏng tỷ giá hối đoái của đồng rúp và thực sự bài trừ tham nhũng ». Nhân vật này không vòng vo : « trong nhiều năm qua, chính quyền Nga đã nói rất nhiều, nhưng làm thì chẳng bao nhiêu » và ông cho rằng làn sóng phải đối Putin đang gia tăng áp lực lên đương kim Thủ tướng Nga.

Thông tín viên của báo Les Echos từ Matxcơva nhận thấy là giới chủ ngày càng bất mãn vì đường lối lãnh đạo của Vladimir Putin. Họ cho rằng, ông này luôn trông chờ vào các tập đoàn quốc doanh do bè phái của ông kiểm soát để « hiện đại hóa cỗ máy kinh tế. Trong khi đó chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại có khả năng thích nghi với tình huống nhanh hơn cả, có khả năng cạnh tranh cao hơn và có sức sáng tạo lớn hơn các công ty khổng lồ nằm cả trong tay những người bạn của Putin ».

Cuba, 50 năm dưới cấm vận của Hoa Kỳ

L'Humanité quan tâm đến một lễ kỷ niệm : cách nay đúng 50 năm ngày 03/02/1962 Tổng thống Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy ban hành các biện pháp trừng phạt toàn diện Cuba. Lệnh phong tỏa đó đã được củng cố thêm vào năm 1992 và 1996.

Tác giả bài viết Jean Ortiz nhắc lại chính quyền Mỹ khi đó ban hành lệnh cấm vật Cuba để chống lại chủ nghĩa cộng sản, sau đó luận điểm của Hoa Kỳ là để « bảo vệ nhân quyền ». Nhưng đây là một cuộc đọ sức « bất tương xứng giữa một siêu cường với một hòn đảo tí hon ». Chưa kể là quyết định ngày 03/02/1962 của Tổng thống Kennedy đã « vi phạm các điều luật và quy định quốc tế ». Bằng cớ là hàng năm gần như đại đa số các thành viên Liên Hiệp Quốc đều lên án chính sách cấm vận Cuba của Hoa Kỳ và đều kêu gọi Washington bãi bỏ các biện pháp trừng phạt La Habana.

L'Humanité nhắc lại : ngay từ đầu năm 1959 chính quyền Mỹ đã không chấp nhận cuộc cách mạng Cuba, một hòn đảo nằm sát nách Hoa Kỳ. Từng bước, Washington quyết định dùng đòn kinh tế để « bóp ngạt » hòn đảo trong khi Cuba nhập khẩu đến 73 % hàng hóa từ Hoa Kỳ và xuất khẩu sang thị trường Mỹ đến 63 % các sản phẩm làm ra.

Chiến lược của Mỹ khi đó là đánh quỵ chính quyền Castro thế nhưng theo L'Humanité, « tầm nhìn nông cạn » của Mỹ đã khiến chế độ Castro ngày càng cực đoan hơn và La Habana đã nghiêng hẳn về phía các nước xã hội chủ nghĩa. Viện trợ của Liên Xô cũ đã giúp Cuba sống qua ngày và còn được tồn tại đến ngày hôm nay. Cuba cho biết chính sách cấm vận toàn diện của Mỹ gây thiệnt hại 751 tỷ đô la cho hòn đảo trong 5 thập niên qua và đã tác động trực tiếp đến đời sồng của toàn dân Cuba, từ người già đến trẻ em.

Phóng viên của báo L'Humanité không quên nhắc lại là hai đạo luật Torricelli năm 1992 và Helms Burton năm 1996 đã tăng cường các biện phap trừng phạt Cuba. Giờ đây dư luận Mỹ phần lớn muốn bãi bỏ cấm vận kinh tế Cuba, nhưng Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama dường như vẫn theo đuổi đường lối mà những người tiền nhiệm của ông đã vạch ra. Còn Cuba thì vẫn tiếp tục hứng chịu những hậu quả của lệnh phong tỏa toàn diện mà chính quyền Kennedy đã ban hành cách nay đúng nửa thế kỷ.

Facebook « tấn công » Wall Street

Mạng xã hội Facebook của sáng lập viên Mark Zuckerberg nghiễm nhiên chiếm trang nhất nhiều tờ báo Pháp: « Facebook chuẩn bị lên sàn chứng khoán để phá tất cả các kỷ lục » tựa lớn trên trang nhất Le Monde. Với hơn 11 triệu người bạn trên mạng trực tiếp theo dõi các hoạt động của Zuckerberg, đội ngũ « follower » của ông tỷ phú chưa đầy 30 tuổi này rồi đây sẽ có thêm hàng ngàn cổ đông một khi Facebook chính thức tham gia thị trường chứng khoán.

Cách nay đúng 8 năm khi còn là sinh viên Mark đã thành lập « công ty » trong khuôn viên khu ký túc đại học Harvard. Giờ đây mạng xã hội của anh được gần 850 triệu người trên thế giới hưởng ứng. Les Echos nhắc lại : với 3,7 tỷ đô la doanh thu năm 2011 và 1 tỷ đô la tiền lãi việc Facebook lên sàn chứng khoán đương nhiên rất được chờ đợi.

Hơn thế nữa nhiều cộng tác viên của Mark Zuckerberg trong vài tháng nữa sẽ có triển vọng trở thành những nhà tỷ phú của nước Mỹ. Trong số những người may mắn đó phải kể đến danh ca Bono của nhóm U2 : năm 2009 Bono đầu tư 90 triệu đô la để mở mang mạng xã hội Facebook. Với số tiền đầu tư đó Bono sẽ gặt hái được từ 750 triệu đến 1 tỷ đô la một khi Facebook chen chân được vào Wall Street. Phụ trang của tờ Le Figaro chú ý đến tài sản của cá nhân Zuckerberg : chưa đầy 28 tuổi, Mark đang làm chủ một tài sản gần 28 tỷ đô la. Đổi lại kể từ đầu 2013 hàng năm Mark chỉ nhận tiền lương với 1 đô la tượng trưng !

Libération thực tế hơn không để những khoản tiền bạc tỷ làm điên đảo. Tờ báo nêu lên câu hỏi : đâu là giá trị thực sự của một tập đoàn như Facebook ? Hiện tại công ty của Mark Zuckerberg mới chỉ chinh phục được 28 % thị trường quảng cáo trên mạng, thua xa Google. Để có thể đứng ngang hàng với Google Facebook đang hướng tới thị trường rộng lớn là Trung Quốc với một nửa tỷ người sử dụng internet. Nhưng trước mắt Zuckerberg chưa thuyết phục được giới lãnh đạo Bắc Kinh. Theo quan điểm của Libération tương lai Facebook tùy thuộc vào chiến lược phát triển của mạng xã hội này và nhất là tùy thuộc vào cuộc đọ sức với ông khổng lồ Google !

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.