Vào nội dung chính
NGHỆ THUẬT

"Ngải Vị Vị : Entrelacs" - Triển lãm đầu tiên của nghệ sĩ ly khai Trung Quốc tại Pháp

Từ nay cho đến ngày 29/04/2012, Bảo tàng nghệ thuật Jeu de Paume (Paris) trưng bày các tác phẩm của nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị. Đây là lần đầu tiên mà các tác phẩm của nhà nghệ sĩ ly khai nổi tiếng này ra mắt công chúng tại thủ đô nước Pháp. “Ngải Vị Vị : Entrelacs”, tên gọi chính thức của cuộc triển lãm, gợi lên nhân cách đa dạng và phức tạp của người nghệ sĩ và những liên hệ không ngừng của ông với xã hội.

Nghệ sĩ Ngải Vị Vị tại xưởng nghệ thuật ở Thượng Hải, sau khi bị phá hủy đầu năm 2011.
Nghệ sĩ Ngải Vị Vị tại xưởng nghệ thuật ở Thượng Hải, sau khi bị phá hủy đầu năm 2011. DR
Quảng cáo

Cùng với triển lãm tại Berlin (Bảo tàng nghệ thuật Martin-Groupius-Bau) (tiếp tục cho đến ngày 18/03/2012), cuộc trưng bày tại Bảo tàng Jeu de Paume (Paris) cho người xem đến với cuộc đời nghệ thuật của Ngải Vị Vị, bắt đầu từ những năm 1980 ở New York, nơi ông đã sống qua hơn mười năm. Chính ở đây, ông đã quyết định chọn chụp ảnh làm một hoạt động nghệ thuật chính của mình. Trong vòng một thập kỷ này, Ngải Vị Vị đã chụp tới hơn 10.000 tấm hình.

Năm 1993, trở lại Trung Quốc, Ngải Vị Vị tiếp tục chụp ảnh. Ông đã dùng ảnh để ghi lại toàn bộ cuộc sống hàng ngày của mình. Theo đánh giá của một số nhà chuyên môn, ảnh là một phần hấp dẫn nhất trong cuộc triển lãm. Rất nhiều hình ảnh được trưng bày đến từ trang blog của ông, được lập ra vào năm 2005, với sự khuyến khích của chính quyền, nhưng sau đó đã bị buộc phải đóng cửa vào năm 2009, sau biến cố Tứ Xuyên.

Các tác phẩm nghệ thuật của Ngải Vị Vị cho thấy một tinh thần phản kháng chống lại mọi sự áp đặt của giới cầm quyền đối với quyền tự do sáng tạo và sự dấn thân của một công dân có trách nhiệm với đất nước mình.

Năm 1994, ông chụp hình người vợ chưa cưới tốc váy để lộ quần lót ngay chính trên quảng trường Thiên An Môn, nơi hàng năm vào dịp ngày 4/6, cùng với nhiều người đồng chí hướng, ông đến đây để âm thầm tưởng niệm các sinh viên đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh vì dân chủ Mùa Xuân năm 1989. Đằng sau hình tượng người phụ nữ tốc váy là bức hình Mao và đội lính gác.

Một năm tiếp theo, cũng trên quảng trường Thiên An Môn, Ngải Vị Vị đã thực hiện bức ảnh đầu tiên trong loạt ảnh nổi tiếng “nghiên cứu viễn cận”, trong đó ông giơ thẳng ngón tay trỏ - ngón tay “tục tĩu” - trong tư thế của một họa sĩ đang đo lường cảnh quan, ngón tay hướng thẳng vào bức ảnh Mao Trạch Đông. Trong bộ ảnh này, có cả hình họa sĩ giơ ngón tay hướng về tháp Eiffel. Loạt ảnh nghiên cứu viễn cận mời gọi người xem, xét lại chính sự kính nể của bản thân mình trước bất cứ thứ uy quyền nào.

Trong gian đầu của Bảo tàng, người xem có thể ngắm loạt các bức ảnh nằm trong nhóm đề tài “Provisional landscapes” (Cảnh quan tạm) được thực hiện trong những năm 2002-2008. Đây là các bức ảnh ghi lại quá trình phá hủy nhà cửa ở các vùng nông thôn truyền thống, tình trạng xây dựng bừa bãi ... Các hình ảnh được Ngải Vị Vị ghi lại cho thấy những thay đổi đang diễn ra tại Trung Quốc, một đất nước mà chính quyền không lưỡng lự hủy hoại các di sản quý giá để đầu tư cho một sự phát triển không định hướng, không có tương lai.

Sau khi được mời thiết kế sân vận động Bắc Kinh vào dịp Olympic năm 2008, nổi tiếng với tên gọi “tổ chim”, Ngải Vị Vị đã lên án chính quyền sử dụng ngày hội thể thao toàn cầu này làm công cụ tuyên truyền.

Xung đột với chính quyền lên đến đỉnh điểm vào thời điểm động đất tại Tứ Xuyên tháng 5/2008, khi người nghệ sĩ ly khai quyết định trực tiếp đến nơi xảy ra thảm họa, chụp ảnh và tìm cách công bố danh tính của các nạn nhân, nhằm lên án thái độ vô trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc trong thảm họa này. Hoạt động xã hội của Ngải Vị Vị khiến trang blog của ông bị đóng cửa, bản thân ông bị đánh chấn thương sọ não, nhưng Ngải Vị Vị vẫn tiếp tục gửi đi các tác phẩm của mình qua mạng twitter. Các bức ảnh qua twitter cũng đến với công chúng qua triển lãm tại Bảo tàng Jeu de Paume.

Vừa là nhà kiến trúc, điêu khắc, nhiếp ảnh gia, người làm nghệ thuật sắp đặt, người dùng blog và twitter, tác phẩm của Ngải Vị Vị liên tục chuyển đến công chúng các thông điệp về những vấn đề trầm kha của xã hội Trung Quốc, sự thối nát của hệ thống quyền lực độc đoán. Là một con người sáng tạo, Ngải Vị Vị thổ lộ : Ông không thích sử dụng từ này để nói về nghệ thuật. Các từ ngữ mà ông ưa thích là : “tưởng tượng phóng túng”, “ngờ vực”, “phát hiện”, “lật đổ” hay “phê phán”...

Triển lãm của Ngãi Vị Vị tại Paris diễn ra đúng vào lúc ông đang bị quản chế tại Bắc Kinh, trong thời gian chờ ra tòa xét xử về tội "trốn thuế", tội danh mà chính quyền quy gán cho ông. Trước đó, nhà nghệ sĩ đã bị giam giữ 81 ngày trời trong những điều kiện hết sức hạ nhục và khắc nghiệt. Tuy nhiên, theo nhiều nhân chứng, Ngải Vị Vị vẫn luôn bình tĩnh, quả quyết và sẵn sàng đối mặt với các áp lực mới.

Các tin, bài liên quan

Pháp triển lãm ảnh của nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị

Ngải Vị Vị : 81 ngày bị giam, 50 lần bị thẩm vấn 

Ngải Vị Vị cứng đầu : Bắc Kinh nhức óc

Bắc Kinh bị mất mặt trong vụ đòi truy thu thuế Ngải Vị Vị

Ngải Vị Vị tố cáo chính phủ Trung Quốc coi thường đạo lý

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.