Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - QUÂN SỰ

Bắc Triều Tiên cam kết ngừng chương trình hạt nhân

Cuộc tiếp xúc tay đôi Mỹ - Bắc Triều Tiên tại Bắc Kinh đã có kết quả. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua 29/02/2012, ra thông báo cho biết, Bắc Triều Tiên chấp nhận hoãn các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa cũng như cho ngừng các hoạt động làm giàu Uranium tại cơ sở Yongbyon. Kết quả của cuộc đàm phán trên đã được quốc tế đón nhận bằng những phản ứng vui mừng xen lẫn dè dặt.

Thứ trưởng thứ nhất bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Kye-gwan, đến Bắc Kinh đàm phán với Mỹ, ảnh chụp 23/02/2012
Thứ trưởng thứ nhất bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Kye-gwan, đến Bắc Kinh đàm phán với Mỹ, ảnh chụp 23/02/2012 REUTERS
Quảng cáo

Thông báo của Washington đã được thông tấn xã chính thức Bắc Triều Tiên (KCNA) xác nhận và đánh giá đây là một "bước tiến quan trọng". KCNA cũng cho biết Bình Nhưỡng đã chấp nhận cho các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA trở lại để giám sát thực hiện quyết định tạm hoãn hoạt động làm giàu uranium.

Đổi lại, Bắc Triều Tiên được Mỹ cam kết viện trợ 240 nghìn tấn lương thực. Theo một quan chức Mỹ thì số viện trợ lương thực dành cho trẻ em, phụ nữ mang thai, và những người dân đang bị đói ăn, hiện đã lên tới 6 triệu người, theo con số của Liên Hiệp Quốc.

Sau 10 năm giằng co thương lượng về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, có thể nói đây là một bước tiến mới đáng ghi nhận. Tổng thứ ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon ngay hôm qua đã lên tiếng đánh giá kết quả cuộc đối thoại Mỹ -Bắc Triều Tiên là tiến bộ quan trọng và đáng "khích lệ".

Các nước tham gia bàn đàm phán 6 bên ngay sau đó đã có những phản ứng về quyết định của Bình Nhưỡng. Trước tiên là Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bắc Triều Tiên. Bộ Ngoại giao nước này hôm nay đã ra thông cáo đánh giá kết quả đạt được giữa Bình Nhưỡng và Washington "góp phần vào duy trì và ổn định trên bán đảo Triều Tiên". Đồng thời, Bắc Kinh cho biết sẽ tiếp tục cố gắng thức đẩy việc nối lại vòng đàm phán sáu bên nhằm tạo sự ổng định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Nga hôm nay cũng tuyên bố ủng hộ một loạt quyết định giải trừ hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, Washington vẫn tỏ ra thận trọng. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói, "đây là những bước tiến khiêm tốn đầu tiên theo đúng hướng", đồng thời khẳng định, Hoa Kỳ còn phải đánh giá trên hành động của Bình Nhưỡng.

Về phần mình, Nhật Bản tỏ ra thận trọng hơn. Hôm nay Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba tỏ ý vui mừng trước bước tiến mới đạt được, nhưng đề nghị Bắc Triều Tiên phải có những hành động "cụ thể" cho những cam kết. Đồng thời ông cũng nói rõ lập trường của Tokyo là phải giải trừ hạt nhân toàn bộ trên bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng phải ngừng hoạt động thực sự tất cả các cơ sở liên quan đến hạt nhân.

Vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên bắt đầu từ năm 2002 đến cuối năm 2008 thì đi vào bế tắc vì Bình Nhưỡng rút khỏi đàm phán và ngay sau đó tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 2. Đây là lần đầu tiên kể từ sau khi lãnh đạo Kim Jong Il qua đời hôm 17/12/2011, quyền lực được chuyển giao hoàn toàn cho người con Kim Jong Un, Bình Nhưỡng chấp nhận một loạt các cam kết về chương trình hạt nhân của mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.